Hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả “bủa vây” người dùng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Hơn 500 sản phẩm là hóa mỹ phẩm, thuốc, thực phẩm chức năng của hơn 30 nhãn hiệu nổi tiếng trưng bày tại Phòng trưng bày của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho thấy một “phần nổi của tảng băng chìm” hàng giả, hàng nhái trên thị trường.
Các loại dầu gội nổi tiếng cũng bị làm giả

Các loại dầu gội nổi tiếng cũng bị làm giả

Các sản phẩm này được trưng bày là tang vật vi phạm trong các đợt kiểm tra của lực lượng QLTT các địa phương thời gian qua. Tại đây, các nhãn hiệu dầu gội, sữa tắm nổi tiếng tại thị trường Việt Nam như: Clear, Romano, Pantene, Sunsilk, Enchenteur, dầu gội thảo mộc… thuốc giảm cân, thuốc an thần… đều bị làm giả.

Ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết: “Hóa mỹ phẩm là những mặt hàng được người tiêu dùng lựa chọn, mua sắm nhiều, nhất là đối với chị em phụ nữ. Đáng chú ý, đây là những mặt hàng có nguy cơ bị làm giả rất nhiều tại thị trường Việt Nam. Vài năm trở lại đây, nhất là từ khi thương mại điện tử phát triển, mạng xã hội trở thành kênh bán hàng online phổ biến, thì việc quảng cáo, bán những mặt hàng này rất sôi động.

Trong một năm trở lại đây, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử phạt, thu giữ và chuyển sang cơ quan Công an rất nhiều vụ việc liên quan đến hóa mỹ phẩm vi phạm, với số lượng lớn”.

Điển hình như vụ việc phát hiện 5 kho chứa và xưởng sản xuất, pha chế hàng chục nhãn hiệu dầu gội, sữa tắm giả mạo các thương hiệu.kho hàng mỹ phẩm giả tại TP HCM hồi tháng 2 vừa qua.

Thuốc giả trên thị trường, người tiêu dùng khó mà phân biệt

Thuốc giả trên thị trường, người tiêu dùng khó mà phân biệt

Còn với thuốc và thực phẩm chức năng, hàng giả cũng có mặt trên thị trường như: Viên sủi an thần, thực phẩm chức năng Elevit cho bà bầu… Thậm chí, lực lượng chức năng phát hiện rất nhiều thuốc hỗ trợ giảm cân có thành phần chính là bột mì.

Lực lượng QLTT Hà Nội mới đây đã kiểm tra một điểm chứa trữ trong khu đô thị Times City, phát hiện gần 3 tấn thực phẩm chức năng và nguyên liệu làm thuốc không rõ nguồn gốc xuất. Toàn bộ số thuốc này đựng trong các bao tải, túi lớn, không có bao bì, nhãn mác.

Theo ông Trần Hữu Linh, hóa mỹ phẩm là ngành hàng mà người dân có nhu cầu tiêu dùng rất lớn. Người mua hàng đa số là chị em phụ nữ đều có nhu cầu chăm sóc, làm đẹp. Còn đối với dược phẩm, người bệnh thường có tâm lý “có bệnh vái tứ phương” do vậy, họ không mấy khi quan tâm đến giá cả, miễn là mua được thuốc, do vậy dễ mua phải thuốc giả. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng sản xuất, kinh doanh hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả vẫn diễn biến phức tạp.

Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cũng cho biết, do hóa mỹ phẩm, dược phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người dân nên đây sẽ là một trong những mặt hàng trọng điểm mà lực lượng QLTT kiểm tra, kiểm soát thường xuyên và đột xuất.

Tuy nhiên, để tránh mua phải hàng giả và góp phần ngăn chặn hàng giả có cơ hội lưu thông, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ về sản phẩm từ bao bì, nhãn mác, kích cỡ chai, các loại chữ viết… để phân biệt. Bên cạnh đó, nên mua sản phẩm thật từ cửa hàng chính hãng. Đối với các sản phẩm là thuốc, nên mua tại các cửa hàng, cửa hiệu đã được Bộ Y tế cấp phép, tránh mua trôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội…

Theo các chuyên gia, hiện nay, các loại hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng được bán rất nhiều trên các nền tảng thương mại điện tử kèm theo chương trình khuyến mãi khủng, dùng hình ảnh của người nổi tiếng để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm nhằm chiếm lòng tin của người tiêu dùng. Do đó, người tiêu dùng cần tỉnh táo để không mua phải hàng giả.

“Đây là những mặt hàng mà mọi gia đình đều phải dùng hằng ngày. Dùng hàng giả sẽ gây hại cho sức khỏe. Vì thế nên người tiêu dùng cần tỉnh táo lựa chọn sản phẩm thật vì sức khỏe của gia đình cũng như bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính”- lãnh đạo Tổng cục QLTT nói.