Khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế: “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội”.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng nay 8-9, UBND thành phố Hà Nội phối hợp cùng Văn phòng UNESCO Hà Nội và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội”.

Tham dự hội thảo, về phía quốc tế, có bà Nao Hayashi, đại diện Trung tâm Di sản thế giới, phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương; bà Marie Laure Lavenir, Chủ tịch Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) - cơ quan tư vấn độc lập cho UNESCO; ông Christian Manhart, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam…

Về phía thành phố Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, bảo tồn, di sản... của Việt Nam và các nước trong khu vực.

Nhấn mạnh giá trị nổi bật toàn cầu

Các tham luận tại hội thảo đề cập đến những kết quả đã đạt được tại Hoàng thành Thăng Long trong 20 năm kể từ khi phát lộ, đặc biệt 10 năm kể từ sau khi được vinh danh Di sản văn hóa thế giới trên các lĩnh vực khai quật khảo cổ học theo khuyến nghị của ICOMOS. Đây cũng là dịp chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn, phục dựng các công trình kiến trúc tại các khu Di sản; chia sẻ kinh nghiệm diễn giải, trưng bày và bảo tàng nhằm làm rõ các giá trị nổi bật toàn cầu của các Khu Di sản thế giới; Nghiên cứu giải pháp thiết kế kiến trúc để bảo tồn và phát huy giá trị khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu...

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Kết quả của Hội thảo khoa học Quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội” là cơ sở khoa học để Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đưa ra các phương án khôi phục và tái hiện các di sản kiến trúc cung điện trong thời gian tới; đặc biệt bổ sung tư liệu và tham vấn các giải pháp khoa học, ứng dụng công nghệ trong quá trình thực hiện Đề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian điện Kính Thiên và bảo tồn nhà Cục Tác chiến dưới dạng di sản số; hoàn thiện Kế hoạch quản lý di sản giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn 2045; làm tiền đề cho công tác quản lý bền vững di sản, vì sự phát triển của Di sản Thế giới khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Tượng đầu chim phượng hoàng thời Lý, một trong những hiện vật đặc sắc của Hoàng Thành Thăng Long, hiện vật này phát lộ trong quá trình khai quật di chỉ 18 Hoàng Diệu
Tượng đầu chim phượng hoàng thời Lý, một trong những hiện vật đặc sắc của Hoàng Thành Thăng Long, hiện vật này phát lộ trong quá trình khai quật di chỉ 18 Hoàng Diệu

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: Hơn 1.000 năm trước, vào thế kỷ 11 - Năm 1010, đất Thăng Long xưa - Hà Nội nay được Vua Lý Thái Tổ chọn làm Kinh đô của nước Đại Việt và đặt tên là Thăng Long với mong muốn Kinh đô ngày càng phồn thịnh như linh vật Rồng thiêng bay lên. Trong suốt hơn 10 thế kỷ, từ thời Lý (thế kỷ 11 – thế kỷ 12) đến thời Nguyễn (thế kỷ 19 – thế kỷ 20), các triều đại phong kiến Việt Nam đã liên tục kế thừa, xây dựng và phát triển Thành Đại La trở thành Thăng Long - Đông Kinh - Hà Nội với vai trò, vị trí là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, dấu tích kinh thành Thăng Long còn hiển hiện qua hệ thống di tích, di vật được tìm thấy tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long ngày nay.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu khai mạc hội thảo

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu khai mạc hội thảo

Cuộc khai quật khu di tích Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội là cuộc khai quật lớn trong lịch sử ngành khảo cổ học Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Những khai quật đầu tiên được tiến hành vào tháng 12 năm 2002, tại Di chỉ khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, Ba Đình, thành phố Hà Nội. Kết quả khai quật đã phát lộ những dấu tích của Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội trong tiến trình lịch sử trải dài 13 thế kỷ, với các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau. Đây là một quần thể di tích, di vật mang bề dày lịch sử - văn hóa lâu đời; là một di tích văn hóa, lịch sử và khảo cổ tiêu biểu; là bằng chứng vật chất, phản ánh trình độ kỹ thuật cao, chứa đựng các giá trị về lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật. Đồng thời, phản ánh sự giao thoa văn hóa trong một quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hố B1 khu di chỉ khảo cổ 18 Hoàng Diệu

