Khi ác nhân biến thái xâm chiếm màn ảnh rộng

ANTD.VN - Trước thềm công chiếu, bộ phim “Joker” của đạo diễn Todd Phillips đã gánh chịu rất nhiều chỉ trích về tính bạo lực khi tập trung khai thác nhân vật chính là một tên ác nhân bất ổn về tâm lý. Đáng nói, trước đó đã có nhiều bộ phim xoay quanh các nhân vật phản diện, thu hút sự quan tâm đặc biệt từ khán giả. Tuy lấy cảm hứng từ những vụ án đặc biệt nhưng những bộ phim đó không hề cổ xúy cho bạo lực, chiến tranh hay tội ác. Ngược lại, như phía nhà sản xuất phim Warner Bros từng nói: “Chức năng chính của điện ảnh chính là để lên tiếng đấu tranh cho các vấn đề phức tạp hơn.”

“Hoàng tử tội phạm” tái xuất đầy ám ảnh trong “Joker 2019”

Joker được nhớ đến với tên tiếng anh The Joker, xuất hiện lần đầu vào ngày 25-4-2019 cùng Catwoman trong tập truyện tranh "Batman" của DC Comics – một công ty lớn trong thị trường ấn bản truyện tranh của Mỹ.

Joker được được ví như "hoàng tử tội phạm" bởi phong cách lịch thiệp, bóng bẩy. Hắn sinh ra để đại diện do: Tội ác, bạo lực - thứ mà Batman (Người Dơi) muốn chống lại. Tuy xuất hiện trong tập truyện về siêu anh hùng, nhưng Joker không có siêu năng lực, hắn chỉ là một người sở hữu bộ óc của một “thiên tài” tội phạm: Mưu mô, nhanh nhẹn, liều lĩnh, có kỹ năng chiến đấu và sử dụng vũ khí thành thạo.

Mọi tội phạm thường có động cơ phạm tội logic nhưng những toan tính của Joker cũng giống như bộ mặt thật của hắn khi bị lớp hóa trang chú hề che giấu mất, có lẽ chỉ có hắn mới hiểu được.

Joker được khai sinh từ cuốn truyện tranh nổi tiếng "Batman"

Quá khứ của “hoàng tử tội phạm” Joker chưa bao giờ được tiết lộ cho tới khi “Joker” của Todd Philips ra mắt năm nay.

Đạo diễn của “Joker 2019” đã khẳng định bộ phim là chỉnh thể hoàn toàn độc lập với phiên bản truyện tranh gốc.

Joker 2019 do diễn viên Joaquin Phoenix thủ vai

Trailer “nhá hàng” cho bộ phim có màu u tối, hoài cổ với việc lấy bối cảnh nước Mỹ những năm 1980. Lúc này, Joker là một diễn viên hài thảm hại có tên Arthur Fleck được miêu tả là người đàn ông luôn cô độc.

Tuổi thơ của Arthur trải qua nhiều bất hạnh: không cha, có một người mẹ thương yêu hắn nhưng lại không đủ khả năng bảo vệ hắn, bị bắt nạt, chế giễu, đánh đập... Điều đó đã khiến tâm hồn hắn bị tổn thương và trở lên méo mó.

Hắn mang trên mình hai chiếc mặt nạ, một chiếc giành cho công việc mua vui cho thiên hạ, một chiếc là nụ cười giả tạo của hắn để che đậy những nỗi đau trong sâu thẳm cũng như tâm hồn muốn biến thế giới trở nên điên loạn, hỗn độn.

Nói theo tâm lý học tội phạm, Arthur (Joker) là một “tên hề tâm thần phân liệt bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội và là tên sát nhân tập thể vô cảm”. Hắn sử dụng thuốc nổ để tạo lên hàng loạt sự kiện bi kịch cho người dân Gotham. Joker muốn khẳng định sự tồn tại của mình bằng tội ác và mong đám đông phải nếm trải cảm giác hắn từng trải qua.

Trước đó, hai phiên bản Joker của tài tử Heath Ledger trong “The Dark knight” (2008) và Joker của Jared Leto trong “Suicide Squad” (2016) đã gặt hái được nhiều thành công. Nhưng, với sự tái xuất của Joker trong phiên bản 2019 do Joaquin Phoenix thủ vai hứa hẹn sẽ đem đến nhiều điều bất ngờ cho khán giả.

 Tội ác trong “Texas Chainsaw Massacer”: Cảm hứng từ sát nhân Ed Gein

“Tử thần bang Texas” (“Texas Chainsaw Massacer”) ra mắt năm 2013 là bộ phim kinh dị kinh điển của Mỹ. Nội dung phim xoay quanh nhân vật Leatherface – một đứa trẻ bất hạnh ngay từ khi chào đời: mẹ chết, bị vứt vào thùng rác rồi được nhận nuôi bởi gia đình Hewitt. Tội ác bắt đầu từ khi thành viên nhà Hewitt bị nhà máy thịt Blair sa thải, khiến họ quá đói mà chuyển sang bắt cóc, ăn thịt người. Vì thế Leatherface được nuôi dạy như một công cụ kiếm ăn. Nhưng do mắc chứng tâm thần phân liệt, Leatherface giết người, lột da chỉ để thỏa mãn những ảo tưởng của mình.

