40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc (17/2/1979 - 17/2/2019)

Hòa cùng khúc ca "Chiến đấu vì độc lập tự do"

ANTD.VN - Trong căn hộ tập thể nhỏ nằm trên phố Vạn Bảo (Hà Nội), nhạc sĩ Phạm Tuyên trầm ngâm nâng niu cuốn sổ ghi lại các bài hát mà mình sáng tác. Lần theo tờ giấy nhỏ màu trắng được ông dùng để đánh dấu trang, vị nhạc sĩ già lật đến trang giấy ghi lại bản nhạc “Chiến đấu vì độc lập tự do”, phía trên khuông nhạc còn in rõ dòng chữ: “Ngày 17-2-1979...”.

Hòa cùng khúc ca "Chiến đấu vì độc lập tự do" ảnh 1Nhạc sĩ Phạm Tuyên thời trẻ

Nhạc sĩ Phạm Tuyên viết ngay trong đêm 17-2-1979 

Nhạc sĩ Phạm Tuyên bồi hồi nhớ lại, sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, ông cứ nghĩ mình sẽ không còn phải viết những bài hát về chiến tranh nữa. Không ngờ người dân Việt Nam thoát ra khỏi cuộc sống lầm than, giành độc lập tự do chưa được bao lâu thì nhà cầm quyền Trung Quốc lại phát động cuộc xâm lược phi nghĩa, bắt đầu cho quân tràn vào các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể, ban đầu khi hay tin, ông chỉ cầu mong đó là vụ xô xát nhỏ ở khu vực biên giới, nhưng mong ước đó đã không xảy ra. 

Rạng sáng 17-2-1979, nhạc sĩ Phạm Tuyên khi ấy đang phụ trách âm nhạc tại Đài Tiếng nói Việt Nam đã lặng người đi khi nghe trên Đài phát đi thông tin quân Trung Quốc đã tràn qua biên giới phía Bắc nước ta. Ngay trong đêm hôm đó, nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác ca khúc “Chiến đấu vì độc lập tự do” với suy nghĩ  ghi lại cảm xúc không chỉ của riêng mình mà của mọi người dân Việt Nam, mở đầu bằng câu hát: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới...”.

Bài hát viết xong, Tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam yêu cầu anh em dàn dựng ngay, ban đầu giao cho tốp ca thể hiện, sau chọn dàn hợp xướng hát dưới hình thức hành khúc. Ngày 20-2-1979, ca khúc được chính thức phát sóng, góp phần cổ vũ tinh thần chiến đấu của toàn dân và toàn quân. 

Nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ, ông vẫn nhớ cảm giác xúc động phát khóc khi ca khúc vừa lên sóng thì ở ngoài này, ông nhận được cuộc điện thoại của những anh em cán bộ, người lính trong Tây Nguyên và Khu 5. Họ nói với ông rằng: “Chúng tôi chỉ mong có đôi cánh để bay ngay ra biên giới phía Bắc góp sức bảo vệ biên cương của Tổ quốc”. Hơn lúc nào hết, ông cảm nhận rõ rệt câu nói mà một nghệ sĩ đàn anh - nhạc sĩ Lưu Hữu Phước nói với mình: “Ông Tuyên ơi, hãy nhớ trong chiến đấu thì âm nhạc là một vũ khí đấy”. 

Quả thực, sau này qua hồi ức của rất nhiều người lính từng chiến đấu ở biên giới phía Bắc và may mắn sống sót trở về thì giữa chiến sự ác liệt, giai điệu và lời ca hào hùng của “Chiến đấu vì độc lập tự do” đã tiếp thêm cho họ sức mạnh diệu kỳ, cảm giác hào hùng và tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, để rồi lao vào cuộc chiến với tinh thần và sức mạnh mới. Về phần mình, nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng được kể lại rằng, ở các mặt trận chiến sự phía Bắc, chỗ nào có trận địa, mọi người đều tập hát bài này. 

