“Hội thề”- không chỉ là chuyện kể lịch sử

(ANTĐ) - Chọn thời điểm cuối cùng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, khi đại quân đóng ở trại Bồ Đề để nhìn sang bên kia sông Hồng, đạo quân của tổng binh Vương Thông đang thoi thóp trong thành Đông Quan.

“Hội thề”- không chỉ là chuyện kể lịch sử

(ANTĐ) - Chọn thời điểm cuối cùng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, khi đại quân đóng ở trại Bồ Đề để nhìn sang bên kia sông Hồng, đạo quân của tổng binh Vương Thông đang thoi thóp trong thành Đông Quan.

Nhà văn Nguyễn Quang Thân
Nhà văn Nguyễn Quang Thân

Nhưng không vì giặc đến đường cùng mà tận sát, nhà văn Nguyễn Quang Thân đã khắc họa tấm lòng “lấy chí nhân để thay cường bạo” trăn trở suốt 400 trang tiểu thuyết “Hội thề” của Nguyễn Trãi.

Kịch bản “Hội thề” của nhà văn Nguyễn Quang Thân đã đoạt giải A trong Cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện lịch sử Thăng Long nhằm tìm ra kịch bản phim hay cho dự án phim kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Song song với kịch bản này, nhà văn Nguyễn Quang Thân cũng viết tiểu thuyết “Hội thề” trên tinh thần của kịch bản. Mất gần 4 năm (từ 9-2004 đến 3-2008), có thể nói, “Hội thề” chứa đựng bao tâm huyết và sự kỳ công của nhà văn.

Nguyễn Trãi được Nguyễn Quang Thân khắc họa như một điển hình của sỹ phu Bắc Hà, nho nhã trong từng lời ăn tiếng nói. Từng hành động cử chỉ, suy nghĩ của ông, khi đánh cờ, khi viết thư dụ hàng Vương Thông, khi làm chủ tế trong lễ hiến sinh hoàng hậu Ngọc Lữ cho Hà Bá để động viên tinh thần quân sỹ... đều toát lên một niềm đau đáu là làm sao để bớt đổ máu, bớt thương vong và hận thù. Nhưng trái lại, các tướng lĩnh Lam Sơn, qua sự tái hiện của Nguyễn Quang Thân, là những người mang đậm tính cách võ biền, ít học, thô lỗ. Họ thật sự là những chiến binh dũng cảm khi đối mặt với quân xâm lược. Nhưng trong khí thế xung trận hừng hực của họ, ngoài phần căm thù còn có phần rất đậm của những bản năng hoang dã.

Bởi vậy, trong cuộc chiến tranh này, Nguyễn Trãi không chỉ phải giải quyết mâu thuẫn giữa ta và địch, mà ông cũng phải đối mặt với những sự tị hiềm, phản đối từ chính phía những người cùng chiến tuyến với mình. Trong những lúc khó khăn như vậy, bà Nguyễn Thị Lộ được Lê Lợi đặc cách cho vào doanh trại cùng ông, bà đã trở thành người xoa dịu bớt những nỗi buồn phiền để ông tiếp tục sự nghiệp vì dân, vì nước.

Nhà văn Nguyễn Quang Thân bộc bạch: “Tôi vốn mê sử từ nhỏ, mê lắm, nếu không viết văn có lẽ tôi đã là người nghiên cứu sử”. Để viết “Hội thề”, ông đã phải đọc khá nhiều, phải tự vẽ ra những bản đồ quân sự, vào cả Google Earth để hình dung địa thế vùng Xương Giang, nghiên cứu các cuốn sách của Giáo sư Phan Huy Lê viết về khởi nghĩa Lam Sơn với mong muốn, tiểu thuyết lịch sử không chỉ là “chuyện kể lịch sử”.

Hương Giang