Hàng giả, hàng nhái tràn lan trên “chợ mạng”: Chặn bằng cách nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), lực lượng quản lý thị trường (QLTT- Bộ Công Thương) sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên môi trường thương mại điện tử bằng cách vừa kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trực tiếp, vừa bằng biện pháp kỹ thuật.
Thuốc giả được bán trên "chợ mạng"

Thuốc giả được bán trên "chợ mạng"

Liên tiếp trong những ngày sau Tết Nguyên đán, lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện và xử lý hàng hoạt trường hợp bán hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT.

Tại Hà Nội, ngày 15-2-2023, lực lượng QLTT Hà Nội phối hợp với Công an quận Bắc Từ Liêm phát hiện và tạm giữ 2.020 tuýp trị bệnh trĩ MR.DAFLON giả mạo nhãn hiệu.

Đáng chú ý, tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện chủ lô hàng vi phạm đang sử dụng sàn thương mại điện tử Shopee có đường link: “shopee.vn/hienboida2326” và facebook có đường link: “facebook.com/DacTriTri686868” với tên Shop Tiểu Vy 3 - Chuyên hàng nhập khẩu Âu Mỹ để bán sản phẩm thuốc trị bệnh trĩ nhãn có chữ MR.DAFLON, loại15g/tuýp.

Ông Hoàng Đại Nghĩa- Đội trưởng Đội QLTT số 1 cho biết: “Đoàn kiểm tra và chủ lô hàng truy cập vào các đường link trên Shopee, Facebook trên và xác định chủ lô hàng có cung cấp thông tin buôn bán hàng giả trên môi trường internet (hình ảnh hàng hóa, có dấu hiệu “MR.DAFLON” gắn trên sản phẩm, là hàng hóa giả mạo nhãn nhãn hiệu đang được bảo hộ”.

Đến ngày 16-2, tiếp nhận thông tin phản ánh qua đường dây nóng sau thời gian dài thẩm tra, xác minh, lực lượng QLTT TP HCM đã đồng loạt tiến hành kiểm tra các địa điểm chứa trữ, kinh doanh nước hoa, mỹ phẩm nằm trên địa bàn quận Gò Vấp.

Tại điểm kinh doanh, lực lượng chức năng phát hiện lô hàng vi phạm trị giá gần 2 tỷ đồng. Phần lớn số hàng hóa này cũng được kinh doanh trên nền tảng TMĐT, không có cửa hàng cũng như thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh hợp pháp.

Theo Cục TMĐT&KTS, trong năm 2022, Cục đã phối hợp với lực lượng QLTT gỡ bỏ 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; chặn 5 website có dấu hiệu lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng mức xử phạt cho các hành vi gian lận TMĐT là 222 triệu đồng.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, TMĐT Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, nhưng bên cạnh những mặt tích cực, tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường TMĐT vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi.

Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online; phân tán hàng hóa nhiều nơi; chỉ giao hàng với số lượng dè dặt nhỏ lẻ, khó xác định được kho hàng; chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian; nhiều khi trên website đăng nhiều sản phẩm nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian kiếm lời…Đặc biệt, các đối tượng vi phạm còn dùng chiêu thức mở website và các trang mạng xã hội trong thời gian nhanh chóng khiến lực lượng chức năng rất khó kiểm soát.

Bên cạnh đó, phương thức "treo đầu dê, bán thịt chó" cũng rất phổ biến. Các đối tượng khi đưa thông tin lên mạng thì là hình ảnh và thông tin của hàng thật nhưng khi khách hàng nhận được có thể là hàng giả, hàng nhái mà bản thân nhiều lúc khách hàng cũng khó phát hiện.

Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, Cục TMĐT&KTS cũng như lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Dù vậy, để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, bên cạnh việc tuyên truyền trách nhiệm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái của các sàn TMĐT, xử lý nghiêm vi phạm, đại diện Cục TMĐT&KTS sẽ cùng cơ quan chức năng tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách để có sự điều chỉnh phù hợp thực tế nhằm quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh trên môi trường TMĐT.

Thời gian tới, Cục cũng sẽ tham mưu Bộ Công Thương tích cực phối hợp với Bộ TT-TT quản lý kinh doanh thương mại điện tử trên mạng xã hội, xây dựng và hướng dẫn cụ thể quy trình xử lý kỹ thuật các website vi phạm pháp luật để góp phần chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp.