Kể chuyện làm phim hoạt hình 3D

(ANTĐ) - Nhìn bề ngoài, Sơn có vẻ phong trần và lãng tử. Có lẽ chỉ xét “giao diện” ấy không thôi thì chả ai nghĩ đó là một “người tài” mà không ít công ty trong, ngoài nước muốn tuyển dụng.

Kể chuyện làm phim hoạt hình 3D

(ANTĐ) - Nhìn bề ngoài, Sơn có vẻ phong trần và lãng tử. Có lẽ chỉ xét “giao diện” ấy không thôi thì chả ai nghĩ đó là một “người tài” mà không ít công ty trong, ngoài nước muốn tuyển dụng.

Tôi đã từng nghe kể: một vị giám đốc công ty  truyền thông lớn đã đích thân bay từ Hà Nội vào TP HCM để tìm Sơn và mời về làm việc với mức lương rất cao.

Nhưng Sơn từ chối, bởi... đang bận làm phim hoạt hình. Anh là Huỳnh Vĩnh Sơn - Đạo diễn bộ phim hoạt hình 3D “Thỏ và rùa” do Hãng phim Giải phóng và Công ty Fanatic Film đồng sản xuất. Bộ phim hoạt hình vừa được hoàn tất sau một thời gian kỷ lục: 2 năm 3 tháng.

Cho đến bây giờ, một số thầy cô trong trường ĐH Sân khấu Điện ảnh vẫn còn nhắc tới Huỳnh Vĩnh Sơn - cậu sinh viên khoa Mỹ thuật chuyên ngành hoạt hình đã từng năn nỉ các thầy để được làm bài thi tốt nghiệp bằng một đoạn phim hoạt hình ngắn.

Vì năm 2002, các sinh viên chuyên ngành này chỉ tốt nghiệp bằng bài thi trên giấy chứ không có điều kiện thực hiện cả một đoạn phim hoạt hình thực sự. Đoạn phim tốt nghiệp của Sơn đã được chuyên gia của Đại sứ quán Pháp đề nghị tài trợ để chọn tham gia Liên hoan phim hoạt hình Annecy (Pháp).

Năm 2005, Huỳnh Vĩnh Sơn được chọn là trợ giảng cho chuyên gia Đức trong khóa học “Sử dụng và nâng cao phần mềm hoạt hình 3D” do Cục Điện ảnh và Hãng phim hoạt hình tổ chức. Nhiều người thân không mấy bất ngờ về những bước đầu thành công của Sơn.

Vì từ hồi học lớp 4, anh đã đoạt giải B trong cuộc thi Mỹ thuật thiếu niên toàn quốc và từng là 1 trong 5 sinh viên đại diện cho Việt Nam tham gia Giải Mỹ thuật Sinh viên Nokia khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 2 năm liền (2000 và 2001).

Quyết định xa gia đình ở Hà Nội, Sơn vào TP HCM lập nghiệp và về “đầu quân” cho Hãng phim Giải phóng. Cơ hội được làm những công việc liên quan đến tài năng và các kiến thức được học đến với Sơn liên tiếp. Cho đến lúc Sơn quyết định “làm một bộ phim hoạt hình của Việt Nam và dành cho trẻ em Việt Nam - một bộ phim coi được”...

Chức vụ trưởng phòng của một công ty lớn, các hợp đồng làm thêm... đều được đặt sang một bên. Sơn bắt tay vào thực hiện ước nguyện làm phim hoạt hình 3D Việt Nam, không mưu cầu danh, lợi mà chỉ đơn giản là muốn làm một phim hoạt hình chất lượng cho thiếu nhi Việt Nam xem.

Nghe chuyện về Sơn đã lâu nhưng phải đến bây giờ, khi bộ phim hoạt hình “Thỏ và rùa” hoàn tất chỉ còn chờ ngày được phát hành, tôi mới gặp được Sơn. Anh vừa đưa vợ con ra Hà Nội chơi, sau quãng thời gian hơn 2 năm đam mê, dốc tâm, dốc sức và... stress để làm phim hoạt hình.

- Sao lại chọn Mỹ thuật hoạt hình chứ không phải những “mảng” khác?

- Ngày trước khi phải chọn 1 trong 3 khoa Mỹ thuật điện ảnh, Mỹ thuật hoạt hình, Mỹ thuật sân khấu thì tôi thấy mình hợp với Mỹ thuật hoạt hình nhất. Vì thực tế là tôi có khả năng hội họa, nhưng lại không thích lắm những công việc phim trường hay sân khấu.

