- Quốc hội xem xét sửa hàng loạt quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật
- Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
Sáng nay, 15-5, Quốc hội đã nghe Báo cáo Thẩm tra dự án Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 71/2022/QH15.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp (PLTP) tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội với các lý do như được nêu tại Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về các nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết, Ủy ban PLTP đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, chỉnh lý, làm rõ thêm một số nội dung trong dự thảo Nghị quyết:
Đề nghị chỉnh lý quy định về trách nhiệm báo cáo xin phép của đại biểu Quốc hội trong trường hợp không thể tham dự kỳ họp Quốc hội, phiên họp theo chương trình kỳ họp đã được Quốc hội thông qua theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, vừa bảo đảm quy trình thực hiện đơn giản, thuận lợi hơn; đại biểu Quốc hội có thể thực hiện qua App Quốc hội để phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ số phục vụ hoạt động của Quốc hội.
![]() |
Quang cảnh phiên họp |
Đề nghị tiếp tục giữ quy định về trách nhiệm của chủ tọa, người được phân công điều hành phiên họp, Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp theo quy định tại Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành, không nên thay bằng quy định về Đoàn chủ tịch (như quy định tại Điều 15 và các điều khác của dự thảo Nghị quyết) để bảo đảm thống nhất với quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội về trách nhiệm chủ tọa các phiên họp của Quốc hội và thực tiễn tổ chức, điều hành các phiên họp toàn thể của Quốc hội tại kỳ họp trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua.
Về việc rút ngắn thời gian phát biểu lần thứ nhất của đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể từ không quá 7 phút xuống còn không quá 5 phút (Điều 18 của Nội quy kỳ họp Quốc hội), bên cạnh các ý kiến tán thành với quy định như dự thảo Nghị quyết, có ý kiến cho rằng, việc rút ngắn thời gian phát biểu lần đầu của đại biểu Quốc hội là không thực sự phù hợp, không đủ thời gian để đại biểu Quốc hội trình bày hết ý kiến của mình.
Về chủ thể có trách nhiệm giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội (Điều 50 của Nội quy kỳ họp Quốc hội), đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành với Phương án 1 là giao trách nhiệm này cho cơ quan trình dự án. Quy định như vậy vừa phát huy tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của cơ quan trình dự án, vừa thể hiện sự tương đồng với các đổi mới trong quy trình xem xét, thông qua dự án luật, nghị quyết theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025.
Về hiệu lực thi hành của Nghị quyết, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp thấy rằng, việc sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn là để bảo đảm thống nhất với các luật, nghị quyết mới được Quốc hội ban hành. Do đó, đề nghị trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết ngay tại thời gian đầu của đợt 2 Kỳ họp thứ 9 và Nghị quyết có hiệu lực thi hành ngay, làm cơ sở cho việc Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền.