Họa sỹ Lý Trực Sơn: Vẽ Xúy Vân trên giấy dó

ANTĐ -“Xúy Vân giả dại” là trích đoạn kinh điển của chèo cổ Kim Nham, hễ cứ nhắc đến chèo, người ta lại nhớ ngay đến hình ảnh cô Vân điên dại nhưng lả lơi tình. Nhưng để đưa nhân vật này vào hội họa với nhiều dáng vẻ, hình hài lộng lẫy, kỳ ảo thì hình như chỉ có một mình Lý Trực Sơn. 
Họa sỹ Lý Trực Sơn: Vẽ Xúy Vân trên giấy dó ảnh 1

Treo tranh sau gần... 30 năm

Hiếm ai biết được các tác phẩm về nhân vật Vân “dại” trong triển lãm “Tố nữ dân ca” lại được thực hiện từ gần 30 năm về trước của họa sỹ Lý Trực Sơn. Lý Trực Sơn mê văn hóa dân gian mà theo ông, chèo là một trong những nguồn cảm hứng giúp ông tìm thấy tiếng nói chung giữa hội họa và dân ca. Và Vân “dại” mới làm ông say lòng. Nếu người đời coi Vân như một nhân vật đầy “điều tiếng”, thì với ông đây là một vai nữ đầy mâu thuẫn nội tâm, có số phận vào loại bi kịch nhất sân khấu cổ Việt Nam. 

Có lẽ thế mà từ những năm 1987-1988, ông đã lao vào vẽ hàng loạt tranh về Xúy Vân nhưng với chất liệu khó thể hiện đó là giấy dó. Ông tâm sự: “Trước đây giấy dó được sử dụng nhiều trong in ấn nhưng để sáng tác trực tiếp và coi nó như một chất liệu độc lập thì ít ai nghĩ đến”. Chính nhờ sự thấm nước, tính dẻo dai của giấy dó cùng với thuốc nước mà hình ảnh cô “Vân dại” mới hiện lên một cách thuần hậu nhưng kỳ ảo, sống động đến như vậy.

Họa sỹ Lý Trực Sơn: Vẽ Xúy Vân trên giấy dó ảnh 2

Họa sỹ Lý Trực Sơn là người đưa nhân vật Xúy Vân vào hội họa với đủ dáng vẻ kỳ ảo

Này là cô Vân đang chải tóc, gội đầu, kia là cô Vân hứng từng giọt hoa rơi, khi thì trễ nải, buông lơi… Ấy là lúc Vân có nhiều suy tư, chiêm nghiệm. Hỏi họa sỹ Lý Trực Sơn tại sao có nhiều nhân vật để thể hiện, cần gì cứ phải là Xúy Vân, ông chỉ bảo: “Đã qua cái thời hội họa đi theo lối mòn, tất cả đều bị “lùa theo một hướng”.

Tôi tôn thờ cái tự do trong nghệ thuật, vì chỉ có tự do mới giúp nghệ thuật phác họa nên những cá tính, những khuôn mặt, những diện mạo mới mẻ”. Quả thực, sê-ri tranh về "Vân Dại" là sự kết hợp ăn ý giữa các màu sắc đậm âm hưởng dân gian theo một cách vẽ ước lệ phóng khoáng theo lối phương Tây trên cơ sở kế thừa tinh thần của những làn điệu chèo cổ, nhưng vẫn truyền tải sức sống của chất liệu truyền thống đó là giấy dó bằng một tư duy nghệ thuật rất nhân văn. 

Họa sỹ Lý Trực Sơn: Vẽ Xúy Vân trên giấy dó ảnh 3

Thử sức trên nhiều chất liệu

Họa sỹ Lý Trực Sơn được xếp vào bậc “lão làng” trong giới hội họa nhưng chẳng mấy khi ông khoa trương công việc của mình. Ông nói: “Trong nghệ thuật, với tôi không có cái gọi là “tiến bộ” mà chỉ có sự thay đổi. Điêu luyện, thuần thục chưa chắc đã hay mà sự vụng về, ngây ngô chưa chắc đã dở”. Từ năm 12 tuổi, khi còn là một cậu bé, ông đã vào học hệ sơ trung trường Mỹ thuật Việt Nam.

Nhờ những chuyến đi thực tế, ông có điều kiện tiếp xúc, gần gũi với quang cảnh ruộng đồng, nông thôn, bồi đắp tình yêu với quê hương đất nước. Chẳng vậy mà gần 50 năm trong nghề vẽ, trở thành thầy của bao thế hệ họa sỹ, ông vẫn không ngừng say sưa tìm tòi đủ các chất liệu, các loại màu tự nhiên từ thực vật, cây cỏ để làm mới cho những đứa con tinh thần của mình.  

Đã có người nói họa sỹ Lý Trực Sơn là “bách khoa toàn thư” trong giới mỹ thuật, ngoài hội họa, ông thông tường đủ các thể loại, từ âm nhạc, dân ca cho đến văn học... Nhưng ông chỉ tự nhận mình là một người thích tìm tòi, mỗi thứ biết một ít.

Lý Trực Sơn được cho là bậc “lão làng” về tranh sơn mài, tuy nhiên, trong suốt sự nghiệp của mình ông đã thử sức trên nhiều chất liệu, từ sơn mài, tranh lụa, màu nước cho đến các chất liệu tổng hợp… Ông tâm sự: “Nhiều người chỉ trung thành với một chất liệu vì vẽ quá nhiều, quá đa mang họ sợ “loãng”. Nhưng tôi nghĩ được thử sức trên nhiều chất liệu sẽ giúp người nghệ sỹ trưởng thành, phá vỡ lối mòn của chính mình”.