Hố B1 khu di chỉ khảo cổ 18 Hoàng Diệu

Và gần một thập kỷ kể từ ngày phát lộ, năm 2010, Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa của Thế giới, đúng vào dịp tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Kể từ đó đến nay, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội và các Bộ, ngành Trung ương đã dành sự quan tâm đặc biệt, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của khu Di sản.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh bày tỏ mong muốn, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý tiếp tục tham góp nhiều ý tưởng tâm huyết, sáng tạo, đưa ra các giải pháp khả thi để gìn giữ và phát huy giá trị của Di sản. Những kết quả của Hội thảo sẽ là cơ sở khoa học để thành phố Hà Nội xây dựng phương án khôi phục và tái hiện các di sản kiến trúc cung điện trong thời gian tới; đặc biệt là các giải pháp ứng dụng công nghệ dưới dạng di sản số.

Di sản là nguồn lực của tương lai

Cùng tham dự hội thảo, ông Christian Manhart, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho biết, trong tương lai 50 năm tới đây, UNESCO coi Di sản Thế giới là nguồn lực của khả năng phục hồi, của sự bền vững, nhân văn và đổi mới.

Dấu tích sân gạch, đường lát gạch hoa chanh, giếng nước

Dấu tích sân gạch, đường lát gạch hoa chanh, giếng nước

Tại Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long minh chứng cho hơn 10 thế kỷ giao lưu và ảnh hưởng văn hóa từ khắp châu Á. Ngày nay, các tầng văn hóa khảo cổ phản ánh những bước phát triển nối tiếp nhau của các triều đại đã trị vì. Hiếm có di sản nào trên thế giới thể hiện tính liên tục lâu dài như Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Vẫn còn nhiều lớp khảo cổ chưa được khám phá dưới lòng đất.

Ngày 25/12/2021, trong đợt công nhận Bảo vật quốc gia lần thứ 10, năm 2021, cùng 22 hiện vật khác của nhiều tỉnh thành, 2 chiếc bát ngự dụng thời Lê sơ đã chính thức trở thành Bảo vật quốc gia
Ngày 25/12/2021, trong đợt công nhận Bảo vật quốc gia lần thứ 10, năm 2021, cùng 22 hiện vật khác của nhiều tỉnh thành, 2 chiếc bát ngự dụng thời Lê sơ đã chính thức trở thành Bảo vật quốc gia
Chiếc bát thấu quang hình rồng, đồ ngự dụng của nhà vua có niên đại thời Lê sơ được tìm thấy qua đợt khai quật di chỉ khảo cổ Hoàng Thành Thăng Long
Chiếc bát thấu quang hình rồng, đồ ngự dụng của nhà vua có niên đại thời Lê sơ được tìm thấy qua đợt khai quật di chỉ khảo cổ Hoàng Thành Thăng Long

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng nghiên cứu và bảo tồn di sản là một quá trình rất lâu dài đòi hỏi phải có kế hoạch và thực hiện một cách chiến lược. Đồng thời, các ưu tiên và lĩnh vực trọng tâm trong nghiên cứu cần được xác định rõ ràng. Việc ghi tên Khu Trung tâm của Hoàng thành vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO là một vinh dự tạo ra những cam kết và trách nhiệm mới cho tất cả mọi người… Kết quả và khuyến nghị của Hội thảo hôm nay sẽ là cơ sở khoa học để Hoàng thành Thăng Long xây dựng kế hoạch trùng tu lâu dài cho di sản kiến trúc. Điều quan trọng là phải xem xét các tài liệu hiện có và tư vấn các giải pháp khoa học về cách thức khai quật, bảo quản và trùng tu những gì còn lại của Điện Kính Thiên và Chính điện, đồng thời bảo tồn tòa nhà Cục tác chiến'- Ông Christian Manhart nói.

Hiện vật Lá đề chim phượng, TK XI, thời Lý-Trần được tìm thấy trong đợt khai quật di chỉ 18 Hoàng Diệu năm 2002-2004 được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2021

Hiện vật Lá đề chim phượng, TK XI, thời Lý-Trần được tìm thấy trong đợt khai quật di chỉ 18 Hoàng Diệu năm 2002-2004 được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2021

Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, trong số 03 “cố đô” của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới (Cố đô Hoa Lư, Cố đô Huế và Hoàng Thành Thăng Long), thì Hoàng thành Thăng Long có nét độc đáo riêng thể hiện sự nối tiếp, liên tục trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác quản lý Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội vẫn còn đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi các nhà quản lý, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và giải quyết từ nhiều góc độ khác nhau.