Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc 2023: Giới thiệu các mô hình văn hóa tiêu biểu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong khuôn khổ các hoạt động hướng đến 78 năm kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2023) và Ngày truyền thống Ngành Văn hóa (28/8/1945-28/8/2023), sáng 28/8, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đây là dịp để đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình từ trung ương đến địa phương ôn lại quá trình hình thành, phát triển, cống hiến của Ngành Văn hóa. Đồng thời nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn và toàn diện hơn về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong việc thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xứng tầm với sự nghiệp đổi mới và truyền thống lịch sử vẻ vang ngàn năm văn hiến của dân tộc.

Thông qua hội nghị nhằm nhận diện, giới thiệu các mô hình xây dựng môi trường văn hóa tiêu biểu; trao đổi nghiệp vụ quản lý nhà nước về văn hóa; đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa.

Tại Hội nghị, các đại biểu đến từ các Sở địa phương đã chia sẻ, giới thiệu các mô hình tiêu biểu trong xây dựng môi trường văn hóa; kinh nghiệm trong quản lý nhà nước ở lĩnh vực văn hóa tại các địa phương.

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Ông Bùi Hùng Đô, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đã giới thiệu mô hình làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa nói riêng, xây dựng đất nước nói chung.Theo ông Bùi Hùng Đô, làng văn hóa kiểu mẫu phải đạt 3 tiêu chí cứng, đó là hệ thống chính trị vững mạnh, phải có lợi thế về phát triển kinh tế để nâng cao đời sống của nhân dân về dịch vụ, về du lịch, về công thương và phải có không gian để xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở.

"Chúng tôi đặt ra mục tiêu là đến năm 2025 phải đầu tư xong 30 làng văn hóa và đến năm 2027 thì xong 60 làng văn hóa. Đặc biệt là đầu tư cơ sở vật chất đời sống tinh thần cho hoạt động văn hóa cơ sở", Giám đốc Sở VHTTDL Vĩnh Phúc nói.

Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Ninh Nguyễn Xuân Chung đã giới thiệu mô hình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Theo đó, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, sự hình thành của thiết chế nhà văn hóa, đặc biệt câu lạc bộ Quan họ ngày đang bị mai một. Chính vì thế, việc các thiết chế văn hoá, cơ sở vật chất đặc thù, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân ca Quan họ Bắc Ninh được coi là một trong nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản của tỉnh.

Tính đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng được 11 Nhà chứa Quan họ (nhà thực hành Quan họ), hệ thống các Nhà chứa Quan họ đã đi vào vận hành và thu được kết quả tốt, phục vụ sinh hoạt gắn với loại hình Dân ca Quan họ của địa phương và là điểm đến, tham quan của khách du lịch.

Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh An Giang, Nguyễn Khánh Hiệp cho biết, An Giang là một trong các tỉnh Nam Bộ sở hữu loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử. Chính vì thế, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử luôn được quan tâm chỉ đạo, kịp thời và sâu sát của các cấp lãnh đạo, các cơ quan đơn vị.

Giám đốc Sở VHTT tỉnh Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh chia sẻ tại Hội nghị.

Giám đốc Sở VHTT tỉnh Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh chia sẻ tại Hội nghị.

An Giang đã tiếp tục xây dựng Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2027. Trong đó, toàn tỉnh đã hình thành và duy trì hoạt động 12 đội Đờn ca tài tử chuyên thực hiện việc bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ (cấp tỉnh 01 đội, mỗi huyện, thị, thành 01 đội nồng cốt, lưu giữ, quảng bá, thực hành kỹ năng thể hiện 20 bài bản tổ của Nghệ thuật Đờn ca tài tử).

Đồng thời, tổ chức các lớp truyền dạy nghệ thuật Đờn ca tài tử để bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho các nghệ nhân Đờn ca tài tử đang sinh hoạt tại các phân hội, chi hội Sân khấu của hệ thống Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật trong tỉnh; Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh; Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện.

Từ năm 2017 đến nay, các đơn vị đã tổ chức được 18 lớp truyền dạy…. Trong thời gian tới, Sở VHTTDL An Giang sẽ triển khai tổ chức biểu diễn Đờn ca tài tử với hình thức "Minishow" tại các khu, điểm du lịch để quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu về nghệ thuật Đờn ca tài tử, đồng thời tạo điểm nhấn cho khu, điểm du lịch thu hút du khách thăm quan nhằm phát triển kinh tế du lịch của tỉnh.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL bày tỏ phấn khởi khi lần đầu tiên có sự tham dự đầy đủ của các sở ngành địa phương với hơn 1.000 đại biểu tham dự Hội nghị cán bộ văn hóa toàn quốc. Con số đó cho thấy sự hưởng ứng tích cực của các địa phương.

Theo Bộ trưởng, 10 báo cáo tham luận tại Hội nghị như 10 điểm sáng của ngành Văn hóa tại cơ sở. Đó chính là thực tiễn sinh động để các địa phương khác học hỏi kinh nghiệm.

"Có thể thấy rằng, ngành Văn hóa đã có nhiều điểm mới. Thể hiện là chúng ta đã có cách tiếp cận mới hơn về mặt nhận thức. Bởi, Văn hóa là lĩnh vực rộng phải được tiến hành thường xuyên, xác định đây là nhiệm vụ chiến lược nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp"- Bộ trưởng VHTTDL nhận định.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, hiếm có một Bộ nào có hệ thống các sở địa phương nhiều như Bộ VHTTDL với 73 sở quản lý trên tất cả 3 lĩnh vực Văn hóa-Thể thao- Du lịch.

"Số lượng lớn đòi hỏi tầm quản lý phải cao, cách tiếp cận linh hoạt, sự kết nối càng phải đa dạng. Vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, để tạo nên sức mạnh tổng hợp toàn ngành với tinh thần "Bộ mạnh sẽ giúp cho Sở mạnh", tinh thần này nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các địa phương" - Bộ trưởng nói và cho rằng, chúng ta đã dần bỏ được tư duy "mạnh ai nấy làm", để cùng nhìn về cùng một hướng, tạo thành một "dòng chảy chung" nhằm thực hiện nhiệm vụ, sứ mệnh cao cả của toàn Ngành Văn hóa cả nước.