Xét xử án hành chính:

Không để thẩm phán bị chi phối vì những lý do "khó nói"

ANTĐ - Góp ý vào dự thảo Luật Tố tụng Hành chính (sửa đổi) ngày 27-10, nhiều ĐBQH tán thành quy định về thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hành chính theo hướng tòa án nhân dân (TAND) huyện chỉ nên xử vụ án hành chính từ cấp xã trở xuống, án hành chính cấp huyện thì chuyển lên TAND tỉnh xét xử, cấp tỉnh thì lên TAND tối cao xét xử…
Không để thẩm phán bị chi phối vì những lý do "khó nói" ảnh 1

Nhiều đại biểu cho rằng, án hành chính cấp huyện chuyển lên TAND tỉnh xét xử là phù hợp
(Ảnh minh họa)


Thảo luận tại hội trường sáng qua, đa số ý kiến cho rằng việc giao cho TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ hạn chế tác động từ phía UBND cấp huyện đến sự độc lập của thẩm phán khi xét xử vụ án.

ĐB Huỳnh Văn Tính (đoàn Tiền Giang) phân tích, việc giao thẩm quyền cho TAND cấp tỉnh như trên là phù hợp, không ảnh hưởng đến sự độc lập của thẩm phán. Thực tế thời gian qua cho thấy, các khiếu kiện hành chính, hành vi hành chính thường bị chi phối làm ảnh hưởng đến vai trò của thẩm phán cấp huyện, khiến cho người dân không tuân thủ và dẫn đến khiếu nại kéo dài phức tạp. Hơn nữa qua tiếp công dân thấy rằng, những khiếu nại chủ yếu liên quan đến các quyết định về đất đai do Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện, xã ký. Vì nhiều lý do “khó nói” nên thẩm phán cấp huyện khi giải quyết những quyết định kiện Chủ tịch huyện khó đảm bảo được tính độc lập.

Đồng quan điểm, ĐB Chu Sơn Hà, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội chia sẻ, cá nhân ông ghi nhận được ý kiến từ nhiều Chánh án cấp huyện rằng, nếu giao TAND cấp huyện giải quyết các khiếu kiện hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện là không khả thi. Do vậy cần cơ quan TAND ở cấp cao hơn để giải quyết nhằm đảm bảo công bằng, khách quan. ĐB Chu Sơn Hà cũng kiến nghị, nếu vụ án hành chính sau khi xét xử có hiệu lực pháp luật mà các bên liên quan không thực hiện thì phải xử lý trách nhiệm nghiêm khắc để đảm bảo hiệu quả thi hành án.

Cũng trong ngày 27-10, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng. Điểm mới tại Dự thảo Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng so với Pháp lệnh hiện nay là quân nhân chuyên nghiệp được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ từ 1 năm đến 5 năm, nhưng không quá 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ. Hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp tính theo cấp bậc quân hàm. Theo đó, cấp úy quân nhân chuyên nghiệp tại ngũ đến năm 52 tuổi; 54 tuổi với Thiếu tá, Trung tá và 56 tuổi với nam, 55 tuổi với nữ Thượng tá… 

Cân nhắc việc để người dân tham dự phiên họp Quốc hội
Thảo luận tại tổ về nội quy kỳ họp Quốc hội, bên cạnh những nội dung được quan tâm như trách nhiệm dự họp của ĐBQH, thời lượng và thứ tự phát biểu của ĐBQH trước hội trường, đổi mới phiên chất vấn…, nhiều ĐBQH cũng nêu quan điểm về quy định cho phép công dân được vào tham quan, dự thính một số phiên họp của Quốc hội.

Các ĐBQH đoàn TP Hà Nội cho rằng, quy định này sẽ nâng cao tính dân chủ, tăng cường tính giám sát của dân, song cần phải cân nhắc thận trọng và nếu đưa vào nội quy kỳ họp Quốc hội thì phải quy định rất chặt chẽ, cụ thể từ trình tự, đăng ký, bảo vệ… để tránh làm mất trật tự, lộn xộn hoặc biến Quốc hội thành nơi tiếp nhận đơn thư của công dân.