Khúc tráng ca Lý Sơn: “Nhà mình thì mình phải giữ”

ANTĐ - Cả tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển, nhìn ba bề bốn bên chỉ toàn là đường chân trời, rồi đột ngột giữa vùng trời nước mênh mông, nổi lên một hòn đảo với tấp nập tàu thuyền. Trên mỗi con tàu một lá cờ đỏ sao vàng phần phật bay trong gió. Hình ảnh Tổ quốc ngoài đảo xa chỉ có vậy đã đủ thấy gần gũi và thân thương.

Ngư dân Bùi Văn Phải

Người thuyền trưởng bình dị

Đến đảo Lý Sơn hỏi đường vào nhà chủ tàu Bùi Văn Phải không khó. Với giọng Quảng Ngãi nặng trịch, một cụ già nhà sát đình An Vĩnh sau khi tận tình chỉ đường khen ngợi “Nó ít tuổi mà gan lắm nha!”. Khi chúng tôi đến, hai vợ chồng chủ tàu Bùi Văn Phải không có nhà, chị hàng xóm bảo: “Tàu sửa xong rồi, hai đứa đó đang hì hụi dọn dẹp lại đôi chút, chờ ngày ra khơi, cứ đứng nguyên đó, tui gọi chúng về cho…!”. Chừng dăm mười phút sau thì hai vợ chồng Bùi Văn Phải về đến nhà, vội vàng mở cửa, kỳ cạch pha trà mời khách. Biết tôi là phóng viên Báo An ninh Thủ đô, Phải vui lắm: “Bữa trước, có các chú ở Công an tỉnh Quảng Ngãi về tặng quà, hỗ trợ tiền sửa tàu, trong số đó 10 triệu đồng, em được biết là quà của các bác, các chú, các anh chị ở Báo An ninh Thủ đô gửi tặng, gia đình em bất ngờ và xúc động lắm. Chị cho em gửi lời cảm ơn và lời chúc sức khỏe đến các bác lãnh đạo của báo cùng cán bộ phóng viên, chị nhé!”.

Dù đã đọc về sự việc xảy ra vào sáng sớm 20-3-2013, về hành động dũng cảm của chủ tàu, thuyền trưởng và các thành viên trên tàu QNg 96382 sau khi bị phía Trung Quốc bắn cháy cabin, khi gặp ngư dân này, chúng tôi không khỏi bất ngờ về sự trẻ trung của chủ tàu QNg 96382. Sinh năm 1989, dáng người cao lớn vạm vỡ, da cháy đen vì nắng gió biển khơi, nụ cười của Bùi Văn Phải rất duyên và tươi tắn. Vừa rót nước mời khách, Phải vừa kể  về buổi sáng kinh hoàng đó, về cả việc anh em thủy thủ dũng cảm dập lửa cứu cờ Tổ quốc, cứu tàu ra sao... 

Tôi hỏi, chừng nào em lại ra  khơi? Phải bảo: “Chắc độ dăm hôm nữa, khi Lễ khao lề thế xong. Em đã xem được ngày tốt rồi”. Tôi hỏi tiếp, sau lần bị tàu Trung Quốc bắn cháy cabin tàu, em có sợ không? Đanh mặt lại, chàng trai trẻ mới vừa 24 tuổi quả quyết: “Không!” và hỏi lại tôi: “Tại sao lại phải sợ?”. Rồi Bùi Văn Phải kể: “Cha mất khi em vừa tròn 13 tuổi,  một mình mẹ không đủ sức nuôi mấy chị em ăn học. Bỏ học, đi biển là con đường của nhiều thanh niên trên đảo Lý Sơn, vì điều kiện kinh tế gia đình không cho phép, dù xót con, nhưng mẹ em vẫn phải gật đầu đồng ý cho em ra khơi. 13 tuổi, em đã cùng các chú, các bác lênh đênh cả tháng trời trên  vùng biển Hoàng Sa khai thác hải sản. Trước đó, bao đời, ngư dân trên đảo cũng vẫn đánh bắt sản vật ở đây. Em coi vùng biển Hoàng Sa như nhà của mình. Nhà mình thì đương nhiên mình phải giữ”.

 Cũng câu hỏi đó, tôi tìm gặp thuyền trưởng Phạm Quang Thạch, anh chính là con cháu của dòng họ Phạm Quang trên đảo với ông tổ là Phạm Quang Ảnh, người được cử ra cắm mốc Hoàng Sa từ năm 1815. Anh Thạch quả quyết “Không có lý gì mình lại sợ khi ra Hoàng Sa đánh bắt, vì đây là vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam”. 

