Hơn cả một cuộc thi!

(ANTĐ) - 146 tác phẩm dự thi, trong đó có 60 tác phẩm được xuất bản, tiệm cận với bạn đọc và cuộc sống là thành quả được ghi nhận từ cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” giai đoạn 2007 - 2010 do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức.

Cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký "Vì an ninh Tổ quốc 2007-2010":

Hơn cả một cuộc thi!

(ANTĐ) - 146 tác phẩm dự thi, trong đó có 60 tác phẩm được xuất bản, tiệm cận với bạn đọc và cuộc sống là thành quả được ghi nhận từ cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” giai đoạn 2007 - 2010 do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức.

Nguyễn Xuân Thủy, giải A cho tiểu thuyết "Sát thủ online"
Nguyễn Xuân Thủy, giải A cho tiểu thuyết "Sát thủ online"

Những góc nhìn mới lạ

3 năm là khoảng thời gian đủ dài cho sự chào đời của một tác phẩm văn học, nhất là với mảng đề tài tương đối chuyên biệt và khó viết về hình tượng người chiến sĩ công an mà sân chơi văn học này đặt ra.

Song nói như nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - thành viên Ban Chung khảo cuộc thi, nếu có thêm thời gian thì các tác giả vẫn có thể viết tiếp và dĩ nhiên những trang viết ấy chắc chắn không dừng lại ở đó mà sẽ tiếp tục tuôn chảy.

Đó có lẽ cũng là lý do khiến chị và nhiều nhà văn đôi lúc bị cuốn vào mạch chuyện mà quên mất mình đang thẩm định tác phẩm ở vị trí “cầm cân nảy mực”. Và hơn cả, ở vị trí một độc giả, họ đã bị chinh phục trước hình ảnh tin cậy và gần gũi của những người chiến sĩ công an đang ngày đêm giữ bình yên cho cuộc sống hiện lên qua từng trang sách - không khô khan, cứng nhắc mà sinh động và gần gũi lạ thường.

 Cho dù đó là hình ảnh một giám đốc công an tỉnh vừa kiên quyết, vừa khôn khéo và thủy chung với nghĩa tình đồng đội hay người chiến sĩ trẻ đã gạt bỏ những tình cảm riêng tư để đấu tranh phá án và chống lại tội phạm... tất cả đều vượt  khỏi trang sách bước ra ngoài đời thực.

Đáng nói hơn khi cuộc vận động sáng tác lần này xuất hiện rất nhiều cây bút trẻ, trong số ấy có những người viết chuyên nghiệp, cũng có người hoàn toàn mới. Hai tác giả được trao giải nhất chung cuộc tại buổi tổng kết và trao giải diễn ra hôm qua 21-1 tại Hội trường Bộ Công an là minh chứng.

 Nếu như tác giả Xuân Thủy với tác phẩm “Sát thủ online” đã có một gia tài tác phẩm kha khá trước khi đến với cuộc thi này thì cô gái trẻ thuộc thế hệ 8X Chu Thanh Hương lại là kẻ ngoại đạo với văn chương. Đặc biệt hơn khi Thanh Hương xuất thân là một chiến sĩ công an hiện đang công tác tại Phòng PX15, Công an tỉnh Lạng Sơn. Lần   đầu chạm ngõ văn chương, song cây viết trẻ này đã vượt qua nhiều    tên tuổi lớn khác giành về giải nhất với cuốn tiểu thuyết đầu tay “Hoa bay”.

Còn với riêng tác giả Xuân Thủy, niềm vui dường như được nhân lên khi anh vinh dự nhận giải A cuộc thi cho cuốn tiểu thuyết “Sát thủ online” vào đúng  ngày sinh nhật lần thứ 33 của mình và được nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ ngỏ ý hợp tác  chuyển thể cuốn tiểu thuyết này thành phim truyền hình. Khác so với nhiều cuộc vận động sáng tác khác, anh đến với cuộc thi, viết “Sát thủ online” không giống như một sự đặt hàng mà hoàn toàn bằng cảm xúc và sự trải nghiệm thực tế.

Những cung bậc cảm xúc

Bên cạnh sự xông xáo, những cây viết trẻ còn phả vào cuộc thi lần này luồng gió mới bằng cách tiếp cận và thể hiện rất riêng. Đó là ẩn sau mỗi tác phẩm không chỉ có những cuộc săn lùng truy đuổi, trấn áp tội phạm mà còn có những lý giải thuyết phục những con đường dẫn đến tội ác của tội phạm, chỉ ra căn nguyên xã hội làm nảy sinh cái ác.

Nhiều tác phẩm trong số đó còn đánh dấu sự trở lại của một trong những thể loại từng có trong văn học nước nhà nhưng còn chưa phổ biến, đó là những cuốn tiểu thuyết mang màu sắc trinh thám kỳ ảo và huyền bí như: Trại hoa đỏ (Di Li), Ổ buôn người (Giản Tư Hải), Mật danh Azet (Phạm Thanh Khương)...

Đứng trước những câu chuyện lúc lãng mạn bay bổng, lúc gai góc và đầy ly kỳ, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ nói vui đã có lúc chị tưởng như bị ngộp khi ở vị trí người thẩm định tác phẩm. Song cũng may, bạn học phổ thông cùng thời chị có rất nhiều người làm cảnh sát hình sự và chính chị đã chứng kiến sự hy sinh thầm lặng và cả những nỗi   đau riêng mà họ phải gánh chịu.

Tại buổi tổng kết trao giải diễn ra hôm qua 21-1, cùng với 2 tác phẩm đạt giải A, Ban tổ chức cũng đã trao 4 giải B cho các tác phẩm: Phiên bản (Nguyễn Đình Tú), Chạy án (Như Phong), Mặt nạ để đời (Nguyễn Hiếu), Điệp báo A10 (Nông Huyền Sơn); 4 giải C cho các  tác phẩm: Trại hoa đỏ (Di Li), Chảo lửa (Võ Bá Cường), Ổ buôn người (Giản Tư Hải), Ông cò Ba Hương (Diệp Hồng Phương).

Ngọc Hà

Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Minh Chính:

“Đó là những chiến công không viết bằng lời!”

Sự hy sinh của người chiến sĩ CAND có cái vô hình, có cái hữu hình, có cái đếm được, có cái không bao giờ đếm được, có cái bằng vật chất, có cái bằng tinh thần.

 Nếu không có văn học thì khó mà phác họa và chuyển tải được hình ảnh người chiến sĩ công an trong lòng nhân dân mặc dù cuộc sống và cuộc chiến đấu của họ vẫn diễn ra thầm lặng và quyết liệt. Đó là những chiến công không viết bằng lời. Cuộc thi đã đáp ứng được sự quan tâm của các giai tầng trong xã hội khi giúp họ hiểu hơn về sự chiến đấu và hy sinh của những người chiến sĩ trong công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia. Không chỉ vậy, đây còn là dịp để khơi dậy cảm xúc của các nhà văn với một lĩnh vực rất đặc thù - bảo vệ bình yên cuộc sống.