“Không gì bằng của nhà trồng được!”

ANTĐ - Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã ký 12 Biên bản, Hợp đồng nguyên tắc và Thỏa thuận cung cấp than dài hạn với một số công ty than của Indonesia, Australia, Nhật Bản với tổng khối lượng than đã ký kết khoảng trên 20 triệu tấn/năm. Dự báo đến năm 2016, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khoảng 3-4 triệu tấn; năm 2020 khoảng 35 triệu tấn và tới năm 2030 khoảng 135 triệu tấn.

Còn theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm nay, than đá xuất khẩu của Việt Nam giảm 35,19% về lượng (3,2 nghìn tấn) và giảm 33,2% về kim ngạch (216,1 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đây, Việt Nam bên cạnh việc sản xuất than đáp ứng nhu cầu trong nước vẫn thừa ra để xuất khẩu. Nay lại phải nhập than về dùng. Không lẽ ta đã gần hết than nên xuất khẩu cầm chừng, còn phải nhập nhiều hơn?  

Theo một chuyên gia khoáng sản cho rằng, việc xuất khẩu, nhập khẩu than ở các nước là chuyện thường tình. Vấn đề là phải tính toán sao cho hợp lý, cân đối giữa nhu cầu trong nước, đảm bảo an ninh năng lượng với việc xuất khẩu để tạo nguồn thu. Đến nay, dù trữ lượng than của Việt Nam đã ít dần đi nhưng vẫn có những loại than chất lượng cao trong nước ít sử dụng trong khi bán lại được giá nên xuất khẩu than hoàn toàn có thể hiểu được. Cũng có lý khi nước nào cũng có chuyện nhập thì vẫn nhập, xuất thì vẫn cứ xuất, nhất là khi có những loại than tốt nhưng nhu cầu trong nước hạn chế, xuất đi một mà được lời gấp đôi ba lần thì dại gì mà không bán đi. 

Nhưng ở ta có đúng như vậy? Trước thông tin Việt Nam ký nhập 20 triệu tấn than/năm, ông Nguyễn Trọng Khiêm, Chủ tịch Hội Địa chất Than - Khoáng sản Việt Nam lại ủng hộ quan điểm: Không gì bằng “của nhà trồng được”! 

Việc nhập khẩu than Antraxit đã được Tập đoàn Vinacomin thí điểm từ vài năm trước. Năm 2011, này đã nhập hơn 9.500 tấn than từ Indonesia để cung cấp cho thị trường phía Nam. Cùng đó, 41.500 tấn than Antraxit từ Nga được nhập về để trộn với than trong nước theo tỷ lệ 4-6, sau đó cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện. Trong khi đó, theo Chủ tịch Hội Địa chất Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết, trữ lượng than Antraxit của Việt Nam rất lớn, hiện ở Quảng Ninh có khoảng 10 tỷ tấn, toàn là than Antraxit “chính cống”.

Thế nhưng, việc sử dụng than Antraxit cung cấp cho nhiệt điện vô cùng lãng phí vì nhiệt năng của loại than này quá cao, nên phải trộn với các loại than khác. Trong khi có những loại than chỉ 3.500 Kcal/kg cũng đã chạy được nhiệt điện, đó là than lignite, có trữ lượng “khủng” ở đồng bằng sông Hồng. Vẫn biết bể than Quảng Ninh có trữ lượng lớn nhưng không thể khai thác nhiều ở đó được. Nếu như thay “cứ xuất, cứ nhập” lòng vòng mà xúc tiến nhanh dự án than đồng bằng sông Hồng thì hẳn hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều, có lợi hơn nhiều. 

Ai cũng đã biết “không gì bằng của nhà trồng được!”.