Nhà văn Nguyễn Khắc Phục viết tâm thư

Một bức tâm thư được đăng trên trang web - “ngôi đền” - của  nhà văn Nguyễn Khắc Phục - và gửi tới bạn bè văn chương ngay sau khi tuyển Việt Nam lọt vào tứ kết Asian Cup.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục viết tâm thư

Một bức tâm thư được đăng trên trang web - “ngôi đền” - của  nhà văn Nguyễn Khắc Phục - và gửi tới bạn bè văn chương ngay sau khi tuyển Việt Nam lọt vào tứ kết Asian Cup.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục

Trong bức thư của mình (hiện đã được gửi đến nhiều bạn văn trên mạng), nhà văn Nguyễn Khắc Phục, người tự nhận mình say mê cả bóng đá lẫn tiểu thuyết - làm một sự so sánh giữa bóng đá và tiểu thuyết. Để từ đó, ông nêu lên ý tưởng thành lập một quỹ phát triển dành cho tiểu thuyết.

“Tạm bỏ qua sự khập khiễng, ta có thể ví Tiểu Thuyết trong sáng tác văn học có vị trí tương đương với vị trí của Bóng Đá trong thể thao Việt Nam”, ông viết, “trên bản đồ bóng đá thế giới" do FIFA lập ra, trước khi lần đầu tiên giành được quyền dự tứ kết Asian Cup, đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam thường chập chờn trên dưới thứ hạng 100, chắc chắn bây giờ thứ hạng đội tuyển Việt Nam sẽ tăng vọt lên nhiều bậc và được thế giới biết đến nhiều hơn”.

Nhờ đâu có được bước tiến này, theo nhà văn, trước hết là nhờ tài năng, bản lĩnh, nhiệt huyết, tinh thần thi đấu, gắn bó, đoàn kết và sự trưởng thành của tập thể đội bóng và sự quan tâm, đầu tư đúng đắn của Nhà nước.

Và một nhân tố đặc biệt quan trọng góp phần làm nên kì tích nói trên của đội tuyển quốc gia chính là sự yêu mến, tin tưởng, ủng hộ hết lòng, cả tiền bạc lẫn khích lệ tinh thần và đòi hỏi cao ở một nền bóng đá phát triển mạnh mẽ, của hàng triệu người hâm mộ bóng đá Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục trên tinh thần phấn khích khi Việt Nam vào tứ kết Asian Cup đã nảy ra những suy luận logic về mối liên tưởng giữa nền tiểu thuyết và “nền bóng đá” của Việt Nam.

Bức thư có đoạn: “Giả sử có một "bản đồ tiểu thuyết" thì tiểu thuyết Việt Nam đang nằm ở đâu? Lại một lần nữa, tạm bỏ qua sự khập khiễng, ta suy đoán những gì cần cho việc phát triển tiểu thuyết theo cái lô-gích phát triển bóng đá nói trên. Trước hết và quan trọng nhất, chính là tài năng và bản lĩnh của các nhà tiểu thuyết.

Thứ hai, từ nhiều năm nay, Nhà Nước thông qua các tổ chức văn học nghệ thuật đã dành cho sáng tác văn học - nghệ thuật nói chung, tiểu thuyết nói riêng, rất nhiều sự quan tâm, đầu tư, chỉ đạo, động viên...

Nhưng cũng như trong bóng đá, chúng ta không thể không nhắc tới một nhân tố đặc biệt quan trọng góp phần thúc đẩy sự nhảy vọt, nếu có, của tiểu thuyết Việt Nam, chính là sự yêu mến, tin tưởng, ủng hộ hết lòng, cả tiền bạc lẫn khích lệ tinh thần của những người đòi hỏi cao ở một nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại phát triển, được thế giới biết đến.

Vì những lẽ trên, tôi tha thiết gửi bức tâm thư này, mong muốn quý bạn xem xét, ghi nhận, chia sẻ và ủng hộ ý tưởng tiến tới xây dựng một quỹ văn học dành riêng cho tiểu thuyết, tạm đặt tên là "Vì sự phát triển của tiểu thuyết Việt Nam".

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục hy vọng sẽ có những Mạnh Thường Quân để giúp thực hiện khát vọng phát triển tiểu thuyết Việt Nam.

Theo VTC