Kiểm tra trên... báo cáo

ANTĐ - Trả lời câu hỏi của phóng viên một tờ báo điện tử về thắc mắc của nhiều người tiêu dùng, một số siêu thị tiến hành bình ổn giá với mặt hàng gạo tám không phải mặt hàng bình dân, thiết yếu, lãnh đạo một sở của Hà Nội đã khẳng định “Không bao giờ có chuyện như thế”! Theo ông, nếu doanh nghiệp nào bình ổn giá với mặt hàng này là họ đã làm sai chủ trương và phải xử lý. Ông nhấn mạnh, bình ổn giá là để phục vụ toàn dân, chứ không riêng gì người nghèo, người có thu nhập thấp.

Đồng ý với ý kiến của vị lãnh đạo này, có nghĩa rằng không nên “bắt lỗi” việc bình ổn giá trong siêu thị ở nội thành, bình ổn mặt hàng cao cấp hơn mặt bằng chung, nhưng nếu nội dung bài phỏng vấn trên là chính xác thì khẳng định của vị lãnh đạo này không được nhiều người dân đồng tình bởi đây là vấn đề thực tế. Một số siêu thị đã công khai danh mục hàng bình ổn giá, kèm theo giá bán và chú thích trực tiếp ở kệ hàng. Như vậy, có thể các đợt kiểm tra của cơ quan quản lý đối với các doanh nghiệp chưa chặt chẽ, không hiệu quả!

Nhìn lại quy trình kiểm tra hàng hóa, thị trường của các cơ quan chức năng hiện nay, có tình trạng không ít đoàn kiểm tra thường... ngồi văn phòng nghe doanh nghiệp báo cáo. Sau đó, đoàn kiểm tra cũng vào tận nơi bán hàng để khảo sát thực tế, nhưng việc khảo sát này thường mang tính hình thức. Doanh nghiệp gợi ý, dẫn đoàn kiểm tra khu vực nào, cán bộ kiểm tra đến khu vực đó, lại nghe doanh nghiệp giới thiệu rồi nhắc nhở, chỉ đạo chung chung... Những cuộc kiểm tra này cũng được báo trước để doanh nghiệp chủ động tiếp đón. Với hình thức kiểm tra như trên, trong nhiều trường hợp, sai phạm của cơ sở kinh doanh không bị phát hiện và xử lý.

Không nên hiểu cứng nhắc công tác kiểm tra, thanh tra là không được dựa trên văn bản báo cáo. Tuy nhiên, công tác này là một cơ hội để cơ quan quản lý sâu sát tìm hiểu thực tế, từ đó đề ra những giải pháp đúng đắn, phù hợp, có ý nghĩa. Bởi vậy, kiểm tra trên báo cáo thể hiện tính quan liêu và sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn.