Không thể... phủi tay

ANTĐ - Mức xử phạt cao nhất từ trước tới nay mà Thanh tra Bộ Y tế áp dụng đối với Công ty URC do sản xuất và bán nước C2 và Rồng Đỏ có hàm lượng chì quá mức cho phép được dư luận hoan nghênh. Song câu hỏi đặt ra là 5,8 tỷ đồng đó có thấm vào đâu so với nguy cơ mà người tiêu dùng đã uống nước nhiễm chì phải chịu?

Công ty URC đã bán hai lô sản phẩm có hàm lượng chì cao quá mức với tổng giá trị gần 3,9 tỷ đồng.

Thế nên dù Thanh tra Bộ Y tế đã giám sát việc tiêu hủy 1.184 thùng C2 và Rồng Đỏ thuộc 2 lô hàng được xác định có vi phạm, thì vẫn đáng lo ngại vì phần lớn số nước giải khát này đã được lưu thông hết trên thị trường. Điều này có nghĩa là hàng nghìn người tiêu dùng đã “uống cạn” nước giải khát nhiễm chì vào cơ thể.

Theo Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, về nguyên tắc, người tiêu dùng phải được bồi thường khi mua phải sản phẩm C2 và Rồng Đỏ thuộc hai lô nhiễm chì nói trên. Thế nhưng, để khiếu kiện, đưa vụ việc ra tòa và đòi bồi thường cho từng cá nhân trong vụ việc này không hề đơn giản.

Bởi từng người tiêu dùng mua số lượng ít, không còn hóa đơn và đã sử dụng hết, cho nên việc đánh giá ảnh hưởng đến sức khỏe từng người lại càng khó khăn. Theo vị Phó Chủ tịch này, nên thành lập một quỹ để dành riêng cho các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng như kiểm tra phát hiện thực phẩm bẩn.

Cách đây 3 năm, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận hàng trăm trẻ ngộ độc chì vào viện vì dùng thuốc cam bán tại nhiều cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền. Chì là kim loại cực độc với cơ thể, đặc biệt tác hại tới phát triển trí tuệ của trẻ nhỏ. Khi vào cơ thể, chì tích tụ trong mô mềm hoặc xương.

Đáng sợ hơn, thời gian thải loại chì rất dài, thậm chí tới 30-40 năm. Trẻ bị ngộ độc chì ảnh hưởng tới phát triển chiều cao, giảm tuổi thọ hồng cầu, chưa kể nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng khác.

Phân tích sâu sắc dưới góc độ y học để thấy tác hại trước mắt, hậu quả lâu dài khi người tiêu dùng, nhất là trẻ nhỏ uống nước giải khát nhiễm chì như thế nào. Từ đó có thể nói, số tiền xử phạt dù ở mức cao nhất, thậm chí nhiều tỷ đồng cũng không thể coi như xong việc, phủi tay rũ sạch trách nhiệm. Tiền phạt hay tiền bồi thường làm sao “mua” được sức khỏe, tính mạng con người?