Không phải giáo viên nào cũng quen nhận phong bì

ANTĐ - Gần đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 lại là dịp phụ huynh to nhỏ  chuyện quà cáp, phong bì. Thế nhưng câu chuyện tưởng như đã thành lệ thường này lại có vẻ xa lạ với nhiều nhà giáo vẫn ngày đêm tâm huyết với nghề. Thực tế, không phải ai cũng thỏa hiệp với mặt trái của kinh tế thị trường.

Niềm tin của xã hội là động lực giúp nhà giáo giữ được tâm huyết với nghề

Chuyện hoàn toàn xa lạ 

Nổi lên trong thời điểm này là thông điệp của ngành giáo dục TP.HCM với mong muốn nhận thiếp điện tử thay vì mang hoa, quà trực tiếp chúc mừng nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Văn hóa phong bì phổ biến đâu đó nhưng với không ít giáo viên Thủ đô lại khá xa lạ.

Cô Nguyễn Đỗ Cẩm Thi, giáo viên trường THPT Thạch Thất, Hà Nội cho biết: “Ở đâu có chứ quê tôi không hề có chuyện phong bì cho thầy cô. Ngày 20-11 vẫn chỉ là bó hoa, quyển sổ, cây bút, mà cũng lớp có, lớp không. Với giáo viên, những món quà đó, không có cũng không sao chỉ mong học trò của mình ngoan là được!”.  Thầy Nguyễn Lễ, Chủ tịch Công đoàn trường này khẳng định, dù là một trong những điểm sáng về giáo dục của huyện nhưng đa số gia đình học sinh trường THPT Thạch Thất đều làm nông nghiệp, việc lo cho con cái được đi học đã khó khăn thì lấy đâu ra phong bì biếu thầy cô. “Thạch Thất chỉ cách trung tâm Thủ đô chưa đến 30km nhưng những chuyện tiêu cực với hình ảnh nhà giáo mà mọi người vẫn đề cập như vậy không hề có ở đây” - thầy Nguyễn Lễ chia sẻ.

“Nghề dạy học cho tôi một cuộc sống rất ý nghĩa, nhất là những dịp 20-11, căn nhà tôi lại đầy ắp tiếng cười của các thế hệ học sinh. Có những em đã lập gia đình, kinh tế khá giả, những ngày này lại chở cả vợ con đến thăm cô, ăn bữa cơm thân mật. Chưa đến cổng đã thấy các cháu gọi bà vang cả xóm. Đây là món quà lớn nhất mà những nhà giáo như tôi mong muốn được nhận” - cô giáo Nguyễn Đỗ Cẩm Thi chia sẻ.

Hãy nghĩ cách tôn vinh xứng đáng 

Không hoàn toàn đồng ý với cách thức gửi thiếp hoa điện tử của Sở GD-ĐT TP.HCM, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng: “không thể duy lý trí, bắt cả xã hội theo một cách thức được. Xã hội cần có sự tôn vinh chính đáng với người thầy. Vì thế hệ trẻ tương lai, mọi người đều cần suy nghĩ về cách ứng xử, thể hiện sự tôn trọng với thầy cô giáo, không nhất thiết chỉ là gửi thiếp điện tử”. Ông Nguyễn Tùng Lâm cho biết, điều chắc chắn là thầy cô giáo không ai trông mong vào những món quà hay phong bì trong ngày Nhà giáo 20-11 nhưng cũng thừa nhận vẫn còn một bộ phận nhà giáo không giữ được đạo đức, tư cách người thầy. “Ở trường chúng tôi, ngày 20-11 đều dành một tiết sinh hoạt riêng để thầy trò nghiêm túc, trao đổi ý kiến, tri ân thầy cô thực sự chứ không phải chỉ liên hoan văn nghệ ào ào. Ngoài ra, nhà trường và Ban đại diện phụ huynh học sinh cũng công khai, thống nhất dành một phần quỹ để thăm hỏi thầy cô, vì thế không phụ huynh nào phải nghĩ đến biếu quà giáo viên” - ông Nguyễn Tùng Lâm cho biết.

Tâm sự về niềm tin của xã hội với người thầy, cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú kể về việc nhiều học sinh của Hà Nội nói riêng và học sinh toàn quốc nói chung rất ít đăng ký thi vào ngành Sư phạm. “Tâm sự với các em, chúng tôi được biết, các em thấy nghề giáo vất vả quá nên ngại. Có em còn nói: “nghề giáo phải sống mẫu mực, làm việc hay yêu thương cũng không thật thoải mái, tự nhiên, luôn đòi hỏi về cái chuẩn. Nghề nghiệp mà khó khăn, căng thẳng như thế thì chúng con đành tìm chọn nghề nghiệp khác” - cô Nguyễn Thị Nhiếp chia sẻ. “Xã hội đòi hỏi nghề giáo rất cao, không chỉ phải mẫu mực về tri thức, mà còn ở nếp sống. Chính sự đòi hỏi đó mà chúng tôi còn tự học cả sự chịu đựng và sự chấp nhận những điều không như ý từ những áp lực của xã hội. Là nhà giáo và cũng là con người, rồi có lúc, có nơi chúng tôi sẽ có những sai sót, nhưng đó chỉ là hiện tượng chứ không phải là bản chất. Chính niềm tin của xã hội là động lực để mỗi nhà giáo thêm nguồn sáng tạo, tận tụy với nghề, tận tâm cống hiến và ngày càng mẫu mực hơn” - cô Nguyễn Thị Nhiếp khẳng định.