Họa sĩ Còm “mở tiệc” Đào xuân

ANTĐ - Thi thoảng gặp gã lúc ở chỗ này khi nơi khác, vậy nhưng tịnh không thấy hé một lời nào về việc bày triển lãm, kể từ cái đận 2011 với thập cẩm các thứ hoa mang tên “Xuân nồng”. Thế mà đùng một cái, trong buổi sáng họp cộng tác viên Báo An ninh Thủ đô ở công viên Bách Thảo, gã đến, gửi giấy mời dự “Đào xuân”. Bạn bè vẫn quen gọi gã là Còm, Khoái. Còn tên trên bảng lương của Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam thì đề: Nguyễn Hữu Khoa.

Một bức tranh trong triển lãm “Đào xuân”, diễn ra đến hết 24-1

Biến biếm họa thành “logo” riêng

Gặp Khoa tôi vẫn thích gọi gã là họa sĩ Còm. Cái tên đầy trìu mến này gã đã “đóng đinh” vào trái tim rất nhiều cô cậu độc giả mê mẩn báo Hoa học trò những năm 90 của thế kỷ trước. Bút danh ấy gã ký đều trên những bức tranh vui, tranh biếm họa, dần dần tạo ra một thứ “logo” riêng. Sau này, khi đã rời “bến” Hoa học trò, gã lang bạt nhiều nơi, nhưng tránh cũng không trượt công việc mỹ thuật, chủ yếu là đồ họa. Vì thế dấu vết của gã thì vẫn hiển lộ. Người ta thấy hàng loạt những cuốn sách mà nếu thiếu cái bìa của gã thì không ra mắt được. Nghe đồn, gã vẽ bìa sách cho nhà văn nữ nào thì cuốn sách ấy bán đắt như tôm tươi. Còn trên báo chí Việt Nam, gã hết minh họa cho các báo từ Bắc chí Nam. Hết ký tên Còm chuyển qua ký tên Khoái. Lâu lâu lại thấy ký NHK. Rồi một dạo, gã nổi như ngôi sao ca nhạc với loạt hí họa chân dung các nghệ sĩ nổi tiếng.

Ban đầu cũng chỉ là vẽ cộng tác cho báo, sau được đà, gã dấn sâu vào hí họa chân dung nghệ sĩ, dựng chân dung từ diễn viên hài Thúy Nga đến nhà sử học Dương Trung Quốc, từ nhà văn đất Mũi Nguyễn Ngọc Tư tới nhạc sĩ “chuyên Hà Nội” Phú Quang... Có người gã vẽ chỉ mất vài ba tiếng là xong, nhưng ca khó nhất mà gã phải đối mặt là khi vẽ bậc thầy Văn Cao. Chân dung cụ Văn Cao gã tốn mất 10 công mới có được tấm hí họa ưng ý. 

Công sức ấy của gã cũng không hề phí, bởi gã đã tạo ra một mảng rất riêng cho đời sống mỹ thuật thông qua ba triển lãm cá nhân mang tên “Hí họa”, 2 ở TP. Hồ Chí Minh và 1 ở Hà Nội. Xem triển lãm của gã, người cười khanh khách, người cười thầm. Nghe nói cũng có người rơm rớm, chả rõ vì xúc động hay vì… thù gã dám “làm xấu” hình ảnh đang xinh của họ. 

Trai làng đào triển lãm đào

Mấy tuần nay gã bận túi bụi. Người ta bận vì cuối năm lo tiền bạc, quà cáp, biếu xén. Gã bận vì dốc thời gian cho triển lãm cá nhân lần 5 mang tên “Đào xuân”. Gã biết cuối năm mà bày triển lãm sẽ “thiệt” đủ điều. Thiệt từ lượng người đến triển lãm (vì cuối năm ai cũng bận), thiệt cả với… truyền thông (vì nhiều báo đã lên trang số tất niên). Nhưng gã vẫn cứ cố tình chọn, bởi chỉ đến lúc này, hoa đào mới đỏ thắm trên các cánh đồng Nhật Tân, Phú Thượng rồi theo dòng người ngược xuôi khắp phố phường. Mà gã là trai làng đào. Cả làng đào Phú Thượng có hàng ngàn con trai, nhưng chỉ duy nhất có gã là họa sĩ. Vì thế mà gã không thể bày “Đào xuân” sớm hơn hay muộn đi. 

Gã là thế, cứ khẽ không xuất hiện giữa đám đông ồn ào nhưng khi đã làm là quyết liệt ra trò. Mở tiệc “Đào xuân” thết đãi công chúng, gã bày 33 tác phẩm được vẽ trên chất liệu sơn dầu. Không hổ danh là họa sĩ làng đào, khi gã “phơi bày” đời đào đủ các góc cạnh, vừa quen thuộc nhưng cũng không thiếu sự mới lạ. Gã kể, hồi bé chẳng mấy khi yêu cây đào vì đã quá vất vả với công việc chăm sóc và bán đào. Có năm, tối 30 Tết, vừa về đến nhà sau một ngày rát khô cả cổ để mời chào khách mua đào, vừa ăn xong bát cơm, có người làng “mật báo” đang “cháy chợ đào”. Thế là cả mấy bố con lại vội vã vác cưa ra vườn chọn mấy cây đào chưa bán hết cắt mang xuống chợ. Đến khi bán hết đào, trên đường đạp xe về nhà thì pháo Giao thừa đã nổ râm ran. Đến năm 1994, khi thấy ông bố bỏ trồng đào, gã mừng rơn vì được tập trung vào công việc học hành và làm báo, thoát khỏi cảnh vất vả. Hai chục năm sau, gã bỗng ngoái nhìn lại cây đào gắn liền với tuổi thơ lam lũ. Và gã thấm thía. 33 bức tranh sơn dầu được gã tập trung vẽ chỉ trong một năm. Trong từng bức tranh, gã luôn thay đổi bút pháp: khi thì vẽ bằng bút, khi thì vẽ bằng bay, khi thì vẽ cả cây, khi thì vẽ cận cảnh từng bông, từng nụ. Bức thì vẽ phá phách phóng khoáng, bức lại diễn tả từng chi tiết lá, thân. Bức thì gam nóng, bức gam lạnh, bức đào hồng, bức đào phai... 365 ngày gã làm việc quần quật. Có lẽ vất vả hơn trồng đào và bán đào. Hôm nay, 20 tháng Chạp, gã bắt đầu mở tiệc “Đào xuân” tại 29 Hàng Bài. 

Phải là 20 tháng Chạp. Và phải ở 29 Hàng Bài chứ không đi “chơi chỗ khác”. Khi cầm giấy mời gã đưa, họa sĩ Lê Trí Dũng - năm nay xuất hiện dày đặc trên báo Tết với với tranh ngựa, đã thốt lên: “Chú mày chơi sang quá”. 

Gã lại cười…