Hòa cùng khúc ca "Chiến đấu vì độc lập tự do" ảnh 2Bản nhạc Chiến đấu vì độc lập tự do

Những sáng tác là nhân chứng sống của lịch sử

Cũng theo lời kể của nhạc sĩ Phạm Tuyên, “Chiến đấu vì độc lập tự do” không phải ca khúc đầu tiên được ông sáng tác về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Trong đó phải kể đến lần ông đi thực tế đến cửa khẩu Hữu Nghị ở biên giới Lạng Sơn và viết ca khúc “Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh” - người liệt sĩ đầu tiên ngã xuống khi quân xâm lược bành trướng tiến qua biên giới, rồi sau đó là ca khúc “Có một đóa Hồng Chiêm” viết về nữ liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm đã hy sinh ở biên giới thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh hay như “Tiếng đàn bên bờ sông biên giới” viết về tiểu đội tự vệ khu phố Lào Cai ở chốt bên bờ sông Nậm Thi...

Đáng nhớ nữa là bài hát “Tiễn thầy giáo đi bộ đội” mà ông viết tặng người thầy của con gái mình đã rời xa bục giảng, khoác balô lên đường tòng quân với những câu hát bình dị nhưng vô cùng xúc động: “Ngày mai thầy lên đường/ Đi làm anh bộ đội/ Tạm biệt mái trường xinh/ Để lên miền biên giới...” .

“Tới giờ ngồi nghĩ lại, thời đó tôi đi dọc các tỉnh biên giới từ Lào Cai đến Quảng Ninh, phải nói rằng cuộc chiến tranh này đã gây ra rất nhiều đau thương và mất mát không thể nào bù đắp nổi” - nhạc sĩ Phạm Tuyên bày tỏ. 40 năm kể từ cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ lùi xa, những ca khúc mà nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác thời kỳ ấy tới giờ đã có sức sống bền bỉ trải dài suốt 4 thập kỷ. Những sáng tác ấy giống như nhân chứng sống của lịch sử, được ghi lại bởi những người viết biên niên sử bằng âm nhạc. 

Tình yêu Tổ quốc bất tận

Hòa vào dòng chảy âm nhạc thời kỳ diễn ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới ở phía Bắc của Tổ quốc, nhạc sĩ Hồng Đăng thời đó đã có những sáng tác về thời bình mang tâm hồn thời chiến được những người lính mang theo ra trận, trong đó có “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ”. Ca khúc với giai điệu trong sáng, rộn rã được xem là chuyên chở ký ức về thành phố yên bình trong tâm hồn những thanh niên xếp bút nghiên lên đường ra trận, tiếp thêm động lực để họ chiến đấu và chiến thắng trở về. 

Không chỉ vậy, ông còn viết nên một ca khúc mà sau đó đã trở thành một trong những khúc tráng ca trong cuộc chiến này, đó là bài hát “40 thế kỷ cùng ra trận”. Nhớ lại, nhạc sĩ Hồng Đăng chia sẻ, ông sáng tác ca khúc này dành tặng những người lính ra trận bằng tất cả tình yêu Tổ quốc. Giai điệu hào hùng và ca từ hừng hực khí thế chiến đấu của bài hát này giống như lời hiệu triệu những người lính xông lên phía trước để viết trọn bài ca anh hùng cứu nước. 

Ghi dấu ấn về sức sống mãnh liệt trong dòng nhạc về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới ở phía Bắc của Tổ quốc còn có những bản tình ca đậm chất trữ tình. Ở đó, tình cảm đôi lứa hòa vào tình yêu quê hương đất nước. Trong đó phải kể đến ca khúc “Chiều biên giới” của nhạc sĩ Đức Miêng. Nhớ lại, nhạc sĩ Đức Miêng kể, thời đó ông đang công tác tại Đoàn dân ca quan họ tỉnh Hà Bắc (cũ) và lên đường đến biên giới phía Bắc ở địa phận Lạng Sơn để biểu diễn và sáng tác. Tại đây, tận mắt chứng kiện sự ác liệt của cuộc chiến, đứng trước những ngôi mộ của hàng trăm người lính đã ngã xuống và ánh mắt xót xa của những người ở lại, cảm xúc nghẹn ngào trào dâng trong ông. 

Trở về với nỗi đau đáu khôn nguôi, ông viết ca khúc “Chiều biên giới” nói về nỗi lòng của những người lính nơi biên cương Tổ quốc hướng về quê nhà thân thương. Giữa lằn ranh sinh tử của sự sống và cái chết, giữa sự gian khó và hiểm nguy nơi trận mạc, tinh thần người lính vẫn lạc quan tin vào ngày trở về để đoàn tụ với gia đình, với người tri kỷ. Bài hát vì thế giống như lời động viên tinh thần lớn lao đối với những người chiến sĩ đang làm nhiệm vụ giữ gìn từng tấc đất quê hương.

Trong suốt cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, có hàng trăm bài hát đã ra đời như thế, đó chính là những cuốn sử bằng nhạc ghi lại chân thực thời kỳ lịch sử đau thương nhưng hào hùng của dân tộc với sức sống trường tồn, bất diệt. 

“40 năm đã qua, tôi vẫn ước ao sau này có công trình tưởng niệm những người đã hy sinh vì cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới này. Đối với dân tộc Việt Nam, đó là quyết tâm giữ gìn từng mảnh đất biên cương từ đời này sang đời khác, không gì có thể thay đổi được. Đó cũng là lời nhắc nhở đến thế hệ ngày nay và sau này về truyền thống của cha ông đi trước” 

Nhạc sĩ Phạm Tuyên 

Nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha: “40 năm sau, tôi vẫn nhớ như in”

Hòa cùng khúc ca "Chiến đấu vì độc lập tự do" ảnh 4

“Ngày 25-2-1979, chỉ sau 1 tuần Trung Quốc tấn công biên giới phía Bắc của Việt Nam, tôi đã được lệnh của Bộ Tư lệnh cử lên Cao Bằng viết bài để đăng báo về trạm thông tin A51. Đây là cứ điểm ta đã giữ vững trong cuộc tấn công đầu tiên của Trung Quốc vào Cao Bằng. Nhờ đó, thông tin liên lạc được giữ vững, không bị đứt quãng và giúp cho bộ binh của ta đánh trả quân Trung Quốc bành trướng xâm lược ở Cao Bằng hiệu quả.

Trên đường từ Hà Nội lên Cao Bằng, tôi đã gặp khoảng hơn chục cháu bé người dân tộc tháo chạy từ Cao Bằng về ngã ba Ngân Sơn. Nhìn những đứa bé luồn rừng 14 ngày, cơm không đủ ăn, quần áo tả tơi để trốn chạy những đợt tấn công của  quân bành trướng xâm lược mà thương xót, căm phẫn lắm.

Tôi đã làm bài thơ về các em nhỏ trong đó có câu: “14 ngày ăn không đủ suất trẻ con/Đi bằng người lớn, im lặng như người già/Trẻ con Cao Bằng vượt qua vòng vây giặc/Những thằng thèm xé xác trẻ con/Trẻ con của Cao Bằng là những người chiến thắng/Giữa lũ lượt gánh gồng sơ tán/Ngược đường chúng tôi lên mặt trận sáng nay”.

Lên tới trạm A51, tôi đã được gặp đồng chí Trưởng trạm người dân tộc Tày ít nói nhưng rất hay. Anh cho biết, các chiến sỹ ở đây đã chốt trạm tới cùng, không rút chạy để giữ thông tin liên lạc được thông suốt. Tôi nhận thấy ở thời nào, Việt Nam cũng xuất hiện những người anh hùng mặc áo vải, đó là phẩm chất của người lính được tôi rèn qua nhiều thế hệ người Việt. Sau đó, tôi đã viết bài báo về trạm A51 trong trạng thái căm phẫn. 

Trong chuyến đi ấy, tôi còn tới Hoàng Liên Sơn rồi về Đông Bắc. Chuyến đi kéo dài tới hơn 1 tháng để ghi nhận không khí chiến đấu của bộ đội ta. Đi tới đâu, tôi cũng thấy không khí chiến tranh trận bi tráng, hào hùng. Việt Nam có lẽ là đất nước chịu nhiều đau thương nhất từ các cuộc chiến tranh. Tôi đã sáng tác nhiều ca khúc như: “Hành quân lên vòng cung Ngân Sơn”, “Lên núi”… cùng một số bài thơ. Chuyến đi đó rất đặc biệt với cá nhân tôi và  40 năm sau, tôi vẫn nhớ như in”. 

Nhà điêu khắc Trần Hoàng Cơ: “Đồng đội của tôi đã nằm lại Lạng Sơn khi tuổi đời mới đôi mươi”

Hòa cùng khúc ca "Chiến đấu vì độc lập tự do" ảnh 5

“Có mặt tại Lạng Sơn năm 1980, tôi khi ấy mới 19 tuổi và là một chàng thanh niên Hà Nội. Tôi đã trực tiếp tham gia giai đoạn sau của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Đó là giai đoạn xây dựng các điểm chốt trên cao và cắm chốt để bảo vệ biên cương. Lúc đánh nhau giáp mặt đã khắc nghiệt nhưng thời gian cắm chốt trên cao còn khắc nghiệt hơn nhiều lần, đòi hỏi sự can trường, bản lĩnh và chịu đựng gian khổ. Tôi và các đồng đội có nhiệm vụ xây dựng các điểm chốt ở lưng chừng núi. Mỗi ngày, chúng tôi có nhiệm vụ bê 1 tấm bê tông lên núi và bắt tay vào xây dựng các điểm chốt. Dù vất vả, gian khổ nhưng nhiệm vụ ấy được thực hiện trong vòng 2 năm thì xong. 

Chốt điểm đã xây xong, bộ đội bắt đầu vào ở và làm nhiệm vụ bảo vệ cột mốc. Để sống được ở độ cao lưng chừng núi, hàng ngày đều có người gánh cơm lên cho bộ đội ăn. Bữa cơm đạm bạc chỉ có bát cơm với một chiếc bánh mỳ nhỏ nên ai cũng cảm thấy đói. Để chống lại cơn đói, các tiểu đội đều tự tăng gia. Buổi sáng, các chiến sỹ xuống khe núi trồng rau, gánh nước, tối đi phục thám báo. Nhiều khi phải ăn cả lá rau tàu bay để chống đói nhưng vẫn quyết giữ cứ điểm đến cùng. 

Điều khắc nghiệt của việc cắm chốt bảo vệ cột mốc chính là sự cô đơn và nghiệt ngã của cuộc chiến. Thành phố Lạng Sơn khi đó như một thành phố chết, dân cư đều  phải chạy sơ tán lùi lại về sâu hơn ở phía sau trong nội địa để bảo tồn sự sống, chỉ còn các đơn vị chiến đấu có mặt ở khu vực giáp biên giới với Trung Quốc.

Đứng ở độ cao trên núi nhìn về phía bên kia biên giới và nhìn lại thành phố nơi mình đang cắm chốt, tôi không khỏi cảm thấy chạnh lòng. Mênh mông là màn đêm bao phủ. Đã có hàng nghìn lần tôi tự hỏi, giá như cuộc chiến không xảy ra, nơi đây sẽ là một vùng đất trù phú, hai đất nước sẽ thông thương qua lại, phát triển kinh tế. Thế nhưng, sự nghiệt ngã của chiến tranh là thế. Người lính có nhiệm vụ cầm súng, đứng lên bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và không cho phép mình từ bỏ nhiệm vụ trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn, khốc liệt nào. 

Những tháng ngày cắm chốt ấy, tôi đã không ít lần chứng kiến sự hy sinh của các đồng đội. Nước mắt người lính đã rơi khi nhìn những người đồng chí, đồng đội của mình mãi mãi nằm lại mảnh đất Lạng Sơn khi tuổi đời mới đôi mươi. Dù nghiệt ngã nhưng chiến tranh vẫn có những khoảng lặng. Với tuổi thanh xuân và tâm hồn phơi phới, cảnh sắc mùa xuân nơi biên cương đã mang lại cho người lính trẻ như tôi những kỷ niệm không thể nào quên. Những vạt rừng nở trắng hoa trẩu hay những sườn đồi mênh mông hoa loa kèn đỏ quá lãng mạn dành cho những người lính canh giữ biên cương năm ấy. 

