Hướng xử lý nhiều vấn đề “nóng”

ANTĐ - Mặc dù TP đã có chỉ đạo, cảnh báo nhưng số nợ xây dựng cơ bản vẫn tăng, có hay không sự chủ quan trong chỉ đạo, điều hành? Đâu là nguyên nhân của tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, lấn chiếm đất công, có hay không việc cơ quan quản lý làm ngơ?... Đó là những câu hỏi được ĐB HĐND TP Hà Nội nêu ra trong phiên chất vấn ngày 5-12.  

Trong ngày làm việc thứ 4, HĐND TP dành trọn thời gian cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn xoay quanh 3 nhóm vấn đề chính là kinh tế ngân sách, quản lý đất đai và xã hội, dân sinh.

Người dân trồng rau trên một dự án bỏ hoang tại quận Cầu Giấy, Hà Nội
Ảnh: PHÚ KHÁNH

Vẫn lo cháy nổ cây xăng

Trước khi tiến hành chất vấn trực tiếp, các ĐB đã nghe ông Nguyễn Văn Nam - Uỷ viên Thường trực HĐND TP báo cáo tóm tắt tổng hợp kiến nghị của cử tri tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8 HĐND TP.  Tiếp đó, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện kết luận tại phiên chất vấn của Chủ tịch HĐND TP kỳ họp thứ 7. 

Ở phần tái chất vấn, ĐB Nguyễn Hoài Nam (quận Hai Bà Trưng) bày tỏ lo lắng về việc bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy tại các cây xăng chưa đủ điều kiện trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay. ĐB Nguyễn Hoài Nam kiến nghị. 

“Biện pháp lý thuyết thì nhiều nhưng thực tế kiểm tra mới phát hiện không đủ điều kiện kinh doanh. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa lực lượng phòng cháy chữa cháy với quận huyện như thế nào để đảm bảo an toàn?  UBND TP cần chỉ đạo việc thanh tra, kiểm soát chặt chẽ hơn”.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh chia sẻ, đối với Thủ đô Hà Nội, yếu tố hạ tầng kỹ thuật do lịch sử để lại đang đặt ra nhiều vấn đề như các xe PCCC không thể tiếp cận các hộ dân trong ngõ ngách nhỏ, nhà cao. TP đang trong giai đoạn tập trung nguồn lực cho các phương tiện, thiết bị giúp phòng cháy chữa cháy tốt hơn. “Với kinh doanh xăng dầu, UBND TP đã giao các sở, ngành liên quan rà soát lại toàn bộ cửa hàng xăng dầu trên địa bàn, yêu cầu tất cả các cơ sở chưa đủ điều kiện phải hoàn chỉnh, nếu không sẽ dừng hoạt động”, Phó Chủ tịch UBND nhấn mạnh. 

Báo động nợ xây dựng cơ bản

Báo cáo về tình trạng nợ xây dựng cơ bản (XDCB), ông Ngô Văn Quý – Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư cho biết, tính đến thời điểm 30-6-2013, TP có 31 đơn vị có khối lượng thực hiện XDCB vượt kế hoạch giao chưa được thanh toán gồm 2.243 dự án với số vốn đầu tư hơn 3.246 tỷ đồng. Nguyên nhân là do nhu cầu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng từ nguồn vốn ngân sách lớn, trong khi đó nguồn vốn cân đối có hạn. Ngoài ra, quá trình triển khai dự án, phía chủ đầu tư mong muốn đẩy nhanh tiến độ dự án, nhà thầu muốn có việc làm và tự nguyện ứng vốn thi công vì vậy dẫn đến tình trạng khối lượng thực hiện vượt kế hoạch vốn giao...

Liên quan tới vấn đề này, ĐB Phạm Thị Thanh Mai (Hà Đông) đưa ra câu hỏi chất vấn: “Số nợ XDCB hiện nay đã tăng đến hơn 3.000 tỷ đồng, theo cá nhân tôi đã thực sự đáng lo ngại và báo động. Tại sao TP đã chỉ đạo, cảnh báo mà số nợ vẫn tăng? Có hay không sự chủ quan trong chỉ đạo, điều hành? Trong bối cảnh thu ngân sách gặp khó khăn, dự báo sẽ còn khó khăn trong 2014, có hay không việc chạy theo thành tích, gây áp lực chỉ tiêu giao quá cao ở một số nơi mà ngân sách không có khả năng đáp ứng?”. ĐB Nguyễn Xuân Diên chất vấn thêm: “Để phát sinh nợ XDCB thì việc xử lý những người có trách nhiệm trong việc chưa được duyệt vốn dự án nhưng đã ký thực hiện dự án như thế nào?”.

Trả lời cho các câu hỏi chất vấn, ông Ngô Văn Quý – Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư cho biết, tỷ lệ nợ đầu tư xây dựng cơ bản tăng lên là do 3 nguyên nhân, đối tượng nợ tăng lên, một số huyện báo cáo tăng và có 10 đơn vị có kê khai thêm nợ. Việc một số chủ đầu tư còn cho triển khai dự án khi chưa có kế hoạch vốn bố trí, ông Ngô Văn Quý khẳng định từng quận, huyện, đơn vị phải kiểm điểm nghiêm túc.

Trước phần trả lời chưa đi đến cùng vấn đề, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh thẳng thắn nêu câu hỏi chất vấn: “Bệnh nợ XDCB có chữa được không? Giải pháp gì và lúc nào thì chữa xong?”. Trả lời câu hỏi này, ông Ngô Văn Quý cho biết, để chấm dứt nợ XDCB hoàn toàn là rất khó. Tuy nhiên, nếu TP quyết liệt, các quận, huyện, sở, ngành thực hiện nghiêm thì tin rằng xử lý được.

Sau phần chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt đánh giá: “Xoay quanh nội dung nợ xây dựng cơ bản, những câu hỏi của ĐB nêu ra rất sát, các câu hỏi vừa là nêu vừa là nhắc nhở, đề xuất, gợi ý trong các giải pháp khắc phục”. 

“Qua giám sát của Thường trực HĐND, khi đoàn giám sát về các quận huyện, một số đồng chí lãnh đạo quận huyện còn nói là doanh nghiệp tự bỏ vốn, rồi cam kết bao giờ có thì trả thì sao lại ngăn không cho. Có đồng chí cho rằng việc này xã tự lo được, huyện tự lo được. Điều đó cho thấy nhận thức chưa tốt, việc cấm nhà thầu ứng vốn thi công đã được ghi vào luật và được nhắc nhở nhiều. Ngoài gây phát sinh nợ cho ngân sách thì đằng sau đó phát sinh nhiều vấn đề như kiện tụng, khiếu nại, đơn thư. Với nhận thức kém như vậy cần phải có chỉ đạo quán triệt sâu sắc hơn”, Phó Chủ tịch HĐND  nhấn mạnh. 

Quản lý đất đai: Có lúc, có nơi buông lỏng

Liên quan tới vấn đề quản lý đất đai, trật tự xây dựng đô thị, ĐB HĐND TP chất vấn: “Đề nghị UBND TP cho biết có hay không tình trạng để hoang hóa, chuyển nhượng trái pháp luật, lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở TP?”. 

Ở phần chất vấn trực tiếp, ĐB Phạm Xuân Tài (Thường Tín) hỏi: “Có phải đã có sự buông lỏng quản lý trong lĩnh vực này? Đến nay vẫn chưa có kết quả xử lý vi phạm, đây có phải là sự chậm vào cuộc và giải quyết không hiệu quả của UBND TP hay không?”.

Trả lời cho các câu hỏi trên, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho biết: “Tình trạng để hoang hóa, chuyển nhượng trái pháp luật, lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp là thực trạng bức xúc ở một số địa phương. Mấy năm gần đây, Thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nên tình trạng này đã được khắc phục, có nhiều chuyển biến. Để khắc phục, UBND TP đã và đang chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp, đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã tiến hành thanh tra, kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với từng trường hợp theo quy định của pháp luật”.

“Việc quản lý đất đai theo quy định là quản lý nhà nước thường xuyên các cấp chính quyền đã tập trung quản lý, càng gần đây càng chặt chẽ hơn. Có nơi, có lúc buông lỏng chúng tôi có kiểm tra và xử lý. Nguyên nhân để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất công, làm nhà trên đất nông nghiệp là quản lý nhà nước. Những trường hợp vi phạm lớn phải có thanh tra xử lý kể cả xử lý cán bộ”, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh thẳng thắn cho biết.   

ĐB Phạm Xuân Tài (Thường Tín): Tiếp tục theo sát việc thực hiện lời hứa

Hướng xử lý nhiều vấn đề “nóng” ảnh 2

“Trong lĩnh vực đất đai, tôi thấy thông tin trả lời của UBND TP đã đầy đủ, rõ ràng. Về các giải pháp, nhìn chung cũng tương đối rõ nhưng quan trọng là khâu thực hiện sau này như thế nào. Tôi nghĩ, UBND TP cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Mỗi đại biểu HĐND TP đều hy vọng việc giám sát của mình phải có kết quả là cơ quan chấp hành phải thực hiện nghiêm túc. Với chức năng, quyền hạn của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục đeo bám vấn đề, theo sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên UBND TP tiếp theo”.

ĐB Nguyễn Tùng Lâm (Đống Đa): Chưa rõ giải pháp phối hợp 

Hướng xử lý nhiều vấn đề “nóng” ảnh 3

Nhiều câu được khen là rõ, song một số câu còn né tránh, chưa trả lời hết được ý đại biểu mong muốn. Đặc biệt, theo tôi, các giải pháp nêu ra là chưa đủ. Lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm chẳng hạn. Một mâm cơm, 3 cơ quan cùng quản lý. Vậy điều cử tri và ĐB HĐND TP mong muốn là giải pháp mà 3 cơ quan cùng phối hợp thực hiện như thế nào để mâm cơm đó an toàn. Quảng cáo về thực phẩm cũng thế. Sao lại để họ tự tung tự tác quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng. Vậy cơ quan quản lý đã ở đâu khi họ làm vậy? Đó mới là những nội dung mà ĐB HĐND TP cần làm rõ”.

ĐB Nguyễn Đình Dương (Từ Liêm): Nhiều vấn đề cần thời gian để làm rõ

Hướng xử lý nhiều vấn đề “nóng” ảnh 4

“Vấn đề nợ xây dựng cơ bản và các dự án xây dựng - chuyển giao quan trọng và phức tạp. Do vậy, không phải dễ trả lời cũng như xử lý. Trong phần báo cáo có nguyên nhân khách quan, chủ quan song vấn đề là khắc phục nợ đọng như thế nào, nhanh hay chậm... Tôi cho rằng trả lời của lãnh đạo UBND TP, Ủy viên của UBND TP cơ bản chấp nhận được. Tất nhiên, còn một số khía cạnh phức tạp cần có thời gian nghiên cứu đầy đủ và trả lời thêm. Thực tế, có những vấn đề không phải chỉ mấy phút là trả lời được, cần có thời gian tổng kết, đánh giá thận trọng”.