Leatherface với chiếc mặt nạ da người và tiếng cưa máy đã trở thành nỗi ám ảnh của cả vùng Taxas

Nguyên mẫu của Leatherface được lấy cảm hứng từ tên sát nhân Ed Gein (1906-1984), cũng là một kẻ giết người, lấy da. Ed lớn lên ở một vùng quê nghèo thuộc bang Wisconsin, Mỹ, trong một gia đình có bố là kẻ nát rượu, mẹ là người sùng tín. Ngay từ khi còn nhỏ, Ed đã bị bố đánh đập và bạn bè xa lánh. Người hắn sùng bái nhất chính là mẹ của mình, bà ta đã tiêm nhiễm sự thù ghét phụ nữ vào đầu Ed.

Ed bắt đầu phạm tội sau khi mẹ hắn qua đời. Tội ác của hắn bị phát hiện khi có dính níu tới nhiều vụ mất tích của phụ nữ trong vùng. Khi cảnh sát ập đến nhà hắn đã phát hiện nhiều đồ dùng trong nhà được làm từ da của các nạn nhân mất tích.

Chân dung sát nhân Ed Gein

Tuy nhiên, Ed tránh được án tử khi được bác sĩ chẩn đoán là mắc chứng tâm thần phân liệt. Hắn bị kết án chung thân. Năm 1984, Ed chết trong tù vì chứng suy tim.

Humbert trong “Lolita” (1997): Gây tranh cãi vì định kiến ấu dâm

Được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Vladimir Nabokov, khi mới ra mắt, bộ phim Lolita nhận nhiều ý kiến trái chiều từ khán giả, vì một số người cho rằng bộ phim với nhân vật Humbert đã cổ xúy cho tội ác ấu dâm.

Nhân vật Humbert và Lolita trong phim 

Humbert (do nam tài tử Jeremy Iron thủ vai), là một người đàn ông mắc chứng rối loạn tình dục khi chỉ bị thu hút bởi các bé gái ở lứa tuổi dậy thì. Humbert có một tình yêu mãnh liệt với cô con gái 12 tuổi của vợ hai. Sau khi bà ta chết do tai nạn, hắn chìm đắm vào những tháng ngày điên cuồng cùng Lolita. Nhưng Lolita không ngoan ngoãn ở bên hắn, một thời gian sau cô bỏ đi cùng Clare Quilty. Ba năm sau, Humbert gặp lại cô khi bị Clare Quilty phản bội và mang trong mình đứa con của một chàng trai tên Dick. Humbert tìm giết Clare Quilty và sau đó chết trong tù. 

Đáng nói, diễn viên Domine Swain thủ vai Lolita khi đó mới 14 tuổi, cùng những cảnh quay và lời thoại thi vị hóa đã khiến nhiều người nhầm tưởng phim cổ xúy cho nạn ấu dâm. Dù còn nhiều tranh cãi, nhưng không thể không công nhận diễn xuất chân thật của Jeremy Iron khi khắc họa đầy đủ những cung bậc cảm xúc của một kẻ có thiên hướng lệch lạc tình dục.

Điều gì đọng lại sau những bộ phim lấy cảm hứng từ tội ác?

Các nhà làm phim luôn đặt yếu tố con người lên hàng đầu để đem tới cho người xem những bộ phim chân thực, gần gũi và những bài học đầy tính nhân văn. Cổ xúy cho tội ác, bạo lực không phải mục đích mà phim ảnh tồn tại. Những tác phẩm lấy việc bạo lực, tội ác chỉ để mua vui, để thu hút tính hiếu kì của người xem sẽ sớm bị thời gian đào thải. 

Ngày nay, xu hướng phim ảnh đang khai thác sâu hơn vào quá khứ của tội ác để tìm ra: Đâu là nguồn gốc của tội lỗi? Bởi thực tế, tỷ lệ tội phạm đang có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp hơn. Từ cuộc đời của những ác nhân, các nhà làm phim đã cho ta thấy sự nguy hiểm của chấn thương tâm lý thời thơ ấu ảnh hướng tới sự phát triển của con người đáng sợ như nào.

Trên thế giới có thuyết tội phạm học bẩm sinh của Cesare Lombroso, nhưng vẫn chưa đủ cơ sở để công nhận khả năng con người sinh ra đã có gen tội phạm. Theo thống kê, tỷ lệ tội phạm gia tăng có hai nguyên nhân chủ yếu: Do tính bạo lực trong xã hội và những yếu tố tiêu cực từ gia đình.

Trong đó, yếu tố gia đình là quan trọng nhất. Theo một nghiên cứu từ trường Đại học California ở Los Angeles cho hay, con cái của những phụ huynh từng bị ít nhất 4 biến cố tiêu cực trước 18 tuổi - như bị bỏ bê, lạm dụng và rối loạn chức năng gia đình - dễ gặp các vấn đề hành vi như hiếu động thái quá hoặc có vấn đề về điều chỉnh cảm xúc. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn chỉ ra những sự kiện tiêu cực thời thơ ấu của một người còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính và tử vong sớm.

Tất nhiên, một vấn đề luôn có hai mặt, phim ảnh cũng vậy. Khi mà ngày nay, nhiều người phạm tội vì ảnh hưởng bởi những thứ mình đã xem.

Điều đó, càng khẳng định hơn tầm quan trọng của việc giáo dục tốt ngay từ giai đoạn đầu đời. Bởi, một môi trường lành mạnh sẽ giúp trẻ phát triển ổn định để có khả năng chọn lọc, phán đoán đúng – sai tốt hơn nếu tiếp xúc với phim ảnh có nội dung phản ánh những vấn đề nhạy cảm như trên.