Nghệ sĩ khẩu thuật Tuấn Tuấn:

Họng tốt làm chim, họng khản làm… bò

ANTĐ - Một tiếng chim hót, một tiếng vịt kêu, một tiếng chó cắn, cho đến tiếng cả đoàn tàu đang chạy hay tiếng sóng biển rì rào... đều có thể phát ra từ miệng người nghệ sĩ này. Chính vì thế, anh còn được mệnh danh là người nói được nhiều “ngoại ngữ” nhất.

Nghệ sĩ Tuấn Tuấn 

Chiến sỹ đa năng          

                      

Mộc mạc và gần gũi, đó là cảm giác của tôi khi tiếp xúc với Tuấn Tuấn. Anh hồn hậu kể chuyện đời, chuyện nghề, những vui buồn sau cánh gà, cảm giác như không có gì để giữ cho riêng mình. Sinh năm 1957, tại Bắc Giang, tuổi thơ của Trần Anh Tuấn (tên thật của nghệ sĩ Tuấn Tuấn) gần gũi với thiên nhiên cây cỏ, chim muông. Đó cũng là cảm hứng để sau này anh mang cả “thế giới trẻ thơ” về phố.

Lớn lên, nhập ngũ, Tuấn Tuấn được phân công làm nhân viên câu lạc bộ của Trung đoàn ra đa 293. Anh nhanh chóng hoà nhập với đời sống người chiến sĩ. Lính trẻ hồn nhiên và vô tư, bản tính lại tếu táo, anh có sở thích bắt chước đủ thứ, từ giọng nói các vùng miền, hát dân ca, hát giả giọng nữ vì thế chẳng mấy chốc anh đã là thành viên tích cực trong phong trào văn nghệ tại đơn vị. Tuấn Tuấn thường được Quân chủng Phòng không khi ấy “mượn” lên tham gia vào đội văn nghệ xung kích đi biểu diễn cho bộ đội. Dần dần, sau này thì Cục Chính trị đã “xin” hẳn bằng cách chuyển anh về Đoàn Văn công Phòng không. Được phát triển đúng sở trường, Tuấn Tuấn đã nhanh chóng trưởng thành trong đội hình của đoàn, anh vừa tham gia hát, đóng kịch, tự sáng tác ca khúc, rồi một mình trình bày một bài hát bằng hai giọng nam nữ, khán giả nghe cứ tưởng song ca nhưng nhìn lên sân khấu lại chỉ thấy có một người. Với vai trò ca sĩ, Tuấn Tuấn cũng đã giành được những thành công nhất định. Thế nhưng để trở thành một nghệ sĩ khẩu thuật thì không chỉ có thế. 

Năm 1989, để phong phú hoá chương trình biểu diễn của đoàn, phục vụ bộ đội tốt hơn, Đoàn nghệ thuật Phòng không đã mời nghệ sĩ khẩu thuật Tiến Tiến của Liên đoàn Xiếc Việt Nam về dạy cho anh em trong đoàn một số tiết mục. Trước đó Tuấn Tuấn đã nổi tiếng là người đa năng, hát, đóng kịch, hài anh đều tham gia, nên rất sẵn lòng học để “giắt lưng” thêm môn khẩu thuật. Tuấn Tuấn đã học rất nhanh, và như khơi trúng mạch nguồn đam mê, anh đã nhanh chóng “lượm hết vốn của thầy” và tự mình sáng tạo thêm nhiều “chiêu” độc đáo nữa. Chắc hẳn khán giả truyền hình còn nhớ trong loạt chương trình “Bắc Nam cùng cười” vài năm trước. Trên sân khấu rạp xiếc Hà Nội, hai nghệ sĩ Tiến Tiến và Tuấn Tuấn đã trình diễn những tiết mục độc đáo mang đến cho khán giả những tiếng cười thú vị. Nghe những âm thanh của thiên nhiên như tiếng gió, tiếng mưa, tiếng nước chảy, tiếng sóng cùng với những tiếng chim, tiếng gà... mỗi người như được trở về với vùng quê thanh bình, êm ả của ký ức. Chương trình “Chuyện lạ Việt Nam” của VTV năm 2006 cũng đã có lần giới thiệu Tuấn Tuấn là người đàn ông nhại được nhiều tiếng loài vật nhất. Và hiện nay Tuấn Tuấn vẫn giữ kỷ lục này trong Bộ sách về kỷ lục Việt Nam. 

Thực ra thì khả năng và đối tượng công chúng của anh còn đi xa hơn vai trò “hoạt náo viên” cho khán giả nhí, thế nhưng đây lại là công việc mà Tuấn Tuấn yêu thích. Anh bảo, đến đúng với đối tượng khán giả cần mình mới là quan trọng. Vì thế, chương trình biểu diễn của Tuấn Tuấn chủ yếu là phục vụ các em nhỏ. Sau khi rời môi trường quân đội, Tuấn Tuấn hoạt động tự do, nhận lời biểu diễn cho các đoàn nghệ thuật. Vậy ngoài trẻ em thì còn đối tượng nào là khán giả “ruột” của anh? “Tất nhiên là bộ đội” - Anh trả lời ngay tức khắc. Anh cho biết, nếu có nhiều lời mời cùng một lúc thì bao giờ đối tượng ưu tiên cũng là các chiến sĩ và trẻ em. “Đi diễn ở các đơn vị nếu ai hỏi có yêu cầu gì không, tôi chỉ yêu cầu cho tôi ăn thêm bát phở, hoặc nếu ăn cháo gà thì cho tôi ăn thêm bát cháo gà...” - Tuấn Tuấn tếu táo. Chỉ thế thôi, đến với các đơn vị bộ đội, "cát sê" của người nghệ sĩ chính là sự cổ vũ hết mình và những tình cảm của người chiến sĩ dành cho họ. 

Cuộc đời đầy ắp tiếng cười

Năm 2007, Viện Goethe của CHLB Đức đã phối hợp với Nhà hát Kịch Việt Nam dựng vở “Bà tỉ phú về thăm quê”. Phần âm thanh các chuyên gia nước bạn đã yêu cầu không dùng nhạc cụ mà phải là âm thanh do chính các nghệ sĩ của Nhà hát kịch tạo ra bằng khẩu thuật và yêu cầu mời nghệ sĩ khẩu thuật giỏi nhất của Việt Nam làm cố vấn. Cuối cùng Tuấn Tuấn đã được mời làm giáo viên hướng dẫn khẩu thuật cho các nghệ sĩ. Sau đó, vở kịch mang tính chất thử nghiệm và giao lưu văn hoá này đã được khán giả Thủ đô đón nhận với những sắc màu riêng độc đáo. 

Những âm thanh tưởng rằng chỉ dành cho sân khấu ấy đã len lỏi và ăn sâu vào cả cuộc sống thường nhật của Tuấn Tuấn. Đi làm về, gọi cửa anh không bấm chuông mà cũng dùng tiếng huýt, đứng chờ vợ đi mua hàng ở chợ, cần gọi cũng dùng tiếng huýt, đến quán bia quen, gọi nhân viên phục vụ cũng bằng tiếng huýt. Nghe những âm thanh ấy, mọi người biết ngay là Tuấn Tuấn gọi. Tuấn Tuấn chứ không phải ai khác. Tuấn Tuấn quan niệm, cuộc sống luôn cần những tiếng cười. Nên mang đến cho khán giả tiếng cười để mọi người vui thì mình cũng cảm thấy vui.

Để có được những tiết mục khẩu thuật ấn tượng biểu diễn trên sân khấu không phải là điều dễ dàng. Nếu như người ca sĩ phải giữ gìn, bảo quản cổ họng rất kỹ càng thì với nghệ sĩ khẩu thuật lại phải... phá họng ghê gớm. Việc ghìm giọng để “nặn” ra những âm thanh trầm bổng, với những âm sắc, âm điệu rất khác nhau khiến cơ họng lúc nào cũng phải lên gân, làm việc hết cỡ. Nhiều lần, kết thúc buổi biểu diễn, họng của Tuấn Tuấn đã toé máu. Còn việc bị khản tiếng với anh là... thường. Anh bảo, những hôm nào khản giọng thì không thể “làm chim”, vì “làm chim” đòi hỏi âm cao và thanh, họng khản chỉ có thể “làm bò” với những cung trầm vang vọng. Phải nghỉ vài ngày mới lấy lại được phong độ. Nếu đang khản giọng thì dù có lời mời cũng không dám nhận. 

Cái được lớn nhất trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của anh là gì? Không ngần ngại, Tuấn Tuấn bộc bạch: “Là được khán giả nhớ đến. Nhiều khi tôi đi đến đâu đó có bạn trẻ thì bảo “chú làm chủ hôn đám cưới của cháu đấy”, có bạn thì bảo “ngày cháu đi học mẫu giáo bác đã vào biểu diễn cho chúng cháu xem ở trong trường”. Dù đi chợ, ngồi quán cà phê, thậm chí quán bia cũng có người nhận ra. Đó là điều mà Tuấn Tuấn vui nhất, dù cho điều đó có giản dị. Vâng, giản dị như chính con người và phong cách sống của anh.