Khúc tráng ca Lý Sơn: “Nhà mình  thì mình  phải giữ” ảnh 2
Những lá cờ tung bay trên các ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa,
khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam

“Hồn treo cột buồm” 

Cả nghìn ngôi mộ gió, cũ có, mới có là minh chứng hiện hữu để nói về sự nhọc nhằn của người đi biển. Cư dân trên đảo thi thoảng đùa với nhau rằng, có bao nhiêu cách lặn mò, đánh bắt hải sản biển, thì có bấy nhiêu kiểu tai nạn nghề nghiệp. Có người gặp bão vĩnh viễn nằm lại dưới biển sâu, có người thì bại não, liệt cả chân tay nguyên nhân cũng chỉ vì lặn sâu xuống mấy chục mét nước dưới biển để mưu sinh… Những ngư dân trên đảo Lý Sơn, lâu nay vẫn “ăn sóng nói gió”, nên khi kể về những tai nạn trên biển xem chừng rổn rảng, lạ một điều khi nói về cái chết, cứ thấy giọng nhẹ bẫng. 

Vài chục năm trước, ngư dân Lý Sơn vẫn thường lặn biển để bắt tôm hùm, ốc xà cừ, cá mú… thậm chí, lặn mò trục vớt cả xác những con tàu chìm để bán phế liệu. Vài năm trở lại đây, nghề mò hải sâm – một loài nhuyễn thể biển được tôn vinh như thần dược chữa bách bệnh lên ngôi.  Lý Sơn là vùng biển sâu, lại nhiều rạn đá ngầm. Bão nhiều mà hải sản cũng lắm. Nghề mò hải sâm như dành riêng cho dân Lý Sơn. Ngư dân vùng khác cũng từng ham hải sâm mà thử tay nghề, nhưng trước sau đều bỏ cả vì không đủ sức lặn sâu.

Xưa, xa bờ một chút là bắt được hải sâm, giờ dong buồm đi cả ngày trời mới ra đến vùng biển có hải sâm. Mỗi tàu ra khơi cần phải có ít nhất 150 triệu đồng để sắm sanh nhu yếu phẩm, vài tạ gạo, nước ngọt, rau củ và thức ăn, kèm theo đó là 7.000 lít dầu và 5.000 cây đá cho khoang ướp. Mỗi lần ra khơi của dân mò hải sâm kéo dài hơn tháng trời. Thuyền về bến, số hải sâm bắt được đem bán được hơn 300 triệu đồng là hòa vốn nhưng cũng có người gặp may, trúng vỉa là thu được bạc tỷ. Nghe chủ tàu Bùi Văn Phải kể chuyện mò hải sâm ở Lý Sơn thấy đơn giản đến không ngờ. Loại nhuyễn thể này sống rất sâu dưới lòng biển, lẫn trong những rặng san hô.  Khi tới những nơi xác định có hải sâm, thợ lặn đeo vào người túi chì nặng 15kg để chìm xuống thật nhanh. Ống dưỡng khí nối vào miệng được thả theo. Dưới cả mấy chục mét nước, người thợ lặn nhanh tay nhặt những con hải sâm đang phập phồng, đưa vào giỏ. Cứ lặn chừng nửa tiếng thì đổi ca, giật dây để anh em trên tàu kéo lên. Nghe qua thì có vẻ nhẹ nhàng, nhưng ẩn chứa trong đó bao nhiêu nguy hiểm, bất trắc rình rập, chỉ sơ sảy một chút thôi là phải đánh đổi cả mạng sống của mình. Đó là khi cơ thể con người chìm dưới áp suất của hàng chục mét nước sâu. Lúc ngoi lên áp suất thay đổi đột ngột, gây tắc mạch máu não, đứt tủy sống, thủng màng nhĩ… Ở Lý Sơn có anh Bùi Huệ, mới 35 tuổi nhưng đã có 10 năm ngồi xe lăn, tự huấn luyện một đôi chó để kéo mình đi sau một cơn đột quỵ. Có ông Nguyễn Thọ ở xã An Hải, định mệnh bắt cả ba bố con phải hỏng đôi chân sau những chuyến lặn vớt hải sâm... Tính sơ sơ cũng có cả trăm tai nạn như thế. 

