Hoài niệm tranh dân gian

ANTD.VN - Triển lãm “12 dòng tranh dân gian Việt Nam” vừa được khai mạc tối 18-8, tại Bảo tàng Hà Nội. Đây là dịp khách tham quan vừa được chiêm ngưỡng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc qua hơn 200 bức tranh và hiện vật để rồi tiếc nuối trước câu chuyện “phận mỏng cánh chuồn” của tranh dân gian Việt Nam.

Tranh Tố nữ - tranh dân gian Hàng Trống được trưng bày tại triển lãm

Thất truyền tranh Kim Hoàng

Lâu nay, khi nhắc đến tranh dân gian ở Hà Nội, người ta dường như chỉ  nhớ đến tranh dân gian Hàng Trống. Kỳ thực, ở đất Kinh kỳ còn có một dòng tranh dân gian tiêu biểu nữa là Kim Hoàng.

Theo PGS.TS Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tranh Kim Hoàng là tên thường gọi của dòng tranh dân gian vốn phát triển khá mạnh từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX của làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức với đủ loại: thờ cúng, chúc tụng…

Nét khắc của tranh tỉ mỉ, thanh mảnh hơn tranh Đông Hồ mà màu sắc lại tươi như tranh Hàng Trống với việc sử dụng mực tàu và các màu có nguồn gốc tự nhiên như màu trắng từ thạch cao, phấn; chàm - xanh từ mực tàu hòa với nước chàm; màu đỏ lấy từ son; màu đen từ tro rơm rạ, màu xanh từ gỉ đồng, màu vàng từ hoa dành dành… 

Tranh Kim Hoàng được in trên giấy đỏ, giấy hồng điều hoặc giấy vàng tàu. Nghệ nhân chỉ sử dụng một bản khắc để in nét đen lên giấy rồi dựa vào đó mà tự do chấm phá màu sắc theo cảm xúc riêng của mỗi người. Đặc biệt, tranh Kim Hoàng có một đặc điểm riêng biệt mà các dòng tranh dân gian khác không có là những câu thơ Hán tự được viết theo lối chữ thảo trên góc trái bức tranh. Cả thơ và hình vẽ tạo nên một chỉnh thể hài hòa, chặt chẽ.

Thế nhưng, “bắt đầu từ trận lụt năm 1915, khi làng mạc bị ngập trắng, nhiều ván in tranh của làng bị cuốn trôi thì dòng tranh này bị thất truyền. Đến năm 1945, tranh hoàn toàn không sản xuất nữa. Ngày nay chỉ còn một số ván in của dòng tranh này được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam” - PGS.TS Trương Quốc Bình cho biết.

Thưa vắng người… “muôn năm cũ”

Không riêng gì dòng tranh Kim Hoàng đã thất truyền, những dòng tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam như tranh thờ ở các tỉnh miền núi phía Bắc, tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống (Hà Nội), tranh làng Sình (Thừa Thiên - Huế)… đến nay cũng rơi vào tình trạng “báo động đỏ” khi những nghệ nhân - người “muôn năm cũ” - cứ thưa vắng dần đến nỗi gần như chỉ còn “sót lại” đâu đó một người.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế không khỏi nao lòng khi nhớ lại ký ức mấy mươi năm trước làng Đông Hồ bận mải làm tranh cả năm nhưng chỉ bán có 6 phiên chợ vào tháng Chạp. Bây giờ cả làng làm hàng mã để mưu sinh. Có chăng còn lại hai gia đình lão nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam còn cặm cụi với nghề tiên tổ.

Với tranh dân gian Hàng Trống - dòng tranh nổi tiếng với những tác phẩm như “Cá chép trông trăng”, tranh tứ quý tùng, cúc, trúc, mai… giờ cũng chỉ còn lại duy nhất một nghệ nhân Lê Đình Nghiên - người cũng đã vào tuổi xưa nay hiếm.

Còn tranh thờ ở vùng miền núi phía Bắc - một vật thiêng để người dân thực hành nghi lễ tín ngưỡng, theo thạc sỹ Nguyễn Sinh Phúc - Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Yên Bái - cũng bị thất truyền rất nhiều: “Chúng tôi phải vượt cả trăm cây số để tìm đến các thôn bản, tham gia các nghi lễ tôn giáo của mỗi gia đình mới có thể tiếp cận được các bản vẽ” - thạc sỹ Phúc cho biết.

Cùng với đó, theo PGS.TS Phan Thanh Bình - Hiệu trưởng trường Đại học Nghệ thuật Huế, tranh dân gian làng Sình - một dòng tranh đã trải qua hơn 400 năm tồn tại cũng đang dần bị phôi pha, biến dạng. Nhiều tranh và bản khắc độc đáo đã không còn nguyên bản, lưu lạc, thất tán trong dân gian.

Cần tôn vinh các nghệ nhân

Hầu hết các nhà nghiên cứu, chuyên gia khi tham dự tọa đàm đều cho rằng cần hành động ngay để cứu lấy sự thất truyền của tranh dân gian Việt Nam. PGS.TS Trương Quốc Bình cho rằng, hầu hết các dòng tranh đều còn ít người làm và sự trao truyền cho thế hệ sau rất khó vì tập quán chơi tranh, thờ cúng tranh không còn nữa, thế hệ trẻ không quan tâm.

Vì thế, để bảo tồn tranh dân gian, “phải quảng bá về tranh dân gian trong chiến lược phát triển văn hóa, du lịch. Nhà nước phải có chính sách tiêu thụ sản phẩm, kèm theo chính sách thuế sao cho phù hợp. Cùng với đó, cần thiết lắm đối với việc tôn vinh nghệ nhân sao cho xứng tầm. Ở nước ngoài, các nghệ nhân liên quan đến di sản văn hóa của đất nước đều được trọng dụng. Đặc biệt, phải có chính sách đào tạo, truyền dạy, truyền nghề cho thế hệ trẻ” - PGS.TS Trương Quốc Bình nhấn mạnh. 

Với nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế dù rất buồn vì cả quê hương mình giờ chỉ làm hàng mã nhưng ông vẫn hy vọng: “Tôi thấy, người dân có vẻ quan tâm trở lại với tranh dân gian vì mấy năm nay, trung tâm giao lưu văn hóa dân gian tranh Đông Hồ của tôi được đón tiếp nhiều khách đến tham quan và mua tranh. Thế nên, chúng tôi tiếp tục bền bỉ giữ nghề với hy vọng đến một lúc nào đó làng tranh Đông Hồ lại nhộn nhịp với những phiên chợ bán tranh Tết như xưa…”.

Triển lãm “12 dòng tranh dân gian Việt Nam” do Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội tổ chức giới thiệu 12 dòng tranh dân gian của nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa - Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội gồm: tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng, tranh Hàng Trống, tranh thập vật, tranh làng Sình, tranh đồ thế Nam bộ, tranh kính Nam bộ, tranh thờ miền núi, Tranh gói vải, tranh thờ đồng bằng, tranh vải.

Bên cạnh đó triển lãm kết hợp giới thiệu bộ sưu tập tranh dân gian của Bảo tàng Hà Nội như: tranh và ván in tranh Hàng Trống; tranh thờ người Dao; tượng phật cổ… kết hợp với hoạt động trình diễn vẽ tranh dân gian dành cho khách tham quan tại khu trưng bày. Triển lãm mở cửa đến tháng 12-2016.