Với 8 tháng kiên trì bám trụ, tôi đã được cấp trên cho xuống chốt và làm công tác tuyên huấn trong lực lượng quân đội. Với bảng vẽ và cây bút, tôi đã đi khắp các đơn vị quân đội ký họa lại cảnh sắc Lạng Sơn cách đây 40 năm và tinh thần chiến đấu của các chiến sỹ bộ đội. Những tư liệu đi cùng cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã được tôi chuyển thể thành các tác phẩm hội họa và điêu khắc cho sau này”. 

Họa sỹ Văn Sáng: “Ngày ấy 19 tuổi, tôi đi trong đoàn quân”

Hòa cùng khúc ca "Chiến đấu vì độc lập tự do" ảnh 6

 “19 tuổi có mặt tại đặc khu Quảng Ninh, tham gia Trung đoàn 244, sư đoàn 323 với tư cách là cán bộ tuyên huấn, tôi không bao giờ quên trận pháo kích lần đầu tiên trong đời được chứng kiến. Đang có mặt ở đơn vị, lúc ấy vào tầm trưa, đột nhiên, tôi nghe thấy tiếng nổ chát chúa rất gần, mặt đất rung lên, đất đá rơi rào rào kèm theo những tiếng rít xoèn xoẹt như xé gió trên đầu. Tim tôi đập thình thịch như trống liên hồi. Khi đã bật khỏi giường rồi nằm sát xuống nền đất, tôi cảm thấy hiểm nguy đang kề cận, sống chết mong manh. Tôi lao ra cửa rồi lên giao thông hào và bò lên hầm trên đỉnh đồi phía sau nhà. Vẫn những tiếng nổ chát chúa, mặt đất vẫn rung lên, những tiếng rít xé gió như khoan thẳng vào tai, khói và mùi thuốc súng sộc vào hầm khét lẹt. 

Trong thoáng chốc tất cả cán bộ chiến sĩ Ban Chính trị của tôi đã ra hầm an toàn, có tiếng Thủ trưởng Phiên nói: “Tàu bắn chính xác các cậu ạ, chụm lắm, pháo 130mm”. Lại có ai đó gào lên: “Cụ Phiên vào hầm đi”. Một lúc sau, Thủ trưởng Phiên mới khom lưng đi vào vừa bước vừa nói: “Các cậu ngồi thế này nguy hiểm nếu trúng đạn là toi, đứng lên lấy vai và lưng tì sát vào nóc hầm, đầu cúi xuống mới an toàn” rồi ông làm mẫu và mọi người lặng lẽ làm theo. Một lúc sau lại thấy tiếng “cụ Phiên” từ ngoài cửa hầm vọng vào: “Những quả vi vu trên đầu thế này là vượt tầm, quả xoẹt xoẹt thế này là trúng đầu mình đấy!”. Thủ trưởng Phiên chưa kịp nói hết câu thì uỳnh uỳnh uỳnh, mặt đất lại rung lên, những thanh bê tông trên nóc hầm cũng rung lên bần bật, nước và bùn đất chui qua kẽ chảy thẳng vào đầu vào mặt mũi chúng tôi...

Tôi trở về căn phòng của mình, trên vách tường chi chít những lỗ thủng do mảnh đạn xuyên qua, ánh sáng từ ngoài chiếu vào tạo thành vô vàn những đốm sáng như sao, đất đá rơi phủ một lớp dầy trên mặt sân trước cửa nhà. Khi tôi quét dọn, nhặt được vô số những mảnh đạn pháo màu xám xịt, sắc lẹm, ám đầy mùi thuốc súng.

Trong bữa cơm chiều hôm đó, tôi không thể nào nuốt được dù có món gà rang với muối hạt thơm ngon, vừa ăn vừa lo lắng vừa vểnh tai lên nghe xem có tiếng pháo đầu nòng không để còn kịp chạy lên hầm.

Đêm hôm ấy khi ngồi gác nghe tiếng chim khắc vào màn đêm những âm thanh đều đều, khắc khoải tôi thấy thèm một phút giây bình yên, thèm ngồi một mình bên quán nước nơi góc phố ngắm người lại qua… Đó là lần đầu tiên của một gã trai 19 tuổi lần đầu lên chốt là tôi. Rồi thì những trận pháo kích đó gần như ngày nào tôi cũng được trải nghiệm, có ngày vài bận. Từ đó tôi quen dần…”.