- Sơn có nghĩ con đường “Mỹ thuật hoạt hình” mà mình lựa chọn nhiều chông gai, khó khăn không?

- Lúc tôi lựa chọn thì đó là con đường duy nhất phù hợp với mình. Sau đó thì cũng thấy rằng con đường này quá khó đi. Xét riêng bình diện phát triển phim hoạt hình ở miền Bắc thì dạo đó rất khó khăn, ngạch phim hoạt hình hầu hết là lương ba cọc ba đồng, công việc lại không nhiều.

Nói chung là không nhìn thấy tương lai. Nhưng sau khi ra trường, tôi đã có thể làm những công việc liên quan đến phim hoạt hình.

Nói sống bằng nghề làm phim hoạt hình thuần túy thì khó thật, nhưng sống bằng những gì mà mình được học từ khoa Mỹ thuật hoạt hình ra thì cho đến bây giờ tôi sống khá tốt.

- “Thỏ và rùa” là bộ phim nằm trong kế hoạch sản xuất được Cục Điện ảnh giao cho Hãng phim Giải phóng, và Hãng còn phối hợp sản xuất với Công ty Fanatic Film nữa. Vậy mà nghe nói Sơn vẫn phải đổ thêm “tiền túi” vào khâu làm phim?

- Mặc dù Hãng và Công ty Fanatic Film rất tạo điều kiện, nhưng dù thế nào cũng còn có những hạn chế của một hãng phim Nhà nước, lại không chuyên về phim hoạt hình. Mà tôi lại muốn bộ phim có chất lượng cao hơn, tốt hơn.

Cứ cầu toàn thế, nên tôi đã phải bỏ thêm tiền của mình vào việc làm phim. Ngoài ra tôi còn nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp về các trang thiết bị, máy móc làm phim.

- Tại sao thời gian làm phim lại dài kỷ lục vậy? 2 năm 3 tháng cho một bộ phim hoạt hình gần 24 phút... Khó làm quá, hạn chế kinh phí, hay còn những khó khăn nào khác?

- Quả thực tôi đã kéo dài thêm thời gian làm chứ không làm đúng như chỉ tiêu. Nói chung là do một số điều kiện mình chưa có, còn chủ yếu là do tôi cầu toàn quá. Nhiều người nhận cùng tôi làm “Thỏ và rùa” nhưng cũng không nghĩ là sẽ làm được. Có khi họ nhận giúp mình bởi thấy mình đam mê, tâm huyết làm bộ phim đó quá.

- Sơn có thể cụ thể hơn về những khó khăn về điều kiện làm phim?

- Không phải chê bai, nhưng thực tế cho thấy khi nói về phim hoạt hình Việt Nam, đa số người lắc đầu ngao ngán. Nhận xét chung cho rằng hình ảnh thì không sinh động, không đẹp, nội dung phim già cỗi, lồng tiếng không hay, màu sắc và nhân vật chuyển động không tốt, miệng nhân vật nói một kiểu mà lời thoại một kiểu... Nắm bắt được những điều đó, tôi cố gắng khắc phục trong phim của mình.

- Hãy kể đôi điều về ê-kíp và quá trình làm?

- Đây là phim hợp tác của hai bên, Hãng phim Giải phóng và Công ty Fanatic Film. Ê-kíp có hơn chục người tham gia. Có nhiều người khác nữa, mỗi người giúp một chút, mỗi người lại ở một nơi Hà Nội, TP HCM và vài tỉnh thành miền Trung.

Không phải lúc nào đội ngũ làm phim cũng tham gia đông đủ, vì mọi người còn bận những công việc chuyên môn riêng của mình. Có những lúc tôi phải làm một mình.

Quan điểm của tôi là “không làm những gì mà mình tự thấy là không giỏi”. Thế nên có những khâu mà tôi tự thấy mình làm không được tốt thì sẽ tìm và nhờ, hoặc mời “chuyên gia” hợp tác cùng. Ví dụ như khâu thiết kế nhân vật, bối cảnh...

Không kể họ ở miền Bắc hay miền Nam, họ làm ngành nghề gì, nhưng biết là họ giỏi khâu đó, có máy móc để làm tốt khâu đó thì tôi sẽ thuyết phục bằng được để có sự hợp tác của họ.

