Hồng Nga - “mẹ” của 4 thế hệ nghệ sĩ

ANTĐ - Đó là câu nói vui của nghệ sĩ Hồng Nga khi nhìn lại chặng đường nghệ thuật của mình. Câu nói đã phần nào khái quát được nét đặc biệt trong phong cách và sở trường diễn xuất của bà - chuyên những vai đào mụ từ sân khấu cải lương cho đến sân khấu kịch.

Nghệ sĩ Hồng Nga vai bà Tư trong “Tiếng hò sông Hậu”

Đào mụ - mối duyên kỳ lạ

Ngay từ những ngày thơ ấu, Hồng Nga đã nhen nhóm tình yêu cải lương với thần tượng là ông Vua vọng cổ Út Trà Ôn. Không chỉ có niềm yêu thích, Hồng Nga còn có được giọng hát trời cho ngọt ngào nên nhanh chóng được nghệ sĩ Tám Đen nhận làm con nuôi và truyền nghề. Cũng chính từ cái nôi này, khả năng ca diễn của Hồng Nga ngày càng được trau dồi để cuối cùng, bà cũng được thỏa ước nguyện của mình khi được về đoàn Thống Nhất diễn xuất bên cạnh thần tượng Út Trà Ôn.

Đứng bên cạnh những tên tuổi đương thời như Diệu Hiền, Bạch Tuyết,  nghệ sĩ Hồng Nga lúc bấy giờ dường như lép vế hơn vì dù có giọng ca mượt mà nhưng lại bị hạn chế về sắc vóc. Cũng có lẽ vì lý do đó mà nghệ sĩ Út Trà Ôn quyết định giao vai đào mụ cho Hồng Nga. Và mối duyên này đã gắn liền với bà trong suốt chặng đường nghệ thuật 50 năm qua. Như chính bà chia sẻ, bà đã “làm mẹ” của 4 thế hệ nghệ sĩ khác nhau trên sân khấu. Khởi nghiệp, Hồng Nga đã được giao “làm mẹ” của nghệ sĩ Út Trà Ôn. Nhiều năm sau, Hồng Nga tiếp tục thủ vai mẹ của thế hệ nghệ sĩ Minh Phụng, Minh Vương, Bạch Tuyết. Sau đó, bà lại làm mẹ của lứa nghệ sĩ cải lương mới như Vũ Linh, Thanh Ngân, Kim Tử Long. Và với thế hệ thứ 4, trên sân khấu, bà tiếp tục trở thành mẹ của lớp nghệ sĩ trẻ của sân khấu kịch như Anh Vũ, Gia Bảo… Khó có nghệ sĩ nào có được mối duyên nghệ thuật kỳ lạ và thú vị như nghệ sĩ Hồng Nga.

Giọng hát của Hồng Nga vốn dĩ không có được cái yểu điệu, mượt mà thường thấy của những cô đào nhưng lại được trời phú nét thâm trầm, mùi mẫn và nét run rẩy ai oán. Có lẽ chính vì vậy mà giọng hát này gần như được đóng khung trong những vai đào mụ với những tính cách hiền hậu và số phận buồn bã, bi thương. Họa hoằn lắm khán giả mới thấy được Hồng Nga có một vai đỉnh cao mà không phải làm mẹ người khác, đó chính là vai diễn Hân Ly trong vở “Cô gái đồ long”. Ở đó, giọng hát trầm ấm man mác buồn khổ của Hồng Nga đã làm nỗi bi thương trong số phận cô gái yêu không được hồi đáp, gặp nhiều bất hạnh tăng thêm nhiều lần để gây được ấn tượng không bao giờ phai trong lòng khán giả.

Muốn được diễn đến phút cuối

Ở một góc nhìn nào đó, Hồng Nga, Ngọc Giàu và Kim Ngọc đều có con đường sự nghiệp khá giống nhau. Khởi điểm và đạt được đỉnh cao trên sân khấu cải lương, nhưng theo thời gian, cùng với sự thoái trào của sân khấu dân tộc, cả ba cô đào nổi tiếng đều phải tìm cách sống với nghề bằng cách chuyển sang sân khấu kịch và đặc biệt là sân khấu hài. Tuy nhiên khác với hai người bạn đồng nghiệp, duyên hài của Hồng Nga cũng gắn liền với mối duyên trong những vai mẹ và giờ đây còn có thêm vai bà.

Nếu trên sân khấu cải lương, Hồng Nga đã có được những vai ấn tượng như mẹ của The (Nửa đời hương phấn), mẹ của Nguyệt (Tô Ánh Nguyệt), bà Hai Hương (Đời cô Lựu)… thì trên sân khấu kịch bà cũng có được những đỉnh cao riêng của mình. Bà đã từng được cố NSND Bảy Nam truyền cho vai diễn kinh điển là mẹ của Diệu (Lá sầu riêng). Bên cạnh đó, như chính bà tâm sự, bà luôn thích vai diễn người mẹ trong vở kịch “Mẹ yêu”, trong đó theo như cách bà tả: “Nước mắt khán giả mới kịp trào ra chưa kịp chảy xuống thì đã phải phá lên cười”. Cũng trên sân khấu kịch này, nghệ sĩ Hồng Nga khiêm tốn chia sẻ rằng bà cũng phải học nghề từ những lứa diễn viên đàn em, đàn cháu để hoàn thiện thêm kỹ năng diễn xuất của mình.

Chia sẻ về những ước mơ cuối cùng của mình, nghệ sĩ Hồng Nga cho biết bà không còn mong muốn gì hơn là sẽ tiếp tục được hát, được diễn cho khán giả xem và có thể chết trong khi biểu diễn cũng như nghệ sĩ Kim Ngọc. Bà cho rằng, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của một người nghệ sĩ khi đến những giây phút cuối đời vẫn còn có thể gặp gỡ khán giả, và chết trên thánh đường nghệ thuật của mình.