Không phải phê để... phá

ANTD.VN - Này, ông cứ chê nhiều thanh niên Thủ đô, nhất là cái đám 3 đời phố cổ được sống trong điều kiện đầy đủ nên thành ra thụ động, suy nghĩ ì trệ, thiếu óc phê phán, hay còn gọi cách khác là tư duy phản biện. Tôi thấy không hoàn toàn đúng.

- Thế nghĩa là ông định phản biện chứ gì? Xin mời.

- Đây nhé, riêng về óc phê phán thì tôi nghĩ họ có thừa, thậm chí còn hơi thừa mứa quá. Hàng ngày đọc báo, lướt web thì biết, hễ có chủ trương, kế hoạch, dự định mới được đưa ra, là lập tức có cả hàng nghìn người lao vào mổ xẻ, phân tích, bình luận, phê phán ra trò. Bây giờ thử ra quán trà chanh vỉa hè mà xem, toàn thanh niên mang những chuyện “quốc kế dân sinh” ra luận bàn đấy.

- Giời ôi, cái đó mà ông cũng xếp vào hàng tư duy phản biện hả? Có mà “tư duy ngụy biện” ấy. Mang tiếng là tranh luận, mổ xẻ, phân tích, nhưng toàn tấn công cá nhân, tấn công hoàn cảnh, không thì cũng bóp méo thông tin, sau đó chỉ trích chính cái thông tin bị bóp méo đó để người khác tin rằng nó sai. Vừa vặn gặp những người quen thói a dua theo đám đông, lao vào ủng hộ, không phản biện nổi lấy nửa câu đúng đắn.

- Sao ông cứ có ác cảm với người trẻ thế nhỉ? Tầm chiều chiều ông thử vào công viên, vườn hoa mà xem, có khối ông già ngồi với nhau, chả phê bình, chỉ trích, nói xấu đủ mọi thứ, từ chuyện cây kim sợi chỉ đến con voi ấy à.  

- Đấy nhé, chính ông cũng đang phạm lỗi ngụy biện đấy. Hai chuyện đó thì có gì liên quan đến nhau, người lớn tuổi làm vậy không có nghĩa là thanh niên cũng làm như vậy thì đúng đắn. Biết phê phán thì tốt, nhưng phê phải đúng, phải hợp logic, phải có tính xây dựng chứ không phải phê để phá.