Không phải ngông mà tôi “có vấn đề”

(ANTĐ) - Trong khi còn nhiều định kiến với ảnh nude thì Trần Huy Hoan đã tưng tửng chụp ảnh khỏa thân nghệ thuật và anh được coi là một trong những người tiên phong trong thể loại ảnh này. Vừa qua, anh có một triển lãm ảnh nude nghệ thuật ở Hà Nội với 2 sắc độ đen trắng cùng những bức ảnh có cái tên rất mỹ miều: thiên đường 1, thiên đường 2…

NSNA Trần Huy Hoan:

Không phải ngông mà tôi “có vấn đề”

(ANTĐ) - Trong khi còn nhiều định kiến với ảnh nude thì Trần Huy Hoan đã tưng tửng chụp ảnh khỏa thân nghệ thuật và anh được coi là một trong những người tiên phong trong thể loại ảnh này. Vừa qua, anh có một triển lãm ảnh nude nghệ thuật ở Hà Nội với 2 sắc độ đen trắng cùng những bức ảnh có cái tên rất mỹ miều: thiên đường 1, thiên đường 2…

- PV: Khi xem ảnh của anh tôi thấy có nhiều người mẫu rất “sồ sề”, tiêu chí chọn người mẫu nude của anh như thế nào?

- NSNA Trần Huy Hoan: Chưa bao giờ tôi đặt chỉ số hình thể chuẩn để làm nền tảng cho sáng tác của tôi. Một bức ảnh nude nghệ thuật thành công không chỉ là bức ảnh ghi chép những chỉ số tiêu chuẩn của cơ thể mà còn mang nhiều yếu tố khác nữa. Tôi đang xây dựng những tác phẩm ngợi ca vẻ đẹp nói chung của phụ nữ chứ không chỉ ngợi ca những khuôn vàng thước ngọc. Tôi ước mơ mọi người khi xem tác phẩm của tôi sẽ thấy những hình tượng phụ nữ đẹp chứ không phải là những hình ảnh phụ nữ đẹp. Chính vì thế, tôi không đặt cho mình một tiêu chí chọn người mẫu cụ thể nào cả mà vấn đề tôi quan tâm hơn cả là những giá trị của cảm xúc. Người mẫu phải phù hợp với hoàn cảnh và đúng hơn, tôi và người mẫu sẽ cùng kể một câu chuyện.

Các mẫu nude có cả hình ảnh người vợ của anh?

Nếu bạn xác định xây dựng một hình tượng chung thì nó sẽ giúp bạn không băn khoăn về chuyện cô ấy là ai vì bạn có định tả cụ thể cô ấy đâu. Vì thế để kể một câu chuyện về vẻ đẹp chung thì mời vợ mình hay mời một cô gái khác có gì khác nhau. Nếu bạn ngần ngại chụp vợ mình thì bạn nghĩ gì khi mời những cô gái khác cộng tác. Họ cũng là vợ của một người nào đó chứ. Chúng ta phải là những người tiên phong xoá bỏ mọi định kiến trong sáng tác nghệ thuật.

Anh đã từng gặp “tai nạn” nào chưa?

Cách đây 26 năm tôi có một tai nạn và từ đấy tôi không muốn lặp lại nữa. Cô giáo mẫu giáo của con gái tôi khi tới nhà tôi để trao đổi về tình hình ăn uống và sức khoẻ của cháu đã vô tình nhìn thấy những bức tôi chụp vợ tôi mặc áo để hở một bờ vai trần rất gợi cảm dưới ánh đèn vàng ấm áp. Cô giáo thì thầm với vợ tôi đề nghị tôi chụp cho cô giáo một bức ảnh tương tự như vậy. Nể tỉnh, tôi đã nhận lời. Sau khi tặng ảnh cô giáo thì chồng cô ấy đã rất phẫn nộ đến gặp tôi để “cảm ơn”.

Anh quan niệm như thế nào về ảnh nude nghệ thuật?

Chụp ảnh nude nghệ thuật là một cuộc chơi rất mạo hiểm mà ở nước ta lại càng mạo hiểm và nghiệt ngã gấp bội. Tổng kết sợ bộ là: vui ít-buồn nhiều, được ít-mất nhiều, khen ít-chê nhiều, mua ít-xin nhiều. Nói tóm lại có rất nhiều phiền phức khi tham gia vào cuộc chơi này và sự phiền phức lớn nhất là không bỏ nghề được.

Anh có nghĩ mình là người chơi ngông, anh chụp ảnh nude từ khi không mấy người dám thực hiện?

Trước đây, khó khăn lớn nhất cho nude nghệ thuật là định kiến của toàn xã hội. Nghĩ lại chắc không phải tôi chơi ngông đâu mà có thể tôi có vấn đề.

Ảnh nude nghệ thuật là một thể loại rất khó
Ảnh nude nghệ thuật là một thể loại rất khó

Đứng trước một người phụ nữ đẹp, anh có rung động không? Và phải làm cách nào để tập trung vào chụp ảnh được?

Không nhất thiết phải đứng trước một phụ nữ đẹp mà đứng trước một phụ nữ không đẹp, tôi cũng rung động. Để chụp được ảnh đẹp, tôi luôn nuôi dưỡng sự rung động trong suốt quá trình làm việc. Bởi chụp ảnh lúc này chỉ là công việc ghi lại cảm xúc mà thôi. Người mẫu và nhiếp ảnh là một sự hợp tác để kể về một câu chuyện chung chứ không phải câu chuyện riêng về cô ấy nên chẳng có ai tạo nên sức ép cả.

Anh nhận thấy ảnh nude nghệ thuật Việt Nam đang đứng ở đâu?

Nude nghệ thuật là một thể loại ảnh rất khó. Mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn đã có nhiều anh em nghệ sỹ mày mò thể nghiệm. Sau một quá trình dài được thực tế sàng lọc cũng đã có một số anh em đạt được giải thưởng nghệ thuật Việt Nam qua sự đánh giá công bằng của Hiệp hội Nhiếp ảnh quốc tế nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, cũng phải nghiêm khắc mà nói rằng đã lọt lưới rất nhiều những bức ảnh thiếu nghệ thuật gây phản cảm được cấp phép in ấn trong nước dưới nhiều hình thức. Tôi thực sự thấy bất bình và hổ thẹn.

Phạm Thu Hương

(Thực hiện)