- Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
- Đề xuất tăng gấp 2 lần mức hỗ trợ với người hoạt động không chuyên trách cấp xã
Về nội dung văn bản của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã (khoản 4 Điều 1 của dự thảo Luật), Khoản 3 Điều 22 được đề xuất sửa đổi quy định UBND cấp xã ban hành quyết định để phân cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp (UBPLTP) đề nghị cân nhắc quy định này, vì chính quyền cấp xã là cấp cơ sở nên phải gần dân, sát dân, trực tiếp và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Nếu thực hiện phân cấp thì các cơ quan nhận phân cấp mới là chủ thể chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, có thể lại tạo ra cấp trung gian trong giải quyết công việc tại cấp chính quyền cơ sở.
Qua rà soát các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 cũng không giao UBND cấp xã thẩm quyền phân cấp.
Thay cho quy định UBND cấp xã ban hành quyết định để phân cấp, đề nghị nghiên cứu, quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) cơ chế phân công, ủy quyền linh hoạt hơn để UBND cấp xã có thể giao cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, thậm chí cả công chức thuộc UBND cấp xã thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế của địa phương, nhất là đối với các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp có diện tích tự nhiên và quy mô dân số lớn để bảo đảm kịp thời giải quyết các hồ sơ, công việc của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Về hiệu lực của văn bản quy định chi tiết, quy định biện pháp cụ thể để tổ chức, hướng dẫn thi hành VBQPPL (khoản 12 Điều 1 của dự thảo Luật), Chính phủ đề nghị sửa đổi khoản 2 Điều 57 từ chỗ quy định văn bản quy định chi tiết, quy định biện pháp cụ thể để tổ chức, hướng dẫn thi hành “tiếp tục có hiệu lực trong trường hợp không trái với VBQPPL thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung, trừ trường hợp được công bố hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần” thành “hết hiệu lực, trừ trường hợp được công bố tiếp tục có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần”.
![]() |
Quang cảnh phiên họp |
Về vấn đề này, đa số ý kiến trong UBPLTP cho rằng quy định như Luật BHVBQPPL hiện hành đơn giản, dễ nhận biết, bớt thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn trong tổ chức thực hiện, đề cao trách nhiệm của các cơ quan trong rà soát, hệ thống hóa VBQPPL.
Thực tế cho thấy trong không ít trường hợp nội dung văn bản quy định chi tiết phù hợp với VBQPPL mới nhưng vẫn phải ban hành văn bản quy định chi tiết mới để quy định lại nội dung của văn bản cũ dẫn đến hình thức, gây tốn kém chi phí, thời gian xây dựng, ban hành văn bản mới, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi phải cập nhật quy định mới…
Việc rà soát để công bố một văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành còn phù hợp hay không cũng cần có thời gian, khó bảo đảm hoàn thành cùng thời điểm VBQPPL được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành có hiệu lực, nhất là trong trường hợp có nhiều luật được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới như tại Kỳ họp thứ 9 này; đặc biệt, trường hợp không kịp thời rà soát, công bố văn bản còn hiệu lực có thể dẫn đến khoảng trống pháp luật.
Hơn nữa, Luật BHVBQPPL mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2025, chưa đủ thời gian kiểm chứng để khẳng định quy định tại khoản 2 Điều 57 không thực sự hiệu quả. Do đó, đề nghị giữ quy định hiện hành về vấn đề này, sau thời gian thực hiện sẽ sơ kết, tổng kết, nếu có đủ cơ sở mới đề xuất sửa đổi.