"Họ hàng nhà Táo quân" kể chuyện đời, chuyện nghề

ANTĐ - Bao nhiêu vấn đề “nước sôi lửa bỏng” nhức nhối của xã hội… kể bằng cách diễn dí dỏm nhưng sâu sắc, hài hước của các Táo.

Hằng năm, cứ mỗi độ tết đến xuân về, cả nhà quây quần ngóng đợi xem “Gặp nhau cuối năm” do các danh hài thể hiện. Từ đây, bao nhiêu vấn đề “nước sôi lửa bỏng” nhức nhối của xã hội trong các ngành nghề giao thông,  quy hoạch đô thị, sụt giảm chứng khoán, nhà đất bất động sản, y tế, giáo dục, kinh tế… được kể bằng cách diễn dí dỏm nhưng sâu sắc, hài hước của các Táo. Cuối năm, trong những ngày các Táo vô cùng bận rộn để “thu thập chứng cứ”, lên báo cáo với Ngọc hoàng, gặp các Táo để nói về chuyện bên lề - con người bên trong mỗi Táo.

Nghệ sĩ Ưu tú Chí Trung: Với tôi không có chuyện chen vào ngồi lê đôi mách hay nịnh bợ

"Họ hàng nhà Táo quân" kể chuyện đời, chuyện nghề ảnh 1

Anh có 10 năm tham gia chương trình "Gặp nhau cuối năm" vào vai Ngọc hoàng, Táo cơ chế, Táo quan chức, và bền lâu nhất với Táo giao thông. Năm nay trong chương trình Táo cuối năm thường niên của nhà đài, NSƯT Chí Trung vẫn trung thành với hình ảnh Táo giao thông, với đầy những vấn đề nổi cộm và gay cấn.

Cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Tôi sợ nhất có những quyết định mình làm sai với người tốt, làm buồn lòng những người tốt. Thi thoảng có những lúc mình bộp chộp, nóng nẩy, mình lỡ mắng hay nặng lời, có một cử chỉ hơi quá với một ai đó là người tốt làm phiền lòng người ta thì mình buồn lắm. Tôi làm điều tốt cho người tốt tôi sung sướng hơn làm được việc cho người xấu. Có nhiều người mình không ưa nhưng vì hoàn cảnh mình vẫn phải làm tốt cho họ bởi cái nhân của mình nó thế, nhưng mình không sướng bằng làm được việc cho người tốt.

Có nhiều người hỏi tôi: "Anh đóng hài nhiều quá có sợ làm cho khán giả bão hòa không?". Câu hỏi như thế chỉ mang nặng về tính suy diễn thôi. Thực tế không phải như vậy. Nhiều người rất nhầm. Chính kịch, hài kịch, bi kịch mục đích như nhau cả thôi, quan trọng là nội dung, cốt lõi bên trong, làm hay hấp dẫn mang lại yếu tố nghệ thuật thẩm mỹ cho tác phẩm ấy. Nếu là cái cũ thì muôn năm cũ, như tình nghĩa cha con, tình nghĩa thầy trò, cuộc sống hôn phối, tình yêu là cái cũ quá đi. Nếu chỉ làm về mô hình thì cũ lắm. Nhưng cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn, và cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn tất cả những kết cấu đấy vẫn cứ bền vững và chẳng có gì là cũ cả.

Tôi quan niệm ai làm được việc người đấy là được, hãy chứng minh năng lực của chính mình. Với tôi không có chuyện chen vào ngồi lê đôi mách  hay nịnh bợ. Tết nhất, lễ lạt tôi không đến nhà "sếp" bao giờ  và cũng đừng ai đến nhà tôi cả. Chứ quý nhau lại là chuyện khác. Còn đến để mà tạo vấn đề lobby thì không có với tôi. Tôi là người chân thực muốn đứng bằng chính năng lực.

Diễn viên Quang Thắng: Tôi tin vào luật nhân quả.

Năm 2011 có thể gọi là năm đại thắng lợi với danh hài này. Anh nhận được vô cùng nhiều những hợp đồng quảng cáo. Nói không ngoa, Quang Thắng chắc hẳn là người đắt sô nhất trong hợp đồng quảng cáo của làng hài cả hai miền Nam Bắc hiện nay. Năm nay anh lại trở lại đảm nhiệm vai Táo kinh tế - với nhiều trăn trở…

- Anh có tin vào luật nhân quả không?

- Tôi tin vào luật nhân quả, gieo gì thì gặt nấy, mình sống thế nào thì để đức cho con. Người xưa có câu "Đời cha ăn mặn, đời con khát nước" hay "phúc đức tại mẫu" là nói đến luật nhân quả ở đời. Bố tôi sống hết lòng với tôi, ngược lại tôi cũng báo hiếu cho bố. Từ khi tôi còn bé đến giờ bố mẹ tôi không bao giờ phiền lòng một điều gì về tôi cả. Hai vợ chồng tôi rất chu đáo với hai bên gia đình nội ngoại. Nhưng để dạy dỗ một đứa trẻ bây giờ thì nhiều yếu tố tác động lắm, gia đình, nhà trường và xã hội nữa.

- Anh có giọng nói rất đặc biệt, rất duyên và riêng biệt, vậy anh viết có hay không?

- Đúng là tôi nói được thôi chứ viết thì cực kỳ kém. Chữ tôi xấu lắm, các cô giáo chẳng ai luận nổi chữ của tôi cả. Từ khi đi học, những bài văn của tôi, tôi đều thêm những từ ngữ buồn cười vào, người ta xổ toẹt đi. Nhưng bù lại môn vấn đáp của tôi lại rất khá. Nhiều người sợ vấn đáp chứ trò thi vấn đáp với tôi vô cùng hay.  Khi thầy cô gọi tôi lên bảng, mọi người nhìn thấy vở của tôi đều nói  "chữ xấu quá! Nhưng  chữ xấu thế thì lòng mới thật. Nào để vở sang một bên và nói đi". Vì tôi chỉ cần nắm vài ý gạch đầu dòng là lên thao thao bất tuyệt.  Tôi nói vui, mọi người nghe khoái lắm.

- Nếu đêm 30 tết anh có hứng thú nói và viết thì anh sẽ nói và viết gì?

- Chữ tôi nguệch ngoạc như gà bới  nên nếu viết sẽ không ai đọc được đâu. Tôi nghĩ gì thì tôi viết những câu hay hay, rồi thi thoảng hứng lên tôi lại vẽ cả những hình ngồ ngộ. Nhưng hình thì cực xấu, tôi cũng chẳng biết vẽ. Vẽ người tôi chỉ vẽ được cái vòng tròn xoe là mặt người. Hai dấu chấm tròn nhỏ là hai con mắt ở hai bên. Miệng như cái lưỡi liềm, cười toét. Một cái que ở giữa là cổ. Hai tay là hai gạch chéo. Cái chân ở giữa như hai cây sậy. Mặc dù vẽ xấu tôi vẫn có hứng vẽ, nhất là vào dịp tết, không khí làm cho mình rất hưng phấn.

- Năm hết tết đến, anh có ao ước điều gì không?

- Năm nào tôi cũng mong cho năm mới sức khỏe của tôi và gia đình luôn dồi dào. Duyên hài của tôi được mọi người yêu quý đón nhận và gia đình tôi luôn đầm ấm, hạnh phúc. Tôi luôn cầu mong cho mình và mọi người, gia đình bạn bè và quý vị khán giả gặp nhiều hạnh phúc.  Hạnh phúc ý nghĩa vô vàn. Mọi người hạnh phúc thì mình cũng hạnh phúc.

Diễn viên Công Lý: Con người tôi có khá nhiều mâu thuẫn mà tôi không sao lý giải được

Hơn chục năm nay, từ khi chương trình "Gặp nhau cuối năm" ra mắt vào mỗi dịp tết đến xuân về, Công Lý vẫn được giao nhiệm vụ trung thành với hình ảnh cô Bắc Đẩu đỏng đảnh, đỏm dáng làm duyên trước bàn dân thiên hạ. Bằng duyên hài của mình "cô Đẩu" đã tạo nên không ít những trận cười nghiêng ngả, sảng khoái dành cho khán giả. Tuy nhiên, có những chuyện hậu trường, không phải ai cũng biết về chuyện của cô Bắc Đẩu ngoài đời.

Tôi cầm tinh con Trâu (39 tuổi), lại sinh vào mùa thu nên cuộc sống khá long đong, vất vả. Trong con người tôi cũng có khá nhiều mâu thuẫn mà tôi không sao lý giải được. Tôi là người thích lao động và vì thế cứ luôn chân, luôn tay, công việc nhiều khi cứ ngập đến tận đầu. Tôi thấy thật thích khi lao động mà có hiệu quả. Ấy thế nhưng nhiều việc quá, mệt thở chẳng ra hơi thì tôi lại cảm thấy mệt mỏi. Việc nhiều quá tôi ăn cũng chẳng ngon, ngủ cũng chẳng yên. Lúc đấy tôi lại chỉ muốn một ngày nào đó tôi không phải làm gì, không phải nghĩ gì, đầu óc trống rỗng, chân tay thảnh thơi và ngủ vùi trong chăn ấm.

