Khẳng định tính hiệu quả cắt cơn, cai nghiện ma túy bằng Cedemex

ANTĐ - Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án, cho thấy người nghiện ma túy dùng thuốc Cedemex cắt cơn êm dịu, không có hiện tượng dị cảm (dòi bò) trong xương, không thèm đói ma túy. 

Sáng 19-6, UBND tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Viện Nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo tổ chức tổng kết Đề án: “Dùng thuốc Cedemex trong hỗ trợ cắt cơn, cai nghiện ma túy” và đánh giá hiệu qủa công tác quản lý sau cai nghiện ở nơi cư trú tại tỉnh Thái Nguyên (từ năm 2010-2012).

Khẳng định tính hiệu quả cắt cơn, cai nghiện ma túy bằng Cedemex   ảnh 1
Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội
phát biểu tại hội nghị


Trong giai đoạn 2006- 2010, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức cai nghiện cho 10.456 lượt người nghiện (trung bình một người được cai nghiện ít nhất 2 lần). Tuy nhiên kết quả chỉ có 264 người nghiện ma túy không tái nghiện (chiếm 4,5%), tỷ lệ tái nghiện vẫn còn 95,5%. Trước thực trạng đó, sau khi nghiên cứu mô hình cai nghiện bằng thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy Cedemex tại thành phố Hải Phòng, ngày 6/4/2010, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt Đề án dùng thuốc Cedemex trong hỗ trợ cắt cơn, cai nghiện ma túy tại tỉnh Thái Nguyên. 

Đề án được thực hiện trong thời gian 2 năm (2010- 2012), với 50 đối tượng tham gia (bao gồm cả đối tượng tự nguyện và bắt buộc). Trong đó có 46 người điều trị đủ phác đồ (đủ thuốc), 4 người do bị bệnh đã chết, sức khỏe suy kiệt nên chưa được điều trị đủ phác đồ. Kết quả, trong tổng số 46 người điều trị đủ phác đồ của Cedemex, có 13 người không tái nghiện. Ngoài ra, có 20 người nghiện ma túy khác khi biết về Cedemex đã tự nguyện sử dụng thuốc điều trị.  Qua kiểm tra, giám sát của Viện nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo Việt Nam và Ban chủ nhiệm đề án đối với 13 trong tổng số 20 người tự nguyện sử dụng Cedemex cho thấy 10/13 người không tái nghiện.

TS Nguyễn Phú Kiều gặp gỡ một số bệnh nhân

Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án, cho thấy người nghiện ma túy dùng thuốc Cedemex cắt cơn êm dịu, không có hiện tượng dị cảm (dòi bò) trong xương, không thèm đói ma túy. Tinh thần, sức khỏe của người nghiện được cải thiện, không có tai biến khi điều trị và không có biểu hiện bất thường khi dùng thuốc Cedemex. Hết 12 tháng điều trị tại Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội của tỉnh, người nghiện ma túy được bàn giao cho UBND các xã, phường, thị trấn và gia đình đối tượng để quản lý sau cai nghiện.

Đánh giá về hiệu quả đề án, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội khẳng định: Mặc dù mới đưa vào triển khai trong 2 năm nhưng việc thực hiện Đề án chứng minh dùng thuốc Cedemex để cắt cơn cai nghiện cho tỷ lệ người không tái nghiện cao và cai nghiện tự nguyện, cai nghiện cộng đồng mang lại hiệu quả hơn so với các phương pháp khác. Ông Nguyễn Văn Tiên đề nghị tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ cai nghiện cộng đồng, Ủy ban Quốc gia phòng chống tệ nạn xã hội nghiên cứu để triển khai mô hình này tại các tỉnh khác dựa trên kinh nghiệm của Thái Nguyên.

