Không trông vào lòng hảo tâm

ANTĐ - Một giám đốc trung tâm nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ của ĐHQG TP Hồ Chí Minh cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là thuê chuyên gia nước ngoài hay các nhà khoa học Việt kiều trong lĩnh vực khoa học công nghệ vì chưa có cơ chế tài chính. “Phải trả sòng phẳng chứ không thể kêu gọi hảo tâm” - vị giám đốc này chia sẻ về thành công của hoạt động nghiên cứu ứng dụng dưới sự cố vấn, chuyển giao công nghệ của các chuyên gia nước ngoài.

Đồng quan điểm, hiệu trưởng một trường ĐH quốc tế trong nước cho biết, trường này đã áp dụng cơ chế tiền lương cạnh tranh. Theo đó, lương giáo sư  sau thuế thu nhập thấp nhất là 23 triệu đồng, tiến sĩ là 15 triệu đồng, lương cán bộ hành chính cũng đạt hơn 7 triệu đồng. Mức thưởng dành cho các bài báo được công bố trên tạp chí trong nước và nước ngoài của giảng viên trường này cũng khiến nhiều vị hiệu trưởng đại học “ngộp thở” với 750 USD cho bài báo trong nước và 1.500 USD cho bài báo nước ngoài.

Nhìn những ví dụ này, nhiều giám đốc, hiệu trưởng trường đại học trong nước cho rằng có chăng đây chỉ là những trường hợp hãn hữu. “Trường quốc tế mới được thoải mái trả lương ở mức này chứ trường công lập thì cùng lắm được quyền trả cao nhất là 2,5 lần tổng mức lương cơ bản” - một hiệu trưởng trường ĐH có tiếng trong nước cho biết.

Trong khi đó, nói về mục tiêu các trường ĐH trong nước, con số hướng tới trong tương lai được đại diện Bộ Tài chính đưa ra về thu nhập cho giảng viên là 20 triệu đồng với giáo sư, 10 triệu đồng với giảng viên thông thường... Bên cạnh đó là mục tiêu thu hút giáo viên nước ngoài, chất xám nguồn nhân lực chất lượng cao cũng đang rất cấp thiết nhưng nhìn lại năng lực thực sự, thì với một trường ĐH có mức thu cao được giao tự chủ tài chính của Hà Nội cũng cố lắm mới chi đến 1,8 lần. Và dĩ nhiên kết quả là nhiều giảng viên giỏi đã phải rời bỏ giảng đường để làm cho các công ty nước ngoài vì nếu chỉ dựa vào lòng yêu nghề hay sự hảo tâm thì khó có thể đảm bảo sự bền vững, chuyên tâm của nguồn nhân lực chất lượng cao.