Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII:

Kéo lạm phát về một con số

ANTĐ - Hôm nay, 20-10, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Trong ngày làm việc đầu tiên, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2011; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và 5 năm 2011 - 2015.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Dù còn có những yếu kém, bất cập trong quản lý,

điều hành nhưng kinh tế tăng trưởng khá cao”


GDP tăng 6%

Trước Quốc hội, Thủ tướng nhấn mạnh, “dù còn có những yếu kém, bất cập trong quản lý, điều hành nhưng kinh tế tăng trưởng khá cao”. Lạm phát giảm dần, ước cả năm tăng khoảng 18%. Kinh tế vĩ mô có bước chuyển biến tích cực, bội chi ngân sách nhà nước cả năm 2011 giảm xuống còn 4,9% GDP trong khi thu ngân sách tăng, đáp ứng nhu cầu chi và dành một phần để tăng chi trả nợ. Mua bán ngoại tệ và kinh doanh vàng được kiểm soát có kết quả bước đầu. Nợ công được giữ ở mức an toàn.

Thủ tướng khẳng định, trong khó khăn, sản xuất - kinh doanh được duy trì và tiếp tục phát triển. Xuất khẩu tăng cao, nhập khẩu được kiểm soát. Nhập siêu giảm mạnh, cả năm dự kiến khoảng 10 tỷ USD, bằng 10,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong điều kiện phải tập trung kiềm chế lạm phát, giảm mạnh tăng trưởng tín dụng, thắt chặt chi ngân sách nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng liên tục, quý sau cao hơn quý trước, GDP cả năm ước đạt khoảng 6%. Người đứng đầu Chính phủ còn nhấn mạnh, trong điều kiện giá cả thị trường tăng cao, thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tiếp, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. Các hoạt động khoa học, công nghệ đạt được những kết quả tích cực. Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm chỉ đạo. Cải cách hành chính đạt những kết quả thiết thực, đã hoàn thành đơn giản hóa hơn 3.000 thủ tục.

Ưu tiên chặn lạm phát

Cũng trong sáng 20-10, Thủ tướng đã đề xuất một số chỉ tiêu chủ yếu cho năm 2012 và 5 năm 2011 - 2015. Cụ thể, lạm phát kiềm chế dưới 10%; các năm sau thấp dần và đến năm 2015 lạm phát khoảng 5-7%. Chỉ tiêu tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2012 khoảng

6- 6,5% (Chính phủ đề nghị điều hành theo phương án tăng trưởng khoảng 6%, khi có điều kiện thuận lợi sẽ phấn đấu đạt mức 6,5%). Trong giai đoạn 5 năm 2011 - 2015, tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5 - 7%; phấn đấu đạt 7%. Bội chi năm 2012 dự kiến bằng 4,8%, các năm sau giảm dần để đến năm 2015 giảm xuống còn 4,5%. Đến năm 2015, nợ công khoảng 60 - 65% GDP.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2012, Thủ tướng cho biết: “Mục tiêu tổng quát của năm 2012 là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; đảm bảo phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế”.

7 nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu này cũng đã được Thủ tướng nêu rõ, bao gồm ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; ưu tiên nguồn lực thực hiện ba đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh; tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường; tiếp tục chăm lo bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc…

Cảnh giác với nợ công

Cơ bản nhất trí với đánh giá của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng, Chính phủ phải xử lý tốt mối quan hệ giữa lạm phát, tỷ giá và lãi suất trong đó ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá, tiếp tục kiểm soát tăng trưởng dư nợ tín dụng ở mức thấp và điều chỉnh cơ cấu tín dụng phục vụ sản xuất, xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu. Ngoài ra, Chính phủ cần kiểm tra và xử lý tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, dừng đầu tư đối với dự án không hiệu quả và có biện pháp xử lý dứt điểm...

Nhìn về những năm tới, Ủy ban Kinh tế nhất trí phương án tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm khoảng 6,5%-7%. Ủy ban Kinh tế chỉ lưu ý, phải kiểm soát bằng được chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức một con số trong năm 2012 phấn đấu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp nhằm nâng cao lòng tin của xã hội, là cơ sở để ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao tốc độ, chất lượng tăng trưởng trong những năm sau.

Trước tình hình diễn biến phức tạp về nợ công của các nước, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, Quỹ Tiền tệ quốc tế gần đây đã cảnh báo các nước cần tăng cường quản lý trần nợ công dưới 60% GDP, thậm chí các nước đang phát triển dưới 40% GDP. Ủy ban Kinh tế nhất trí dư nợ công năm 2012 không quá 60% GDP, đến năm 2015, không quá 65% GDP. Ông Nguyễn Văn Giàu nói: “Việc sử dụng các nguồn vốn vay cần phải được tính toán hết sức chặt chẽ, đầu tư phải mang lại hiệu quả rộng lớn và xây dựng phương án giảm nợ công bắt đầu từ năm 2016...”.