Học qua… múa rối

(ANTĐ) - Những con rối ngộ nghĩnh, những vở rối sinh động do cô và trò tự sáng tạo, tự biểu diễn đã khiến câu chuyện cổ tích tưởng chừng quen thuộc trở nên đầy bất ngờ, thú vị.

Học qua… múa rối

(ANTĐ) - Những con rối ngộ nghĩnh, những vở rối sinh động do cô và trò tự sáng tạo, tự biểu diễn đã khiến câu chuyện cổ tích tưởng chừng quen thuộc trở nên đầy bất ngờ, thú vị.

Múa rối, một loại hình nghệ thuật gần gũi với thiếu nhi
Múa rối, một loại hình nghệ thuật gần gũi với thiếu nhi

Có thể nói, ít loại hình nghệ thuật nào gần gũi với thiếu nhi như múa rối. Cũng bởi vậy, khi thực hiện chuyên đề Nâng cao chất lượng cho trẻ em làm quen với Văn học - chữ viết, Vụ Giáo dục mầm non, Bộ

GD-ĐT đã chọn múa rối là một trong những thể loại nghệ thuật xung kích. Từ đó đến nay, những chú rối đủ hình thù, màu sắc trở thành giáo cụ không thể thiếu trong mỗi ngôi trường mầm non khắp cả nước. Những câu chuyện cổ tích, những tình huống đời thường, thậm chí các con số, chữ viết... không chỉ được giảng dạy thông qua kể chuyện, tranh ảnh hay đóng kịch mà nay còn hấp dẫn các em hơn khi chính các em được điều khiển những chú rối để sáng tạo câu chuyện.

Để giúp các em làm quen với văn học, chữ viết thông qua ngôn ngữ múa rối, các giáo viên mầm non đã được tham dự lớp tập huấn về nghệ thuật múa rối. Tại đây, các cô không chỉ được trang bị kiến thức căn bản nghệ thuật múa rối, mà còn biết phát huy tối đa ưu điểm của nghệ thuật múa rối vào chương trình học, nhằm giúp bé “làm quen với văn học” một cách hứng thú, hiệu quả nhất. Với lớp tập huấn này, các cô giáo mầm non được rèn luyện 4 kỹ năng: tạo hình rối; biên kịch (chuyển thể câu chuyện văn học mầm non sang kịch rối); đạo diễn - thiết kế sân khấu múa rối; điều khiển con rối - làm diễn viên múa rối.

NSƯT, Đạo diễn Đinh Trọng Dũng (Nhà hát Múa rối Việt Nam), một người rất tâm huyết với việc đưa rối vào trường mầm non cho biết, hiện nay nhu cầu thưởng thức múa rối của các em học sinh là rất lớn, các đoàn nghệ thuật múa rối thường xuyên được các trường mời biểu diễn trong các dịp kỷ niệm lớn của trường. Tuy nhiên, các nghệ sĩ múa rối không phải lúc nào cũng đáp ứng được, không chỉ về mức độ “phủ” của các buổi biểu diễn mà còn về tính sáng tạo.

Với trẻ em, không thể lúc nào cũng kể cho các em nghe những câu chuyện cũ, bằng những chú rối cũ. “Biểu diễn cho các em không thể yêu cầu kinh phí cao, trong khi để phục vụ cho một vở rối mới cần có những chú rối mới nhưng để có những chú rối mới không phải dễ. Thực tế, ngay vấn đề kinh phí đã là một khó khăn đối với các nghệ sĩ” - NS Đinh Trọng Dũng  cho biết. Bởi vậy, theo ông, việc đưa rối vào trường học theo hình thức để các em tự sáng tạo, tự biểu diễn là một việc làm hết sức hợp lý.

Sau khi được chọn là một trong những loại hình nghệ thuật xung kích, các nghệ sĩ múa rối đã nhanh chóng “thâm nhập” vào các trường mầm non. Từ địa phương thí điểm đầu tiên là Thái Nguyên, đến nay múa rối đã được đưa vào các buổi học, buổi ngoại khóa ở  rất nhiều cơ sở mầm non trên cả nước và được đánh giá là loại hình nghệ thuật được các em học sinh tiếp nhận nồng nhiệt nhất.

Bản thân múa rối rất gần gũi với trẻ thơ, tạo hình những con rối trong trường học cũng giống như những chú búp bê hay những đồ chơi của các em, bởi vậy dễ kích thích trí tưởng tượng của trẻ nhỏ, đồng thời hình thành trong các em những mỹ cảm đầu đời. Những vở diễn của cô, trò, tuy không nặng tính chuyên nghiệp nhưng chính sự ngây thơ, hồn nhiên, đơn giản trong cách tạo hình, cách biểu diễn theo kiểu vừa học, vừa chơi đã giúp bài học được các em tiếp nhận rất tự nhiên.                    

Linh Nhật