Khốn đốn vì thoái vốn

ANTĐ - Nền kinh tế vĩ mô đã có những dấu hiệu tốt lên, lạm phát đang ở mức kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng cả năm dự báo không quá 6,3%. Mục tiêu kiềm chế lạm phát thấp hơn so với năm ngoái là hoàn toàn khả thi. Sang năm 2014, nền kinh tế sẽ khởi sắc đôi chút, nhưng khó khăn của năm 2013 sẽ kéo sang năm 2014. Đây là nhận định được rút ra trong cuộc hội thảo “Kinh tế năm 2014-Bài học trong tiến trình phát triển doanh nghiệp” vừa diễn ra.

Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định, ổn định kinh tế vĩ mô đã được cải thiện, cán cân thanh toán dương, dự trữ ngoại tệ tăng. Tuy vậy, kinh tế vẫn đối mặt với những thách thức như doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản, thị trường trì trệ. Đặc biệt là nợ xấu chưa được cải thiện khiến dòng tín dụng còn bị tắc nghẽn. Tình trạng thừa tiền, thiếu vốn còn kéo dài. Sau một thời gian nỗ lực, xử lý, tỷ lệ nợ xấu là 4,62%, tăng 0,54% so với cuối năm 2012. Theo các chuyên gia, nếu hệ thống cơ chế xử lý nợ xấu thông thoáng từ những năm trước thì các ngân hàng không đến nỗi phải “ôm” cục nợ xấu lớn như bây giờ. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ngân hàng nhận định, muốn xử lý được nợ xấu ở các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp, trước hết phải xử lý hàng loạt vướng mắc ở các khâu trong Luật Phá sản, mua bán đấu giá, thi hành án. Không thể kéo dài mãi tình trạng hệ thống pháp lý, bộ máy thi hành án xử lý nợ xấu rối rắm, nhiêu khê như hiện nay.

Xét đến cùng, số nợ mà công ty mua bán nợ thu về cũng không giải quyết triệt để gốc của vấn đề, mà chỉ là tạm nới lỏng áp lực dồn lên ngân hàng trong một thời gian ngắn. Đã có ý kiến đề nghị cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua nợ xấu. Muốn có thị trường mua bán nợ, theo vị Giám đốc Trung tâm, chúng ta không thể một mình đá một sân mà phải có các đối tượng khác cùng vào cuộc. Ngoài vấn đề nợ xấu, theo yêu cầu của Chính phủ, chỉ còn hơn một năm nữa, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải hoàn tất việc thoái vốn 22.000 tỷ đồng giá gốc các khoản đầu tư ngoài ngành. Số tiền “khủng” này đã được các “ông lớn” vung tay đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, bất động sản. Đứng đầu danh sách đầu tư ngoài ngành là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, với 4.551 tỷ đồng, Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam hơn 1.828 tỷ đồng, Tổng công ty Hàng hải với 672 tỷ đồng, Tổng công ty Xi măng 634 tỷ đồng… Rất nhiều tập đoàn, tổng công ty đang loay hoay tìm cách thoái vốn nhưng không dễ dàng, vì Chính phủ quy định không được bán vốn thấp hơn giá thị trường, không bán lỗ…

Đầu tư ngoài ngành đã trở thành gánh nặng của nhiều tập đoàn, tổng công ty. “Trái ngọt” trước kia nay thành “trái đắng”. Thực tế, việc thoái vốn là để cắt lỗ, ưu tiên bán khoản lỗ trước. Ngay cả việc cắt lỗ này cũng đòi hỏi phải bán được giá cao. Tài sản xấu, ít người dám mua lại đòi bán giá cao, sao làm được?