- Dự án "Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng": "Chiếc gậy" chống bạo lực học đường
- Cô giáo dán băng dính vào miệng học sinh: Không thể đổ tại "nghiệp vụ non"
- Yêu cầu xử lý kỷ luật vụ làm 3 học sinh bị bỏng tại phòng thí nghiệm
Mỗi trường học cần tăng cường giám sát đảm bảo an toàn trong phòng thí nghiệm thực hành (Ảnh minh họa)
Rút kinh nghiệm với sự việc đáng tiếc của trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội), các trường học cần tăng cường quản lý việc sử dụng, bảo quản hóa chất cũng như giám sát học sinh và trang bị kiến thức phòng chống tai nạn có thể xảy ra. Nhà trường phải quản lý chặt kho chứa hóa chất. Nhân viên phòng thí nghiệm phải trực tiếp cung cấp thiết bị, đồ dùng, hóa chất thí nghiệm theo yêu cầu của giáo viên bộ môn, liên tục giám sát học sinh thực hành… là điều kiện kiên quyết để đảm bảo an toàn giờ thực hành.
Khó kiểm soát tuyệt đối
Trước tai nạn nghiêm trọng xảy ra với nữ sinh Đinh Diệp Anh, trường THPT Phan Đình Phùng do nổ hóa chất trong phòng thực hành môn Hóa, các trường học đều cảnh giác hơn với việc sử dụng hóa chất và quản lý phòng thực hành. Chia sẻ về lo ngại xảy ra tai nạn trong quá trình học sinh tiếp xúc với hóa chất, với chất gây cháy nổ trong quá trình làm thí nghiệm các môn học thực hành, bà Nguyễn Thị Phương Anh, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) cho biết, nhiều học sinh rất nghịch ngợm, hay bỏ qua yêu cầu của thầy cô giáo.
Mặc dù có giáo viên bộ môn và nhân viên phòng thực hành cùng giám sát giờ thí nghiệm nhưng không thể cùng lúc quan sát được hết hơn 40 học sinh trong lớp. “Bàn làm thí nghiệm đều có vách ngăn theo tiêu chuẩn phòng thực hành. Tuy nhiên, điều này cũng khiến cho giáo viên gặp khó khăn trong việc quan sát học sinh. Không loại trừ học sinh tò mò, thích quậy phá, có thể pha trộn nhiều loại hóa chất với nhau mà không hiểu hết tác hại của hành vi này” - bà Phương Anh phân tích.
Theo ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa, Hà Nội, nội quy sử dụng phòng thực hành làm thí nghiệm đều được phổ biến cho học sinh từ đầu năm học và có gắn vào cửa phòng. Tuy nhiên, trong mỗi môn học, giờ học khác nhau, các em phải nghe theo dặn dò của giáo viên để tránh những tình huống xấu phát sinh.
“Để tránh gây ra những tình huống tai nạn trong giờ thực hành, nhà trường yêu cầu nhân viên phụ trách phòng thí nghiệm quản lý chặt kho hóa chất. Nhân viên phòng thí nghiệm phải trực tiếp cung cấp thiết bị, đồ dùng, hóa chất thí nghiệm theo yêu cầu của giáo viên bộ môn chứ không giao cho học sinh chuẩn bị. Giáo viên cũng phải giám sát thường xuyên, không để học sinh tự ý làm thí nghiệm” - ông Hà Xuân Nhâm cho biết.
Mặc dù vậy, thực tế các trường cũng vẫn gặp khó khăn trong việc quản lý học sinh khi mỗi trường chỉ có một biên chế nhân viên phòng thí nghiệm nhưng lại có nhiều giờ, nhiều môn thực hành cùng một thời điểm. Điều này khiến cho giáo viên bộ môn thiếu sự hỗ trợ, khó có thể đảm bảo giám sát toàn bộ học sinh trong lớp học. Do vậy, với tính hiếu động, không tuân thủ nội quy, quy định của một vài học sinh, không loại trừ khả năng xảy ra tai nạn trong giờ thực hành.
