Kịch cổ điển Hy Lạp “Mê – Đê” lên sân khấu cải lương: Những nỗ lực đi tìm khán giả trẻ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - "Mê Đê"- vở bi kịch kinh điển về sự phản bội, lòng tham, ghen tuông và cuộc trả thù trong bi thảm vừa được nhà hát Cải lương Việt Nam chuyển thể thành công.

"Mê Đê" do nhà viết kịch Hy Lạp cổ đại- Euripides chấp bút. Sau đó, tác phẩm được Hoàng Hữu Đản dịch ra tiếng Việt. NSND Triệu Trung Kiên và NSƯT Lê Chức đồng viết kịch bản cải lương. Đạo diễn: NSƯT Lê Chức.

Tác phẩm được diễn đi diễn lại suốt hàng nghìn năm qua ở các thể loại sân khấu và trong các liên hoan sân khấu tại bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Câu chuyện bắt đầu từ việc sau khi lấy được bộ lông cừu vàng đem về kinh thành Iolcos và giúp Jadong trả thù vua Pélias, Mê-Đê phải cùng chồng là Jadong và hai con chạy đến vương quốc Coranh ẩn thân. Tại đây, Jadong vì muốn khôi phục địa vị đã phản bội, ruồng bỏ Mê-Đê, lấy công chúa, con vua Creong trị vì Coranh.

Vở cải lương mở ra không gian văn hóa mang đậm sắc màu Hy Lạp cổ đại

Vở cải lương mở ra không gian văn hóa mang đậm sắc màu Hy Lạp cổ đại

Biết Mê-Đê là người đàn bà thông minh nhưng tâm địa độc ác, để bảo vệ bản thân và con gái, vua Creong quyết định đuổi mẹ con Mê- Đê ra khỏi xứ sở của mình. Và chỉ 1 ngày ở lại theo ân huệ của nhà vua, Mê- Đê đã làm nên một tấn bi kịch mà ngàn đời sau nhân loại còn kinh sợ. Người phụ nữ vốn xinh đẹp kiêu sa như hóa dại, cuồng vọng với âm mưu trả thù những người đã làm cho nàng đau khổ. Kết quả, đức vua và công chúa trúng độc mà chết. Cô cũng tự tay đâm chết hai con mình, kết thúc những khổ đau.

Khi đưa tác phẩm kinh điển lên sân khấu cải lương, đạo diễn Lê Chức đã tôn trọng tối đa tính nguyên bản của tác phẩm. Vở diễn được dàn dựng tối giản với bục và những dải lụa nhiều màu, cho thấy màu sắc của văn hoá Hy Lạp cổ đại. Các diễn viên mặc phục trang trắng giản đơn, có thêm khăn choàng làm điểm nhấn giúp hóa thân vào các nhân vật của thế giới Hy Lạp cổ đại.

Câu chuyện của vở diễn vẫn là bi kịch về sự phản bội, lòng tham, ghen tuông và cuộc trả thù trong sân – hận nhưng khán giả sẽ thấy thấp thoáng đâu đó bóng dáng của câu chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy của người Việt.

Nàng Mê Đê (nghệ sĩ Như Quỳnh) trong tác phẩm.

Nàng Mê Đê (nghệ sĩ Như Quỳnh) trong tác phẩm.

Nếu ở bản dựng kịch nói, diễn viên sẽ đỡ áp lực hơn để dồn toàn bộ vào diễn xuất thì ở phiên bản cải lương, các nghệ sĩ cần "phân thân" vừa ca vừa diễn. Ở nhân vật Mê Đê (nghệ sĩ Như Quỳnh đảm nhận) là những giằng xé dữ dội giữa lý trí và tình cảm được đẩy lên tới cực hạn, thể hiện sâu sắc những ngóc ngách trong tâm hồn phụ nữ và cũng là minh chứng cho tài năng của nhà viết kịch Euripides. Nhờ vậy, vở bi kịch "Mê Đê" dù có một kết thúc thảm khốc nhưng lại không khiến người xem cảm thấy ghê sợ mà còn đồng cảm và thương xót cho nàng Mê Đê để sau hàng nghìn năm, đây vẫn là một trong những đỉnh cao của bi kịch Hi Lạp và sân khấu thế giới.

NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, việc dàn dựng vở “Mê-Đê” nằm trong nỗ lực của đơn vị đi tìm khán giả. Vở bi kịch kinh điển này được đầu tư dàn dựng hướng đến khán giả trẻ, đặc biệt là sinh viên.

Êkíp thực hiện vở diễn kỳ vọng, việc dàn dựng một kiệt tác cổ điển phương Tây theo phong cách của sân khấu cải lương đương đại, sẽ tạo sức hút nhất định với khán giả trẻ, đặc biệt là khán giả chưa yêu thích nghệ thuật cải lương và vẫn có định kiến cải lương là lỗi thời, lạc hậu.

Vở diễn đã thành công khi khắc họa bi kịch thẳm sâu trong tâm lý của người phụ nữ, người vợ và người mẹ. Dù nói về xã hội Hy Lạp cổ đại nhưng vở diễn mang hơi thở thời đại. Nàng Mê-Đê đã đấu tranh cho bình đẳng giới, đấu tranh cho quyền sống chính đáng của con người.