Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân

ANTĐ - Ngày 26-10, Quốc hội dành toàn bộ thời gian làm việc để thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi). 

Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân ảnh 1Đại biểu Huỳnh Nghĩa: “Tòa án không được quyền từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự” 
Ảnh: PHÚ KHÁNH

                                                                                               

Kiểm sát các hoạt động tố tụng tại tòa

Bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi) quy định kiểm sát viên (KSV) tham gia phiên tòa, nếu vắng mặt thì Hội đồng xét xử (HĐXX) vẫn xét xử bình thường và không hoãn phiên tòa, ĐB Ngô Thị Minh (đoàn Quảng Ninh) cho rằng, quy định như vậy là không phù hợp với Hiến pháp, vì phải có sự tham gia của KSV để kiểm sát các hoạt động tố tụng tại tòa. Bởi, mọi phán quyết của Tòa án phải trên cơ sở tranh tụng tại tòa, nên bắt buộc phải có sự tham gia của Viện kiểm sát.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) phân tích: “Viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng. Nếu KSV vắng mặt vì yếu tố khách quan, thì Tòa án phải hoãn phiên tòa vì Viện kiểm sát tham gia có vai trò phát biểu quan điểm của mình và giám sát hoạt động tư pháp. Do đó chỉ trừ trường hợp KSV vì yếu tố khách quan như bị tai nạn, hay ốm đau mới phải vắng mặt..., còn khi đã mở phiên tòa thì bắt buộc phải có sự tham gia của Viện kiểm sát.

Nhiều ĐBQH nêu rõ những đánh giá, nhận xét về vị trí, vai trò, sự tham gia và phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân. Theo ĐB Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng), Viện kiểm sát có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân. Do vậy, luật cần quy định KSV có quyền đề nghị đường lối giải quyết vụ án để đảm bảo tuyên án đúng pháp luật, hạn chế kháng cáo. 

”Tòa án không được quyền từ chối”

Đây là vấn đề quan trọng, được nhiều ĐBQH đưa ra thảo luận và đặt câu hỏi: “Nếu tòa án từ chối thì ai giải quyết?”. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ Luật tố tụng Dân sự (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số ý kiến ĐBQH nhất trí với dự thảo luật về quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý bổ sung các quy định về giải quyết các vụ việc dân sự, trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để thực hiện nguyên tắc thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Bày tỏ quan điểm, ĐB Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) phân tích: “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, vì lý do chưa có điều luật để áp dụng và đó cũng là căn cứ để Tòa án nhận đơn, thụ lý các vụ việc, không để người dân tự xử lý gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Tuy nhiên, đề phòng đương sự lợi dụng quy định này để khởi kiện ra tòa, luật cần quy định chặt chẽ đương sự phải cung cấp được đầy đủ thông tin, bằng chứng và chịu trách nhiệm trước tòa”. 

Cho rằng, quy định như vậy là cần thiết nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, ĐB Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) nhấn mạnh: “Quy định này là kim chỉ nam để bảo vệ công lý, xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Bởi trên thực tế, nhiều khi các quy định của pháp luật chưa theo kịp với cuộc sống, nên trách nhiệm thuộc về Nhà nước, chứ không thể đổ lỗi cho dân. Phải hiểu rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào Nhà nước cũng phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho nhân dân”.