Khánh Thi: Bầu trời nhiều sao tôi đâu có sợ!

ANTĐ - Bây giờ, khi nhắc đến dancesport Việt Nam không thể không nhắc tới Khánh Thi. Cô không chỉ là một phần mà còn là biểu tưởng của môn thể thao nghệ thuật đầy hấp dẫn này tại Việt  Nam. Thế nhưng, không mấy ai biết về quãng đường đã qua, chị đã làm thế nào để bước lên đỉnh vinh quang đến những quyết định đầy mạo hiểm để dấn thân trong cuộc đời của một người nghệ sỹ. 
Khánh Thi: Bầu trời nhiều sao tôi đâu có sợ! ảnh 1


- Chào Khánh Thi, chị nghĩ gì khi công chúng gọi chị là “Nữ hoàng dancesport”?

- Tôi thấy rất xa lạ khi lần đầu tiên nghe cụm từ “Nữ hoàng dancesport” bởi tôi xuất thân là một VĐV. Tôi nghĩ tất cả những điều đó giống như thành quả mà người hâm mộ dành tặng cho mình.

- Kinh nghiệm của chị để chiến thắng trong các cuộc thi là gì vậy?

- Với một môn thể thao thì điều đầu tiên là mình phải đam mê; đặc biệt với thể thao chuyên nghiệp mình cần phải có sự kiên trì rèn luyện, cộng thêm cả cả tinh thần thép ở trong đó nữa. Mà chắc chắn một điêu rằng để có thành tích cao mình phải đổ rất nhiều mồ hôi cũng như tiền bạc và công sức, chính vì thế mà kinh nghiệm của tôi trên sàn đấu chỉ có một chữ gọi là “LỲ”. (Cười)

- Độ “LỲ” này do chị rèn luyện từ bé hay khi đến với thể thao mới có?

- Ngay từ bé chứ! Lúc bé sống trong làng nghệ thuật tôi đã được bố mẹ cho đi học múa, hát và độ lỳ ở đây là tôi luôn phải chờ đợi. Ở trong khu văn công quân đội có rất nhiều con em của cán bộ văn nghệ sỹ, lúc nào tôi cũng phải ngồi chờ các bạn lên hát, múa rồi mãi sau mới đến lượt mình, thành ra mình cứ quen dần. Khi vào trường múa cũng vậy, lúc nào tôi cũng phải chờ đợi họ xướng đến tên mình lên thi, biểu diễn và lúc nào mình cũng đạt kết quả xuất sắc nhất, đi về được mọi người ngợi khen. Cảm giác đó nung nấu trong tôi rằng sẽ quyết tâm đi thi đấu, tham gia biểu diễn thật nhiều để chinh phục chính mình. 

- Điều gì ở dancesport hấp dẫn chị đến vậy khi dám mạo hiểm từ bỏ 7 năm theo học múa với một kết quả xuất sắc? 

- Dancesport cực kỳ hấp dẫn đối với tôi! Nó bao gồm múa, Aerobic, trượt băng nghệ thuật, được trình diễn, được có nhiều người xem và được mặc đẹp nữa! (Cười) 

- Cực kỳ hấp dẫn mà có thời điểm chị lại chia sẻ rằng sẽ rời xa dancesport, tại sao vậy?

- Năm 2009 tôi quyết định chuyển vào TP.HCM sinh sống và tìm bạn nhảy mới, cuối năm đó tôi đã giành HCV châu Á - đó là ước mơ mà tôi đã nung nấu từ bao nhiêu năm nay, và tôi nghĩ rằng đến năm nay (2012) mình mới quyết tâm để có thể giành được chiến thắng. Năm 2009 đến quá sớm và lúc đó bạn nhảy lại quá trẻ, kém tôi tới 11 tuổi, mới 16 tuổi thôi nên sự chênh lệch về độ tuổi cũng như sự cảm nhận về suy nghĩ rất khác nhau. Mọi cái thay đổi quá nhiều, từ môi trường sống, đến việc tôi đoạt giả, rồi tôi bị chấn thương rất nặng là rách cơ đùi… bỗng nhiên tôi bị hẫng, rồi rơi vào trạng thái cô đơn vì những cái mình mong muốn nó đến sớm quá khiến tôi quyết định nghỉ nhảy, ngừng ngay lại không thi đấu và không muốn chinh phục nữa! Rồi tôi lại nhảy và tiếp tục giành chiến thắng, đến năm vừa rồi tôi đã quyết định dừng hẳn sự nghiệp thi đấu để chuyên tâm cho việc đào tạo VĐV. Năm nay tôi đã được Ủy ban Thể dục Thể thao mời làm HLV trưởng của ĐTQG. Ngoài ra tôi làm trọng tài, đi nhiều nước để chấm thi, giới showbiz Việt người ta gọi là giám khảo nghe rất oai nhưng đó là công việc mà tôi đã làm rất nhiều năm rồi. 

- Chị thấy sự khác biệt giữa việc làm giám khảo các cuộc thi dancesport chuyên nghiệp với việc chấm thi cho các ngôi sao tại “Bước nhảy hoàn vũ”?

