Hội thảo "Văn Cao - Mùa chữ, mùa người" nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ Văn Cao (1923-2023), Ban Văn học Nghệ thuật VOV6 sẽ tổ chức hội thảo "Văn Cao - Mùa chữ, mùa người" nhằm làm rõ những cống hiến của người nghệ sĩ tài hoa ở các tác phẩm thơ.

Nhân dịp này, cuốn sách "Văn Cao mùa chữ mùa người" đã kịp thời ra mắt bạn đọc trước ngày hội thảo. Đây là cuốn sách tập hợp 21 bài viết ở thể loại tiểu luận - nghiên cứu của 21 tác giả, do Ban Văn học Nghệ thuật (VOV6), Đài Tiếng nói Việt Nam là cơ quan chủ biên, tập hợp bản thảo và thiết kế, trình bày sách.

Qua một loạt các bài viết của Lê Huy Quang, Văn Giá, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Hoài Nam, Thiên Sơn, Phùng Gia Thế, Phạm Xuân Thạch... người đọc có một cái nhìn tổng thể về hành trình thơ Văn Cao cùng những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của ông.

Hội thảo diễn ra vào lúc 8 giờ 30 ngày14/11 tại trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ, Hà Nội.

Nhạc sĩ Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh tại Hải Phòng trong một gia đình viên chức nghèo. Cha mất sớm, Văn Cao sống với mẹ và anh ruột tại một khu lao động nghèo cạnh bờ sông Hải Phòng, và trưởng thành trong cảnh đói khổ, thiếu thốn.

Cố nhạc sĩ Văn Cao

Cố nhạc sĩ Văn Cao

Từ đầu thập niên 40, ông chuyển lên Hà Nội lập nghiệp, bắt đầu nhận vẽ tranh quảng cáo và sáng tác nhạc trong một căn gác nhỏ, ọp ẹp (số 45 Nguyễn Thượng Hiền hiện nay), nhìn sang phố Khâm Thiên và chứng kiến bao cảnh đời khốn khổ, tài năng thiên phú của Văn Cao nở rộ trên phương diện âm nhạc.

Bên cạnh hội hoạ, Văn Cao còn viết truyện ngắn, phóng sự và kịch. Ông cũng là một nhà thơ với những cách tân trong thi ca, với những thi phẩm mang âm hưởng lạ và có phần mới hơn Thơ Mới như "Đêm mưa", "Một đêm đàn lạnh trên sông Huế", "Ai về Kinh Bắc", "Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc"...

Tài năng thiên bẩm của Văn Cao trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật đã khiến nhà thơ Thanh Thảo, một trong ba người được tác giả uỷ thác biên tập và lựa chọn các thi phẩm để in trong tập (năm 1988), phải thốt lên: “Trong một Văn Cao có quá nhiều Văn Cao: Văn Cao thơ, Văn Cao hoạ, Văn Cao hiệp sĩ, Văn Cao Quốc ca. Một Văn Cao đa tài, đa nguyên, đa nạn. Một Văn Cao lặng lẽ như chén rượu mỗi sớm, lặng lẽ như những dòng chữ lít nhít trong sổ tay, lặng lẽ như thơ”.