Khuyết tật nhận thức

ANTĐ -  Bác chuẩn bị ngày mai đi đâu mà mặt mũi nghiêm trang thế?

- Tôi đi ký cam kết sẽ hiến mọi bộ phận cơ thể sau khi chết.

- Sao bác lại làm thế, các cụ kiêng lắm đấy. Nghe nói, sau khi chết nếu cơ thể không lành lặn thì sẽ không được đầu thai sang kiếp sau đâu.

- Vớ vẩn. Bác chỉ được cái mê tín dị đoan. Kiếp sau đã ai nhìn thấy đâu, chỉ thấy nhiều người hiện đang sống khốn khổ vì bệnh tật, người có lương tri ai chẳng đau lòng. Vừa rồi, bà Bộ trưởng Y tế đã ký giấy đồng ý hiến mô và nội tạng sau này đấy.

- Thế à, cũng là việc đáng chú ý.

- Bác không nên chỉ nói vậy. Đấy là một quyết định nhân văn của một người có vị trí trong xã hội. Bà ấy chịu hy sinh như thế, quyết định hiến mô, hiến tạng như thế, là hoàn toàn xuất phát từ nhận thức “thương người như thể thương thân”.

- Khi nằm dưới mồ, thân thể mình không còn đầy đủ, lành lặn, tôi thấy cứ thế nào ấy.

- Chết rồi thì ai còn tham sân si được nữa, hả bác. 

- Ừ nhỉ.

- Bao anh hùng liệt sỹ nằm xuống, thân thể có nguyên vẹn đâu mà biết bao thế hệ biết ơn, tự hào. Bản thân họ cũng thấy thanh thản khi nằm xuống.

- Bác nói thế tự nhiên tôi mới “ngộ” ra rằng, trong xã hội còn khối người chỉ nghĩ đến lợi ích bản thân, cố vơ vét, nhồi nhét cho riêng mình, chẳng nghĩ đến người khác bao giờ. Những người đó tuy thân thể vẹn nguyên, nhưng nhận thức thì bị khuyết tật, kể cũng tội nghiệp, bác nhỉ.