 - Có khác mà cũng có giống, khác ở đây là một cuộc thi chuyên nghiệp tôi phải chấm những VĐV chuyên nghiệp, ở đó tôi có quyền khắt khe, đòi hỏi họ và phải nhìn thấy tính kỹ thuật cao lần tinh thần làm sao để bắt mắt và có sức bền cao. Còn tại cuộc thi “Bước nhảy hoàn vũ” là những ngôi sao nổi tiếng đi thi, vậy thì mình biết họ đã dám bỏ cái mác nổi tiếng để đi thi thì cố gắng chấm, nhận xét mang tính khuyến khích hơn là chỉ trích họ để sau cuộc thi cảm giác họ vẫn là những người nổi tiếng và tiếp tục nổi tiếng nữa. Nhưng có một điểm giống là ở tất cả các cuộc thi tôi đều được mặc đẹp, chấm điểm và cân nhắc cả. (Cười lớn) 

- Cảm hứng, thành công đến tương lai tươi sáng là những gì dancesport đã mang lại cho chị, nhưng ít người lại biết đến quãng đời du học của chị?

- Đi du học chắc chắn là khó khăn rồi, với tôi đúng là “du… học”, vì tôi du tất cả các nơi, mỗi quốc gia tôi tìm hiểu nền văn hóa cũng như tìm việc làm để có tiền đi học, gia đình chỉ hỗ trợ một phần thôi nhưng cũng là sĩ diện của bản thân nữa. Rào cản đầu tiên là ngoại ngữ, mình là dân nhảy múa nên tiếng không thể bằng các bạn đi học đại học, cao học; ngoại ngữ của mình học qua lao động, nói chuyện với những người làm việc cùng, hay là thầy giáo. Ngoài ra mỗi một lần di chuyển từ nước này sang nước khác rất tốn kém, vì vậy mỗi lần được giải tôi tích cóp tiền đó lại để đăng ký một cuộc thi mới, may một bộ quần áo mới để tiếp tục tham gia. 8 năm du học cho tôi sự cảm nhận sống rất tốt, thứ nhất là biết quý thời gian, thứ hai là biết quý trọng đồng tiền, biết tôn trọng cũng như có cái tâm trong nghề, mình làm việc thật sự với nó. 

- Hiện nay cũng có nhiều bạn trẻ nối gót chị sang nước ngoài để học dancesport vì họ nghĩ rằng ở Việt Nam khó có thể phát triển khả năng của họ, chị đánh giá sao về vấn đề này?

- Khoan hãy nói về việc đánh gia sao đã, bởi vì đi du học có 2 chiều hướng, thứ nhất là tìm tòi cái mới, họ tin tưởng rằng môi trường quốc tế sẽ cho họ đầy đủ mọi thứ cũng như kết quả có thể mang lại hơn trong nước; nhưng đối với bộ môn dancesport thì qua những trải nghiệm của tôi thì không nhất thiết phải ra nước ngoài để học. Lý do vì bộ môn dancesport không trường chính quy giảng dạy, đến các các nhà VĐTG cũng đi ra từ các CLB, các nhóm nhảy, bằng cấp chỉ có khi bạn thi và được chứng nhận tại những giải đấu quốc tế mà thôi. Ra nước ngoài học dancesport rất tốn kém, từ tiền vé, ăn ở và tiền học cá nhân với thầy. Trước đây tôi đã quá vất vả rồi tôi nghĩ những điều căn bản nhất các bạn có thể học ở trong nước, những HLV tôi đào tạo ra đủ khả năng để có thể đào tạo được chính quy và đi theo được giáo trình của quốc tế. Ngoài ra cứ 3 tháng 1 lần, tôi mời rất nhiều giáo viên quốc tế đều là những nhà VĐTG đến giảng dạy tại 3 trung tâm của tôi cho những cặp VĐV học theo giờ học cá nhân. Khi nào có giải đấu tôi thấy phù hợp sẽ gửi VĐV của mình ra nước ngoài thi đấu. Nếu ai quan tâm theo dõi các cuộc thi trong nước và quốc tế sẽ thấy các VĐV Việt Nam giành được những thứ hạng cao là học sinh của Khánh Thi đấy! (Cười)

- Chị đánh giá về lớp VĐV dancesport trẻ của Việt Nam có thể vươn cao hơn nữa ở đấu trường quốc tế không?

- Khả năng của các bạn rất tốt, nhưng tại mỗi thời điểm lại có yêu cầu khác nhau. Quãng thời gian trước đây của tôi giảng viên trình độ họ chỉ có thế thì mình cũng chỉ xuất sắc đến thế, nhưng sau bao nhiêu năm bây giờ những lứa học viên ở các nơi khác tiến bộ hơn, nên nếu chỉ bằng tôi trước đây thì tương lai chưa chắc đã ra được đấu trường quốc tế. Điều đó buộc các bạn phải cố gắng hơn, và tôi nghĩ các bạn tài năng hơn tôi rất nhiều, nhưng để có được sự thành công nhất định thì phải có một người HLV giỏi, sự đầu tư chính đáng… 

 - Hãy bàn một chút về lối rẽ âm nhạc của chị đi? 

