Không nên hạn chế nhu cầu học trường quốc tế

ANTĐ - Du học tại chỗ là mô hình học tập ngày càng thu hút nhiều gia đình có điều kiện kinh tế nhưng không muốn con phải ra nước ngoài. Tuy nhiên, nhu cầu này đang vấp phải quy định hạn chế số lượng học sinh Việt Nam trong trường “tây”.

Nhu cầu tiếp cận chương trình tiến tiến từ mầm non ngày càng cao

Học trường “tây” để tránh phải học thêm

Đây là tâm sự của chị Phạm Ánh Hồng, có con học tại trường tiểu học Quốc tế VIP Hà Nội. Vì đã có điều kiện tiếp xúc với nền giáo dục tiên tiến ở Anh, Úc, chị Hồng muốn con duy trì được kỹ năng giao tiếp tiếng Anh hiện có nên khi về nước chị đã tìm đến các trường quốc tế ở Hà Nội để xin học cho con. Ngoài ra chị còn mong muốn con mình được tiếp cận với hệ thống hiện tại ở các trường công lập. “Học sinh tiểu học ở Anh đi học không phải mang cặp. Không có chuyện thi cử, kiểm tra, điểm số. Cuối năm các thầy cô sẽ có phiếu đánh giá trong suốt quá trình học tập của con. Các con học rất thoải mái. Tuy nhiên, khi về nước thì nghe mọi người than phiền con học lớp 1 đã phải đi học thêm từ trước, hàng ngày làm bài tập đến khuya. Các kỳ kiểm tra đều rất căng thẳng về chuyện điểm số. Đây là phương pháp dạy học mà tôi không tìm được ưu điểm nên quyết định cho con học trường quốc tế” – chị Hồng chia sẻ. 

Câu chuyện quá tải ngay từ bậc tiểu học đã được bàn rất nhiều, trong đó theo các nhà quản lý là chương trình không quá tải nhưng thực tế từ thầy cô cho đến phụ huynh đều phải thừa nhận học sinh tiểu học hoàn toàn không có thời gian vui chơi trước áp lực bài vở quá nhiều từ nhà trường lẫn gia đình. Thậm chí, môi trường ngoài công lập vốn được đánh giá là ít khắt khe, giảm áp lực cho học sinh hiện nay cũng vì muốn ganh đua với trường công lập, muốn học sinh học lên cấp cao hơn có thể vào những trường công lập có tiếng thì tình trạng học thêm, bài tập về nhà cũng không kém trường công lập. Điều này đang khiến cho không ít bậc phụ huynh muốn chuyển sang mô hình trường “tây”. “Tôi mà có tiền, tôi cũng cho con vào trường quốc tế, chứ  nhìn con học hành vất vả thấy xót ruột lắm. Chương trình thì nặng nề. Đám trẻ con chẳng còn thời gian để có chút kỷ niệm tuổi thơ ...” – Chị Nguyễn Mai Lan, phụ huynh học sinh trường tiểu học Nguyễn Siêu cho biết.

Lý do hạn chế nhu cầu

Bộ GD-ĐT vừa hướng dẫn thực hiện Nghị định của Chính phủ về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, trong đó, quy định các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện theo chương trình của nước ngoài không được tiếp nhận học sinh Việt Nam dưới 5 tuổi. Các trường tiểu học, THCS dạy theo chương trình nước ngoài tuy được tiếp nhận học sinh Việt Nam nhưng không quá 10% tổng số học sinh, trường THPT dạy theo chương trình nước ngoài, số học sinh Việt Nam không được quá 20% tổng số học sinh. Ngay sau khi có thông tin này, khá nhiều phụ huynh thắc mắc về lý do đưa ra những tỷ lệ nói trên, trong đó có việc cấm hoàn toàn các trường quốc tế nhận trẻ Việt Nam dưới 5 tuổi. 

