“Hy sinh” nữ tính

ANTĐ -Là phụ nữ ai cũng thích được làm duyên, xinh xắn và nữ tính nhưng với các nữ đạo diễn sân khấu khi lên sàn diễn họ buộc phải mạnh mẽ có khi còn hơn cả đấng mày râu…

Trọn đời trung hiếu với Thăng Long của đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai

Không có đất cho “dĩ hoà vi quý”

Với các nữ đạo diễn sân khấu, một khi đã đứng ở vị trí tổng chỉ huy của cả một vở diễn thì nét nữ tính buộc phải dẹp sang một bên. Thay vào đó là sự quyết liệt và quyết đoán. Nghề đạo diễn là vậy, không có đất cho sự “dĩ hòa vi quý” và không có đủ thời gian cho sự yểu điệu thục nữ. Hay nói cách khác, làm nữ đạo diễn là biết hy sinh thú vui làm đẹp, không trang điểm và tuyệt nhiên không bao giờ được xúng xính trong những bộ váy áo diêm dúa.

Đây cũng là kinh nghiệm đã được nữ đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai, Nhà hát Cải lương Việt Nam rút ra sau một lần thất thố trên sân khấu. Chả là, hồi mới vào nghề, vốn xuất thân từ dân viết văn, chị rất thướt tha điệu đà. Lần đầu đảm nhận vai trò đạo diễn, chị diện nguyên cả bộ váy. Chính cái thời trang kia đã hại chị. Chị muốn diễn viên đứng theo dáng thế này, ngã theo dáng thế kia và tất nhiên là đạo diễn phải trực tiếp thị phạm. Nhưng khốn nỗi do mặc váy nên cho dù nhiệt tình chỉ đạo chị vẫn cứ khiến những người đứng dưới cánh gà cười khúc khích.

Vậy nên, nếu ai đó một lần được đến nhà hát nhìn các nữ đạo diễn làm việc, hẳn không thể bắt gặp những người phụ nữ yếu đuối, xinh đẹp vẫn thấy trên ti vi. Lông mày nhíu lại, hò hét đến khản tiếng và trang phục thì đơn giản tới mức… không thể đơn giản hơn. Vào mùa hè, các chị cứ quần ngố, dép lê, áo phông đứng chỉ huy cả một ekip thực hiện. Vì thế, không một nữ đạo diễn nào muốn “lộ hình ảnh” của mình trong lúc dựng vở. Lý do thật đơn giản: “Xấu lắm”. Chỉ đến hôm công diễn, các chị lại quần áo tươm tất, son phấn xinh đẹp đứng chào khán giả ở cổng rạp. Thậm chí, nhiều khi do áp lực dựng vở đúng thời gian và một phần cũng do mệt mỏi quá, tấm màn nhung của cánh gà sân khấu bỗng dưng trở thành chiếc giường êm ấm cho một giấc ngủ trưa qua loa. Thế nên nếu là cô gái e lệ và nhẹ nhàng, tuyệt nhiên không bao giờ có thể thích nghi nổi với sự khắc nghiệt của một nghề dường như phù hợp với nam giới nhiều hơn.

Bệnh nghề nghiệp

Đạo diễn Phạm Thị Thành                                   Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai

Luôn đứng sau cánh gà và là người tạo nên linh hồn cho vở diễn, vì thế, những nhọc nhằn của nữ đạo diễn không mấy người được biết tới. Đã là phụ nữ, ai cũng muốn chăm lo cho gia đình, xây dựng một tổ ấm hạnh phúc nhưng nhiều khi do đặc thù nghề nghiệp, các chị buộc hy sinh hạnh phúc riêng để làm tròn vai trò của một người chỉ huy. Với đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai, trách nhiệm của người nghệ sỹ luôn thôi thúc chị sáng tạo và để có được vở diễn chất lượng chị không còn đủ thời gian để đảm đương việc nhà. Chị đã cùng với nhạc sỹ thức trắng 7 đêm liền chỉ để có được một kịch bản âm nhạc ưng ý. Đấy là chưa kể những đêm rét mướt, chị về nhà khi chồng con đã say giấc nồng.

So với anh em nam giới cùng nghề, phái đẹp thường thua kém về mặt sức khỏe nhưng về cái đầu nhất định không chịu thua. Nhiều mảng sáng tạo mang hơi hướng của sự nhẹ nhàng, cái nhìn trìu mến của phái nữ đã làm nên những vở diễn rất ấn tượng. Thế nhưng, để đưa ra những quyết định trước sự giằng co và phân trần của nhiều ý kiến trái chiều, các nữ đạo diễn buộc quyết liệt trong tư duy và hành động. Và họ còn là những người có sự phản ứng nhanh nhạy trước sự thay đổi bất ngờ của tình huống. NSND Phạm Thị Thành với một bề dày kinh nghiệm làm đạo diễn vẫn chưa thể nào quên được những pha bị đồng nghiệp giận dỗi, đột ngột ngừng hợp tác và mang theo đó là toàn bộ mô hình, market của vở diễn. Đứng trước tình huống tiến thoái lưỡng nan khi tiến độ hoàn thành đang đẩy lên cao thì sự nữ tính và dịu dàng của người phụ nữ lại trỗi dậy mạnh mẽ. Đó là cứ thủ thỉ, nhẹ nhàng nói khó với người ta, thế rồi bài toán khó cũng đã được giải quyết.

Vì đứng mũi chịu sào cho toàn bộ vở diễn nên tính cách quyết liệt của nữ đạo diễn nhiều khi cũng được các chị quên mất mà đem về nhà. Như đạo diễn  Phạm Thị Thành chia sẻ “trước kia, tôi về đến nhà thường có thói quen nói gì là muốn chồng con phục tùng ngay. Nhưng cũng may ông nhà tôi cũng hoạt động trong lĩnh vực sân khấu và thông cảm với vợ nên đã bỏ qua nhiều”. Có lẽ đấy là những thói quen nghề nghiệp mà nhiều khi vô ý các chị đã để lộ ra. Nhưng nói như vậy, không có nghĩa, nghề đạo diễn không mang lại cho các chị em những ưu điểm nổi trội hơn hẳn so với các nữ nhi thường tình khác. Con mắt nhìn của người đạo diễn luôn có ý đồ rõ ràng trong việc bày biện đồ đạc nên khách đến nhà thường rất ấn tượng với ngôi nhà nhỏ của các nữ đạo diễn. Vì vậy, nghề đạo diễn là một trong nhiều nghề đáng tự hào mà người phụ nữ đã có nhiều đóng góp. Dẫu biết rằng, sự hy sinh và vất vả với nghề có nói cũng khó làm cho người khác hiểu tường tận nhưng đã mang tình yêu với nghệ thuật, với sân khấu, người phụ nữ vẫn luôn dấn thân để khẳng định tài năng.