Khúc ca mây trắng biệt nhân gian

ANTĐ - Nhà văn Nguyễn Khắc Phục thuộc lớp nhà văn chiến sĩ từng lăn lộn chiến trường. Chết hụt không biết bao lần khi theo bộ đội bám đường diệt xe địch trên đèo Măng Giang; hay tưởng đã hy sinh khi Mỹ thả bom B52 vùi lấp chiến hào; lại cũng là lần lọt vào giữa trận càn của Mỹ và Nam Hàn, ngỡ chẳng còn đường về. Rồi những đêm phải nằm hầm, nhịn đói cả tuần cầm cự với quân địch, nhưng vẫn kiên cường chiến đấu… Những ngày tháng đạn bom sinh tử ấy để lại những ký ức hào hùng, làm nên sự nghiệp văn chương sau này của Nguyễn Khắc Phục.

Những thực tế trải nghiệm trên chiến trường Quảng Nam đã tạo nên những sáng tác mang đậm giá trị nhân văn của Nguyễn Khắc Phục như: “Bay qua cõi chết”, “Học phí trả bằng máu” hay trường ca “Ăn cốm giữa sân”, kịch bản “Vườn thầy Năm”… Khởi nghiệp xuất sắc với cả hai lĩnh vực truyện ngắn và thơ, Nguyễn Khắc Phục nhận được hai giải thưởng của báo Văn Nghệ (1967) và Văn nghệ Quân đội (1969). Ông được kết nạp vào Hội Nhà văn từ rất sớm, năm 1976, lúc mới 29 tuổi.

Được Nhà nước cho đi học đạo diễn điện ảnh ở Nga (1979-1980), nhưng Nguyễn Khắc Phục nằng nặc xin về với lý do nặng nghiệp với văn chương, cùng những ấp ủ và khao khát sáng tác. Ông nay đây mai đó, từ Nam ra Bắc viết không biết mệt mỏi. Với những cảm xúc dồn nén bao năm, Nguyễn Khắc Phục liên tiếp cho ra lò hàng trăm truyện ngắn, hàng chục kịch bản sân khấu, điện ảnh. Có người gọi ông là một nhà văn tràn đầy khát khao, với một sức vóc lao động khổng lồ. Dấu ấn Nguyễn Khắc Phục ghi đậm trong các tiểu thuyết có giá trị như “Khát vọng”, “Cuối xuân”, “Điệp khúc hy vọng”, “Thành phố đứng đầu gió” hay “Giọt nước mắt cuối cùng”… Bên cạnh đó ông còn là một tác giả kịch bản điện ảnh nổi tiếng với các phim “Những ngôi sao biển”, “Tự thú trước bình minh”, hoặc “Sơn ca trong thành phố”, “Chiến trường chia nửa vầng trăng”, hay “Học trò thủy thần”…

Cái tên Nguyễn Khắc Phục còn gắn liền với các kịch bản lễ hội lớn trên cả nước. Lễ hội hoành tráng cuối cùng của ông có lẽ là Kịch bản cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội (2010). Đặc biệt là đêm bế mạc “Thành phố Rồng bay” trên sân vận động Mỹ Đình. Người ta phong cho ông là “Vua” kịch bản lễ hội Văn hóa-Lịch sử tầm cỡ quốc gia là vì thế. Những kịch bản của ông bao giờ cũng thể hiện tính triết lý và lãng mạn giữa bố cục và chi tiết thể hiện. Sự tổng hòa về ý tưởng được truyền tải qua các hình loại nghệ thuật khác nhau như âm nhạc, ca múa, ánh sáng và tiếng động đã làm nên một ngôn ngữ sân khấu đặc trưng của Nguyễn Khắc Phục. 

Nhưng chưa hết, nhà văn Nguyễn Khắc Phục còn có niềm say mê khác, ngoài văn thơ, sân khấu, điện ảnh, đó là hội họa. Ông âm thầm vẽ trong những đêm cô đơn nhất và cả những thời đoạn cam go trong cuộc đời như ốm đau và trắc trở gia đình. Màu sắc và họa hình đã đem lại sự cân bằng cho ông trong những khoảng hụt hẫng của cuộc đời. Đồng thời hội họa cũng mang lại niềm say mê khám phá mới mà ông cũng bất ngờ với chính mình. Tự học và tự vẽ chơi, không ngờ cuộc triển lãm mà ông trưng bày cùng với nhà thơ Trần Nhương năm 2008 đã bán được không ít tác phẩm. Ghồ ghề nhưng lại sắc nét. Dữ dội và đam mê. Đó là những cảm nhận của người xem đối với hội họa mang tên Nguyễn Khắc Phục. Quả ông là một tác gia kỳ lạ, đa tài. 

Vậy mà giờ đây, con người đa tài và kỳ lạ ấy đã ngỏ “lời cuối cùng cho một tình yêu”, về với dòng sông mây trắng. Trước lúc ra đi, nhà văn không phó mặc cho sự tận cùng lực kiệt, mà cưỡng lại số phận bằng đứa con tinh thần cuối cùng, với một khát khao tận hiến, đó là tiểu thuyết “Hỗn độn”. Cõi đời thật vô thường, đúng như một bức tranh ông vẽ, để lại những nỗi bâng khuâng về cuộc sống. “Hỗn độn” là niềm tâm sự day dứt, trước khi nhà văn Nguyễn Khắc Phục để gió cuốn cuộc đời mình vào hư vô. Vậy là người đời vẫn còn nghe ông hát, một khúc ca ly biệt thiết tha nhất, trên thế gian này.