- Giới họa sỹ Việt và những bê bối "để đời"
- Sắp diễn ra triển lãm tranh của "tài tử" Hà Nội một thời
- Tranh của danh họa Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm chính thức... ế
Do những thông tin lưu giữ tới ngày hôm nay về họa sỹ Lê Văn Xương rất ít nên khi nhắc đến ông, nhiều người có đôi chút bối rối với câu hỏi, ông là ai và có tác phẩm nào nổi bật? Nhưng kỳ thực, Lê Văn Xương là gương mặt không hề thua kém các họa sỹ cùng thời như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng… Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã từng sưu tập tranh ông và hiện đang lưu giữ một bức tranh bột màu vẽ cảnh bờ biển phơi dưới nắng vàng, trong vắt và ấm áp.
Khi nhìn bức tranh này, nhà nghiên cứu mỹ thuật Quang Việt đã nhận xét, “hội họa ở đây thật sáng sủa, là sự trìu mến, là những giai điệu, nhạc âm vang lên từ tâm hồn bình dị, dễ rung động, yêu cuộc sống và yêu sự thanh bình của cuộc sống, một cuốn “album” hết sức riêng tư, mà người ta chỉ chậm rãi lần giở trong yên lặng mới thấy được cái vị riêng, cái hồn riêng của nó”.
Họa sỹ Lê Văn Xương (1917-1988) quê gốc ở làng Hòa Chanh, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, sinh ra tại Nam Định. Từ năm 12 tuổi, ông lên Hà Nội bắt đầu tự học vẽ, và nhanh chóng đến với thể loại tranh chân dung, phong cảnh bằng phấn tiên và bột màu. Do vậy, việc ông vẽ về Hà Nội không có gì khó hiểu. Nhưng cái cách Lê Văn Xương cảm thụ phong cảnh và con người Thủ đô để đưa vào tranh mới là điều đáng nói.
Ông tự xóa cá tính của mình đi để chỉ bộc lộ cá tính của nhân vật và thần khí của bức tranh, ở đây được hiểu là thần khí đường phố. Mỗi nhân vật dù bé, dù xa thế nào, cũng được ông khảo sát rất kỹ các cử chỉ, thái độ của họ như kéo xe, gánh, đi... Vì thế, tranh Lê Văn Xương vẽ về Hà Nội tạo ra một cõi riêng.
Chợ Đồng Xuân qua nét vẽ của Lê Văn Xương
Hà Nội không phải là mảng đề tài duy nhất trong hàng nghìn tác phẩm mà Lê Văn Xương để lại. Nhiều tác phẩm tạo tiếng vang như Du kích Tây Nguyên, Anh hùng Núp, Dân chài xã Vĩnh Trà, Phong cảnh Sầm Sơn, Kéo pháo lên đồi… đều mang nét riêng, thoát khỏi không khí tuyên truyền cổ động một thời.
Ngay từ năm 1941, Lê Văn Xương đã mở triển lãm tranh cá nhân đầu tiên tại Sài Gòn và liên tiếp sau đó là các triển lãm tiếp theo được ra mắt ở Hà Nội, Đà Lạt. Đặc biệt, năm 1953, ông đã mở triển lãm cá nhân Hà Nội 36 phố phường tại Nhà hát lớn Hà Nội. Triển lãm thu hút đông đảo người mộ điệu nghệ thuật tới thưởng lãm. Ngay ngày khai mạc, họa sĩ Bùi Xuân Phái đã đến dự và lưu lại dòng cảm nghĩ về các tác phẩm của Lê Văn Xương: “Điểm ham làm việc, làm tôi thấy ở Văn Xương tương lai rực rỡ. Anh vẽ loại phấn màu đặc sắc hơn những loại khác”.
Chợ Hàng Da năm 1940-1950
Sau triển lãm đó, Lê Văn Xương tiếp tục vẽ về Hà Nội và lặng lẽ gói ghém các ký ức. Tuy nhiên, do điều kiện, hoàn cảnh thời chiến không cho phép nên các bức tranh ông lưu giữ về đường phố Hà Nội đã không có dịp ra mắt người xem. Và theo thời gian, tưởng như người họa sỹ yêu mến Hà Nội này sẽ dần trôi vào quên lãng thì cái tên Lê Văn Xương lại “bừng sáng”.
Bức tranh lụa Thiếu nữ của ông đã được nhà đấu giá Lý Thị bán thành công, với giá 22.500 USD tại một phiên đấu thương mại ở Sài Gòn năm 2016. Cũng tại phiên đấu giá đó, nhiều tác phẩm khác của Lê Văn Xương đã được trưng bày và qua đó giới mỹ thuật có dịp chiêm ngưỡng, biết nhiều hơn về một họa sĩ tài hoa, nhưng thầm lặng.
Phố Trần Nhật Duật một thời
Nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của cố họa sỹ, 101 tác phẩm Lê Văn Xương vẽ về Hà Nội những năm cuối 1940 và thập niên 1950 sẽ được giới thiệu tới người xem tại triển lãm “Điều kỳ diệu”. Tại đây, người xem có thể hòa mình cùng cảnh đường phố xưa, với các di tích gắn liền thành phố và chìm đắm trong cảnh quan ngoại thành.
Những bức tranh này tạo ra một bầu không khí yên bình, cách xa sự hối hả và nhộn nhịp của Hà Nội ngày nay. Đó là Hà Nội của Thạch Lam, của Nguyễn Tuân... với những nỗi niềm thân quen, như trong mạch máu đã chứa đựng sẵn hương sắc Hà Nội. Triển lãm diễn ra từ ngày 21 đến ngày 23-9 tại Park Hyatt Saigon (TP.HCM).