Khi giới trẻ quá lệ thuộc vào công nghệ

ANTĐ - Lâu nay, máy tính được coi như một công cụ hữu hiệu giúp mọi người tiết kiệm thời gian, thay vì đến thư viện hay lục tung các nhà sách để tìm kiếm những thông tin cần thiết phục vụ công việc và học tập. Tuy nhiên, phương tiện kỹ thuật số này khiến không ít bạn sinh viên bị phụ thuộc do quá lạm dụng công nghệ .


Con dao hai lưỡi

Thực tế hiện nay, giới học sinh, sinh viên thường phải làm việc nhóm hay làm các bài tiểu luận thay cho một bài kiểm tra. Đây là bài luận có tính chất mở, bao gồm những kiến thức sâu, rộng bắt buộc họ phải đầu tư thời gian và kiến thức. Tuy nhiên, để tiết kiệm thời giờ, không ít bạn đã “phát huy” khả năng” “cắt” - “dán” mà không cần đầu tư chất xám vào những bài luận mang tính tư duy. Điều đáng nói, họ lười đến mức “bê” nguyên những thông tin đã tìm kiếm trên mạng rồi đưa vào bài luận mà không cần biết nguồn thông tin đó có chuẩn xác hay không. Bạn Nguyễn Cẩm Tú, sinh viên năm thứ 2, trường Đại học Hà Nội thản nhiên: “Thời buổi công nghệ tội gì mà không tận dụng. Đây là phao trợ giúp hữu hiệu của sinh viên bọn em…”. Tuy nhiên Tú cũng cho rằng công nghệ số cũng có tính hai mặt, bởi lẽ không phải thông tin nào trên mạng cũng đúng. Điều căn bản là người tìm phải tỉnh táo khi chọn lựa thông tin và ít nhất phải có kiến thức căn bản về vấn đề mà mình đang tìm kiếm. Nếu không sẽ rất dễ lạc vào mê hồn trận.

Chỉ cần vào google và gõ tên những tài liệu cần tìm kiếm là các bạn sinh viên đã có hàng trăm kết quả và cũng chỉ cần một thao tác cực kì đơn giản là sao chép, thế là công việc hoàn tất. Bên cạnh những bạn sinh viên chịu khó đọc và tìm hiểu kĩ về tài liệu thì cũng không ít sinh viên không biết mình copy cái gì và có nội dung như thế nào. Thậm chí, có bạn còn copy ở mỗi nơi một ít, rồi ghép nối lại với nhau, mà không hề biết rằng những đoạn ghép đó “khập khiễng”, thiếu logic. Hà My, sinh viên năm cuối-khoa Xã hội học-trường Đại học KHXH&NV cho biết: “Có lần thầy giáo cho cả lớp em viết một bài tập về vấn đề: “Tại sao giới trẻ lại yêu thích các trang mạng xã hội?”, thì ngay hôm sau 50 bạn trong lớp đã nộp một bản với nội dung gần giống nhau, bởi tất cả đều copy từ trên mạng, mà không hề đưa ra bất cứ quan điểm hay tư duy của mình vào trong bài viết. Kết quả là cả lớp phải làm lại tới 3 lần”. Tuy nhiên My cũng khẳng định: “Bây giờ mấy ai còn dùng bút để ghi chép nữa. Cần gì chỉ cần vào internet và copy về là có tất. Vừa đỡ tốn thời gian lại vừa đỡ mệt…”.

Hậu quả từ việc lười suy nghĩ

Thụ động, lười suy nghĩ chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngày càng nhiều học sinh sử dụng tài liệu khi thi cử, dùng công nghệ “copy - paste” làm bài tập. Thậm chí trên một số trang web do các bạn trẻ lập ra còn có hẳn một bài “tuyên ngôn” về nạn copy với những lời lẽ rất “hùng hồn”: Và ngay dưới “tuyên ngôn” này là vô số những lời bình luận của các bạn trẻ. Bên cạnh  một vài ý kiến không tán đồng  thì hầu hết đều tỏ ra tâm đắc. Nick deptrainhungthieutai viết: “Hay! Thời buổi này thi cử mà không phao coi như… đứt. Nhờ có công nghệ hiện đại, từ bài tập về nhà đến tiểu luận, thậm chí cả luận văn giải quyết đơn giản như… đan rổ. Chỉ cần “copy - paste”. Nick gaixinh tỏ ý tán đồng: “Thời buổi này ai hơi đâu mà lên thư viện tìm tài liệu rồi cặm cụi viết bài. Cứ lên mạng là ok hết”?!.

Dường như việc copy tài liệu đã trở thành một cách để khá nhiều bạn trẻ đối phó với thầy cô giáo, là thói quen trong giảng đường đại học. Khi đọc những bài văn, tiểu luận na ná nhau, không ít thầy cô đã tỏ ra thất vọng “bỏ thì thương, vương thì tội”, cho điểm thấp thì không đành, điểm cao thì trái với lương tâm, đạo đức nghề nghiệp. Cô Nguyễn Thu Hằng - một giáo viên văn THPT với thâm niên 15 năm trong nghề chia sẻ: “Không chỉ riêng bộ môn văn mà với nhiều môn xã hội khác, tình trạng học sinh sao chép bài nhau diễn ra khá thường xuyên. Thậm chí với đề văn “Hãy nói về gia đình mình”, một số em còn làm bài… giống nhau đến 90%.  Khi thực hiện việc “cắt”- “dán”, do các em không tìm hiểu, không đọc kĩ lưỡng để biết nội dung và ý nghĩa của vấn đề  nên sẽ không dung nạp được vào đầu một chút kiến thức nào. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến đầu óc lười nhác, hổng kiến thức, làm các em mất dần thói quen đọc tài liệu, ghi chép những thứ cần thiết.