Cedemex là sản phẩm đề tài khoa học cấp nhà nuớc năm 2003, đề tài đã được hội đồng nghiệm thu nhà nước đánh giá Cedemex có tính an toàn và hiệu lực trong hỗ trợ cắt cơn nghiện ma tuý và đã được Bộ Y tế cho phép lưu hành tại các Trung tâm cai nghiện ở Việt Nam từ  năm 2004 và ở cộng đồng theo Quyết định số 2406/BYT-QĐ ngày 2/7/2008. Sau đó, Bộ Khoa học công nghệ Việt Nam đã ký với Bộ Khoa học công nghệ Trung Quốc hợp tác triển khai đề tài theo Nghị định thư “Nghiên cứu cơ chế tác dụng của Cedemex trong cai nghiện ma tuý” từ năm 2004-2007, đây là thuốc có nguồn gốc thảo dược ở Việt Nam được nghiên cứu theo y học hiện đại.

Những kết quả thu được từ thực tế ứng dụng và nghiên cứu cơ chế tác dụng ở mức phân tử trên thực nghiệm tại Trung Quốc cho thấy Cedemex ngoài tính an toàn, không gây tác dụng phụ ở liều sử dụng, không gây nghiện, thời gian cắt cơn nhanh và bình ổn nhiều triệu chứng của Hội chứng cai, Cedemex còn bình phục được morphine nội sinh để loại bỏ nguyên nhân nghiện thực thể (thèm ma túy) và đề kháng tính lệ thuộc tinh thần loại bỏ nguyên nhân nghiện tâm lý, góp phần chống tái nghiện và phục hồi sức khỏe nhanh. Kết quả của Đề án đã mở ra một huớng đi mới trong công tác phòng và điều trị căn bệnh nghiện ma túy ở nuớc ta, hy vọng rằng mô hình này sẽ được nhà nuớc nhân rộng tại các tỉnh thành khác trong cả nước, góp phần phòng và điều trị căn bệnh nghiện ma túy hiệu quả.

Tại hội nghị, các nhà khoa học, đại diện Uỷ ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội, Bộ Khoa học và Công nghệ,Thanh tra - Bộ Y tế, Cục phòng chống tệ nạn xã hội - Bộ LĐTB&XH, lãnh đạo tỉnh Thái nguyên khi tham dự hội nghị đều đánh giá cao việc sử dụng cedemex theo phác đồ điều trị tấn công và duy trì, Cedemex có tác dụng cắt cơn êm dịu, bình ổn được nhiều triệu chứng của hội chứng cai, đặc biệt là 2 triệu chứng thèm đói ma tuý và dị cảm (dòi bò), Cedemex còn có khả năng đề kháng tính lệ thuộc tinh thần, góp phần chống tái nghiện sau cai.

Theo TS.BS Nguyễn Phú Kiều – Viện trưởng Viện nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo thì Cedemex là thuốc có nguồn gốc từ thảo dược nên rất an toàn, đáp ứng được yêu cầu cơ bản trong việc hỗ trợ cắt cơn, điều trị cai nghiện ma túy; ngoài cắt cơn êm dịu, thuốc bình ổn tối đa được các triệu chứng của hội chứng cai, đặc biệt là không xảy ra triệu chứng dị cảm (dòi bò) khi cai. Ngoài ra, CEDEMEX còn loại bỏ được triệu chứng thèm đói ma túy, phục hồi sức khỏe nhanh, góp phần chống tái nghiện tốt.

Được biết, trong thời gian tới Viện nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo sẽ được Bộ KHCN hỗ trợ nguồn vốn để xây dựng nhà máy sản xuất thuốc Cedemex đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, đáp ứng nhu cầu cho các Trung tâm cai nghiện và ở cộng đồng. Mặc dù Cedemex sẽ đầu tư để sản xuất với quy mô lớn, nhưng theo lãnh đạo Viện, Cedemex sẽ không bán tự do trên thị trường mà chỉ  cung cấp cho các Trung tâm cai nghiện và cho các mô hình cai nghiện tại cộng đồng, bới vì nghiện ma túy là căn bệnh đặc thù, khác với căn bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virus, nên nguời bệnh phải cần được tư vấn đầy đủ thông tin về cách phòng và điều trị theo đúng phác đồ, cùng với quyết tâm của nguời bệnh và sự quản lý, chăm sóc của gia đình mới thành công.