- Liệu đó có phải nguyên nhân khiến chi phí làm phim bị “đội” lên nhiều so với kinh phí được “bao cấp” ban đầu?

- Đó là một phần. Nhưng nói là nguyên nhân thì không phải. Vì đa số người giúp tôi đều không làm vì tiền. Chi phí nhiều là bởi máy móc trang bị rất tốn kém, phải trải qua nhiều khâu, có sự góp công góp sức của nhiều người.

Như đạo diễn phim, vai trò lớn vậy nhưng sau hơn 2 năm, cát sê cho tôi là 6,9 triệu đồng. Những người khác, làm các khâu khác thì họ chẳng được lương cao như thế.

Một người chỉ cần làm tương đối tốt một vài khâu thôi, nếu làm bên ngoài họ cũng nhận được khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Vậy thì không thể đòi hỏi họ bỏ hết để giúp mình trong một khoảng thời gian dài.

Ví dụ như anh Huy Tuấn, tôi mời anh sáng tác nhạc cho phim, mức cát sê tối đa cho nhạc sỹ phim hoạt hình là 2 triệu đồng, nhưng với NS Huy Tuấn thì sao lại nói đến mức tiền này được.

- Hình như “Thỏ và rùa” là bộ phim hoạt hình đầu tiên có sự tham gia lồng tiếng của một số “ngôi sao” sân khấu, điện ảnh?

- Tôi rất chú trọng đến khâu lồng tiếng cho nhân vật hoạt hình. Đây là khâu rất khó. Trẻ con thì không đảm nhiệm được, người lớn lồng tiếng không cẩn thận, cứ cố “trẻ hóa” giọng đi thì lại thành... “thảo mai” quá.

Bởi vậy tôi đã mời NSƯT Thành Lộc và một số diễn viên của sân khấu kịch IDECAF tham gia lồng tiếng. Ví dụ như anh Thành Lộc lồng tiếng cho Rùa Mắt Trố, anh Đình Toàn lồng tiếng cho Thỏ Tai Dài...

- Và Sơn có tự tin rằng mình đã thành công với bộ phim tâm huyết này?

- Tới lúc này một số người xem thử, cả người lớn và trẻ con, thì đều rất thích. Còn tôi thì chỉ dám nhận là bộ phim này “cũng được”. Mình làm phim chỉ cốt để trẻ con Việt Nam xem thấy là được, hợp với nhu cầu của chúng, thị hiếu của chúng.

Và để chúng thấy phim hoạt hình Việt Nam cũng xem được chứ không phải chỉ có phim của các hãng nước ngoài. Không biết ngoài Hà Nội thế nào chứ ở TP HCM, tôi thấy nhiều bậc phụ huynh tìm mua đĩa phim hoạt hình Việt Nam cho con em mình xem lắm.

- Khi nào thì “Thỏ và rùa” chính thức ra mắt khán giả nhỏ tuổi Việt Nam?

- Tôi chỉ là đạo diễn nên chỉ tập trung làm phim cho tốt. Còn việc phát hành thế nào lại do Hãng phim Giải phóng và Công ty Fanatic Film quyết định. Tôi rất mong là bộ phim sẽ đến được với công chúng trong nước, đặc biệt là các em nhỏ trong thời gian sớm nhất.

- Sơn có ý định sau đây sẽ tiếp tục làm phim hoạt hình?

- Nếu cứ cân nhắc để làm phim hoạt hình thì không ai làm, tiền thì ít, làm phim xong thì không có đầu ra, hoặc chưa có cơ chế chính sách gì đảm bảo rằng phim mình làm ra sẽ đến được với công chúng.

Thực tế cho thấy, có những phim duyệt xong thì được cất kho. Đôi khi có tâm huyết, hào hứng nhưng để làm thì hơi khó. Tuy nhiên, nếu cứ thấy khó khăn mãi mà không ai làm thì cũng dở.

Cũng có người làm đấy nhưng rồi chỉ như hòn sỏi ném vào ao bèo thôi. Hiện tôi chưa nghĩ đến chuyện tiếp tục làm phim hoạt hình như “Thỏ và rùa”. Vì thực sự là bao nhiêu công sức, tâm huyết, cả tiền của nữa đều dồn cả vào đó rồi. Phải nghỉ ngơi đã, rồi tính tiếp.

- Cảm ơn và chúc Sơn có thêm nhiều thành công mới!

Phú Huy (Thực hiện)