Đánh giá về vấn đề này, GS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, lý giải nguyên nhân đưa ra quy định này có thể xuất phát từ lo ngại học sinh sẽ bị ảnh hưởng sớm khi từ nhỏ đã học theo phong cách, văn hóa nước ngoài.  Thắc mắc ở đây theo GS. Phạm Tất Dong là tỷ lệ 10% học sinh Việt ở bậc tiểu học và THCS trong các trường quốc tế được căn cứ vào đâu vì thực tế, nhu cầu hòa nhập với thế giới của nhiều gia đình Việt Nam hiện khá cao. GS. Phạm Tất Dong cho rằng gia đình nào có điều kiện thì nên cho họ gửi con em vào trường quốc tế tại Việt Nam, thay vì đi du học ở nước ngoài. Điều này cũng giúp Nhà nước thu được thuế lại không bị chảy máu ngoại tệ. 

Giải đáp về thắc mắc này, bà Nguyễn Thanh Huyền - Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Bộ GD-ĐT cho biết, quy định bậc học mầm non ở các trường quốc tế không cho trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi vào học vì trẻ chưa “sõi” tiếng Việt thì làm sao học được bằng chương trình tiếng nước ngoài. Còn với các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình giáo dục theo chương trình của nước ngoài, được phép tiếp nhận học sinh Việt Nam nhưng không quá 10% tổng số học sinh của trường tiểu học, THCS và không quá 20% ở trường THPT vì theo bà Huyền, đây là trường dành cho học sinh nước ngoài chứ không phải mở trường cho học sinh Việt Nam. Bộ cũng đã khảo sát nhiều trường nước ngoài ở Việt Nam mở ra cho con các đại sứ quán nước ngoài học cũng chỉ giới hạn đến tối đa 15% - 20% học sinh Việt Nam để họ giữ được tỷ lệ cân bằng giữa các quốc tịch trong trường. Đây cũng là căn cứ để đưa ra quy định nói trên. 

Tuy nhiên, vẫn có những băn khoăn cho rằng, quy định tỷ lệ phần trăm còn chưa hợp lý và khó thực hiện, khó kiểm tra và dễ sinh ra tiêu cực. “Tại sao không quy định các trường quốc tế hoạt động tại Việt Nam phải có chương trình cơ bản dạy văn hóa, Lịch sử và Địa lý Việt Nam thay vì giới hạn học sinh Việt Nam được tiếp cận giáo dục tiên tiến của các nước?” – chị Phạm Ánh Hồng đặt vấn đề.

Tránh tình trạng quy định một đằng, làm một nẻo


Tôi cho rằng, Nghị định 73/2012/NĐ-CP vẫn còn một số điểm không sát thực, đặc biệt là quy định về tỷ lệ học sinh Việt Nam trong trường quốc tế từ cấp học Tiểu học trở lên. Quy định này không chỉ gây khó khăn cho một số nhà đầu tư nước ngoài mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của học sinh Việt Nam. Bởi trong trường hợp khi tỷ lệ phụ huynh có nhu cầu cho con học trường quốc tế vượt quá  tỷ lệ cho phép thì các trường sẽ phải xử lý như thế nào, nhận ai, bỏ ai? Và những người có nhu cầu nhưng không được nhận vào học sẽ phải cho con du học nước ngoài ngay cả khi chúng còn quá nhỏ?

Ngoài ra, hiện có một số loại hình đầu tư vào giáo dục mà Nghị định 73/2012/NĐ-CP chưa điều chỉnh. Đó là mô hình Trường song ngữ Quốc tế có 100% vốn đầu tư nước ngoài, dạy học bằng tiếng Anh, nhưng lại dạy theo chương trình của Việt Nam hay trường có vốn đầu tư 100% của Việt Nam nhưng lại dạy chương trình nước ngoài. Để Nghị định sớm đi vào cuộc sống, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, nên chăng các cơ quan có thẩm quyền cần lắng nghe ý kiến của nhân dân, tiếp thu và điều chỉnh, làm rõ những vướng mắc một cách kịp thời, tránh tình trạng quy định một đằng, làm một nẻo.
Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư Hà Nội)