- Khi mới bước đến thành phố này tôi có nhiều điều kiện cũng như có quỹ thời gian riêng để có thể sắp xếp cho mình niềm đam mê. Bật mí rằng mẹ của tôi là ca sỹ, bố, anh trai là nhạc công, trước đây bố nói với tôi nhà mình là phải có đủ ca-múa-nhạc; thực ra tôi thích làm ca sỹ lắm, từ bé lúc nào cũng ò í e theo mẹ, rồi ở đoàn còn có NSND Tường Vi, chú Doãn Tần, Trung Đức và cô Thu Cúc, Thu Huyền… thành ra ngày nào, sáng nào cũng được nghe nhạc, nghe các cô chú luyện thanh khiến tôi thích lắm. Rồi không hiểu số phận sắp đặt thế nào tôi lại thi vào trường múa, rồi học dancesport. Đến giờ khi đạt được những thành công nhất định thì tại sao không tiếp tục theo đuổi niềm đam mê sẵn có của mình (?!) 

- Có sự khác nhau nào giữa một “Nữ hoàng dancesport” với một cô ca sỹ Khánh Thi trên sân khấu?

- Ồ, thật ra nó cũng giống nhau mà thôi, vẫn là một nghệ sỹ cần phải biểu diễn trên sân khấu. Tôi nghĩ với giới giải trí hiện nay thì yêu cầu của một người ca sỹ đa năng, có nghĩa là họ vừa nhảy múa vừa ca hát được sẽ mang đến sự độc đáo lẫn thỏa mãn người thưởng thức. 

- Dancesport có giúp chị tự tin hơn trên sân khấu ca nhạc không?

- Tự tin chứ vì tôi đã quen với việc lên sân khấu rồi. Tôi luôn thích nhìn thấy ánh mắt, cử chỉ của khán giả dõi theo, vỗ tay theo mình; chính vì vậy niềm đam mê đứng trên sân khấu, hát những ca khúc mà trước đây mình chỉ được nghe, chỉ dám hát nghêu ngao theo lúc tập nhảy thì bây giờ đã được thỏa mãn ý nguyện. (Cười)

- Lại thêm một lần mạo hiểm rẽ lối?

- Đã dám làm thì phải dám chịu! Tôi cũng không dám nhận mình là “Nữ hoàng dancesport” bởi nó chỉ là một danh xưng mà khán giả ưu ái dành tặng. Tôi thấy bản thân mình là một VĐV, rồi chuyển sang ca hát và sau có thể đóng phim; vì vậy tôi không muốn mọi người gọi tôi là “Nữ hoàng dancesport” hay ca sỹ, diễn viên mà chỉ muốn mọi người gọi mình là một nghệ sỹ, và nghệ sỹ giải trí phải thật sự đa năng. 

- Chị lựa chọn hướng ca hát nào cho mình? 

- Chắc chắn tôi sẽ theo dòng nhạc vừa khiêu vũ vừa ca hát, chính vì thế việc đưa dancesport vào sân khấu ca nhạc là một điều rất hiển nhiên, điều đó sẽ gây một cảm giác thỏa mãn cho khán giả về một cô ca sỹ vừa hát vừa nhảy đẹp thì tại sao không. Tôi sẽ luôn chọn hình tượng không sexy nhưng nó phụ nữ và gợi cảm. Tôi muốn mình đẹp cả ngoài đời lẫn trên sân khấu. 

- Thực tế có thể xảy ra khi khán giả chỉ quan tâm đến phần nhìn hơn là phần nghe khi chị biểu diễn trên sân khấu?

- Có thể là thời gian đầu thôi, đến khi mọi người quen với hình ảnh tôi bắt đầu đi hát thì khán giả sẽ chú tâm lắng nghe nhiều hơn! 

- Có không ít bài học về sự thất bại của nhiều nghệ sỹ khi đi vào vết xe đổ của sự lấn sân?

- Bầu trời nhiều sao mà mình đâu có sợ! (Cười) Ngôi sao nào chịu khó tỏa sáng lâu thì chắc chắn sẽ được mọi người nhìn ngắm.

- Nhưng tuổi của chị mà tham gia vào showbiz có vẻ muộn rồi?

- Đối với tôi gừng càng già càng cay, và đối với nghệ thuật thì không có tuổi. Thứ nữa là mình hiểu đang tham gia vào cái gì và chắc chắn mình phải tìm hiểu rõ con đường mình đi. 

- Còn hạnh phúc riêng của chị? 

- Tính cách của tôi hơi khác, có thể trên sàn diễn hay những lúc xuất hiện tôi muốn mọi người tung hô, nó là cảm giác của một người nghệ sỹ, chắc chắn là như vậy, mình phải có tham vọng thì mới có được những mục đích để cố gắng. Còn trong chuyện tình cảm tôi muốn nó được lui về phần cá nhân của mình, được thu gọn trong một mái nhà nhỏ, và tôi thích nửa riêng kia của tôi cũng thật sự là nhẹ nhàng, kín đáo giống như tính cách của tôi. 

- Cảm ơn. Chúc chị hạnh phúc và thêm thành công!