Tập huấn sơ cứu cho giáo viên, học sinh
Mặc dù, trường học nào cũng đều có phòng y tế, tuy nhiên, khi xảy ra tai nạn như bị bỏng do hóa chất, điện giật… thầy cô cũng như học sinh đều phải nắm được cách sơ cứu ngay lập tức tại nơi xảy ra tai nạn. Thực tế, trong phòng thí nghiệm, các trường đều không trang bị hộp thuốc y tế. Tuy nhiên, nếu không may xảy ra tai nạn, giáo viên và học sinh nếu bình tĩnh vẫn có thể xử lý đúng cách, hạn chế tối đa tổn thương cho người gặp nạn.
Theo bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng - Bệnh viện Xanh Pôn, bỏng hóa chất là loại bỏng khá thường gặp, chủ yếu do bệnh nhân gặp tai nạn khi tiếp xúc (gồm cả tiếp xúc ngoài da lẫn uống vào bụng) với các chất axit, kiềm. So với các loại bỏng khác, bỏng do hóa chất thường gây nên những tổn thương sâu, nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, cách sơ cấp cứu với loại bỏng này cũng gần tương tự như sơ cấp cứu các trường hợp bỏng do nhiệt.
Đầu tiên, cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi tác nhân gây bỏng, loại bỏ quần áo hay đồ trang sức dính hóa chất, tưới nước rửa sạch vùng da bỏng... sau đó chuyển ngay đến bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ Nguyễn Thống nhấn mạnh, về nguyên tắc, tất cả các loại bỏng đều gây tổn thương da và tùy theo từng độ bỏng (bỏng sâu, bỏng rộng) bác sĩ sẽ chỉ định điều trị phù hợp. Quá trình sơ cấp cứu khi bị bỏng hóa chất rất cần thiết và không kém phần quan trọng để việc cứu chữa nạn nhân bỏng hiệu quả hơn.
Nếu người bệnh không chắc chắn về hóa chất gây bỏng, cần mang theo nhãn hoặc vỏ bình chứa hóa chất gây bỏng cho bệnh nhân khi đưa nạn nhân đi khám cấp cứu, giúp các bác sĩ nhanh chóng có biện pháp chẩn đoán và điều trị chính xác.
Xử lý khi xảy ra cháy nổ phòng thí nghiệm
Theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2 (Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội), phòng thí nghiệm là nơi đặc biệt nguy hiểm nếu không tuân thủ quy tắc an toàn, nhất là những quy tắc an toàn về PCCC và hóa chất độc hại. Vụ cháy xảy ra tại phòng thí nghiệm Trường THPT Phan Đình Đình, quận Ba Đình, Hà Nội là một minh chứng.
Những hóa chất trong phòng thí nghiệm hóa học có nguy cơ cháy nổ cao, đặc biệt là những hóa chất có nguồn gốc hữu cơ. Khác với một đám cháy hóa chất thông thường xảy ra tại các nhà máy hóa chất, lượng hóa chất cháy trong phòng thí nghiệm hóa học ít hơn rất nhiều, tuy nhiên chủng loại hóa chất trong phòng thí nghiệm rất phong phú và có những hóa chất đặc biệt nguy hiểm khi xảy ra cháy nổ như kim loại kiềm, kiềm thổ, bình nén khí oxy, cồn 90 độ, các dung dịch hydrocacbon…
Do vậy, khi xảy cháy cần ngắt toàn bộ hệ thống điện, đưa toàn bộ các loại hóa chất chưa bị cháy ra ngoài, đặc biệt chú ý đến các hóa chất có dán nhãn nguy hiểm cháy nổ. Trong phòng thí nghiệm luôn có nhiều loại hóa chất, nên cần phải sử dụng các phương tiện và chất chữa cháy phù hợp để chữa cháy hiệu quả.
Nhã Linh