Giờ mỗi lần ra khơi, ngoài những tai nạn nghề nghiệp, ngoài những bất trắc do thiên nhiên, ngư dân còn phải đối mặt với nhiều hiểm nguy khác, bị tàu của Trung Quốc xua đuổi, xịt nước, bị bắt và bị bắn cháy cabin như trường hợp của tàu QNg 96382. Quảng Ngãi là tỉnh có đội tàu cá lớn nhất, nhì của cả nước và hành nghề ở hai ngư trường chính là Hoàng Sa và Trường Sa. Từ năm 2005 đến nay, toàn tỉnh có vài trăm tàu thuyền “bị nạn”, nhưng các thế hệ ngư dân vẫn nối tiếp nhau ra khơi. Họ coi đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của những người đi biển. Mỗi con tàu ra biển, mang theo những lá cờ Tổ quốc trên nóc tàu sẽ là những cột mốc sống để khẳng định chủ quyền biển đảo đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Chiếc ô tô đầu tiên trên đảo
Khúc tráng ca Lý Sơn: “Nhà mình  thì mình  phải giữ” ảnh 3
Chiếc ôtô Mercedez 16 chỗ do Công an TP Hà Nội tặng huyện đảo Lý Sơn
Tàu cập bến, chiếc xe Mercedez 16 chỗ đón chúng tôi mang biển số 76B-1000, anh Ngô Văn Trọng - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Ngãi - người đã đồng hành cùng chúng tôi bắt đầu từ cảng Sa Kỳ ra đến đảo kể, đây chính là chiếc xe, món quà mà Công an TP Hà Nội đã tặng huyện đảo Lý Sơn.  Năm 2009,  trong một lần Đoàn công tác xã hội của Báo An ninh Thủ đô do Tổng Biên tập - Đại tá Đào Lê Bình làm trưởng đoàn ra thăm Lý Sơn, tận mắt chứng kiến những khó khăn vất vả, những mất mát và cả những hy sinh thầm lặng mà cán bộ, nhân dân huyện đảo đang ngày đêm phải đối mặt, xuất phát từ tình cảm của những chiến sĩ Công an Thủ đô, trên cơ sở đề xuất của Báo, Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội báo cáo Lãnh đạo Bộ Công an và Lãnh đạo Bộ đồng ý tặng, chiếc xe Mercedez 16 chỗ đã được chuyển về Quảng Ngãi, chờ ngày ra đảo.

Trao đổi cùng ông Võ Văn Huyện - Bí thư huyện đảo Lý Sơn, chúng tôi được biết, ngay sau khi nhận được món quà hết sức có ý nghĩa, chiếc ô tô được đăng ký số biển: 76B-1000, đó là con số ý nghĩa, kỷ niệm dịp Thăng Long - Hà Nội tròn nghìn năm tuổi, 3 tháng sau khi hoàn tất các thủ tục, xe được vận chuyển bằng tàu biển ra đảo Lý Sơn, đó là chiếc ô tô đầu tiên có mặt trên đảo. Trước đó, việc đi lại của cán bộ Huyện ủy cũng như UBND huyện đảo hay các đoàn khách ra đảo vẫn chỉ bằng xe máy hoặc đi bộ. Để đưa được chiếc ô tô ra đảo là một quá trình hết sức khó khăn, khi đó chưa có xà lan, xe được cẩu lên một chiếc thuyền gỗ, may mắn, trong suốt quá trình vận chuyển diễn ra suôn sẻ và an toàn. Ông Võ Văn Huyện cho biết thêm, ông thực sự xúc động trước tình cảm chân thành mà CBCS Công an TP Hà Nội dành cho cán bộ, nhân dân nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Cho đến năm ngoái, UBND tỉnh cấp cho huyện đảo Lý Sơn thêm một chiếc ô tô 7 chỗ nữa. Nếu tính cả chiếc ô tô quà tặng mà Công an TP Hà Nội dành cho đảo Lý  Sơn thì hiện trên đảo có cả thảy 11 chiếc, 9 trong số đó là của tư nhân, tất cả các xe này đều mới được đưa ra đảo, kể từ khi có xà lan. Một nửa trong số đó phục vụ khách du lịch, một nửa dùng chuyên chở hàng hóa. Khi tiễn chúng tôi ra đến cầu tàu, ông Võ Văn Huyện siết tay thật chặt và gửi lời cảm ơn, lời chúc sức khỏe của cán bộ nhân dân huyện đảo Lý Sơn tới với Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội cũng như CBCS Báo An ninh Thủ đô, những người sống ở Hà Nội nhưng tấm lòng luôn hướng về biển đảo - phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.