Người ngoài thường hay nghĩ những diễn viên hài chúng tôi thì cuộc đời vui vẻ và đầy ắp tiếng cười, thực ra tôi là người nhạy cảm và đôi khi mất tự tin.  Tôi chẳng bao giờ làm hoạt náo viên sôi động được nếu như không có kịch bản. Không có kịch bản thì tôi lại trở về đúng chính tôi, tôi cũng bình thường như bao người và không dễ gì làm cho ai cười được cả. Nhiều người lại cho cái sự ít nói của tôi là khó tính, khó gần. Họ bảo: "Mày lên sân khấu vui thế kia mà, làm gì có chuyện khó khăn thế?". Tôi nói sân khấu khác, cuộc sống khác, đừng nhầm. Sân khấu có kịch bản, có chủ đề, có tư tưởng, có lời thoại, có hành động… Còn ngoài cuộc sống cứ gò ép muốn tôi làm vui cho mọi người, quả thật đó là cực hình để tra tấn tôi. Tôi thấy mệt nhất là phải gồng mình lên mua vui cho những lúc như thế. Bịa ra để nói huyên thuyên cho có không khí tươi vui là tôi chết cứng. Nhưng bù lại tôi học rất nhanh, tôi nhớ rất tốt kịch bản. Tôi ghét nhất là sự dễ dãi trong công việc nên khi đã đảm nhận vai diễn tôi luôn làm việc hết mình.

Diễn viên Vân Dung: Diễn hài mang niềm vui, hạnh phúc cho mọi người thì tại sao mình không làm?!

"Họ hàng nhà Táo quân" kể chuyện đời, chuyện nghề ảnh 4

Năm nay, Vân Dung vào vai Táo y tế và cùng với bạn thân Quang Thắng (Táo kinh tế) đóng một cặp song táo ra diện kiến Ngọc Hoàng (Quốc Khánh). Được đào tạo tại sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ, Vân Dung được NSND Lê Hùng phát hiện và đã đưa chị từ những vai diễn thuở đầu tiên đến với vai hài. Cho đến tận giờ, làng hài của đất bắc, Vân Dung là gương mặt nữ hiếm hoi và có phong cách rất riêng biệt.

Năm Nhâm Thìn này, mình đã bước sang tuổi 38 rồi, không  còn trẻ để mà làm tất cả mọi thứ nữa nên mình hãy cố gắng làm tốt một thứ. Mình vui lắm vì mang tiếng cười đến cho mọi người. Cuộc sống, ai cũng thích cười chứ không phải riêng mình đâu. Và diễn hài là mang niềm vui, hạnh phúc cho mọi người thì tại sao mình không làm?

Mình không phải là người thích cợt nhả đâu. Ngoài đời có thể đùa vui vẻ tếu táo được nhưng mà cợt nhả là mình không thích. Khán giả có nhiều khi yêu quý mình quá, họ nghĩ mình ở ngoài đời cũng giống như trên sân khấu. Xấu xí, nhố nhăng, nên họ lao vào trêu đùa mình. Họ vồn vã, thân thiện. Mình sẽ rất vui nhưng quá một tí thì mình không nói lại nhưng mình phải nghiêm mặt lại, chứ mình không bao giờ đôi co. Bởi vì mình đôi co người ta sẽ đánh giá mình khác đi. Thực ra khán giả nhiều người tế nhị, trường hợp đùa quá thỉnh thoảng mới có thôi. Sau khi mình nghiêm mặt lại thì mình nói là "Chỉ đùa thế này thôi nhé". Khi mình đùa lại họ một cách tế nhị thì bản thân họ suy nghĩ và sẽ nghĩ là chỉ nên dừng lại ở đấy thôi.

Một năm mới sắp bắt đầu, mình vẫn thích và mong ngóng tết như hồi còn trẻ con. Nhìn thấy những cành đào khoe sắc hồng phai, những cây quất rung rinh trĩu quả, lá dong để gói bánh chưng bày bán ở trên đường phố, người người đi lại mua sắm đón xuân là mình lại hồi hộp mong chờ một điều gì đó. Ngày 30 tết mọi người trong gia đình lại quây quần bên nhau ăn bữa cơm tất niên đầy ý nghĩa, rồi háo hức đợi đến tối để xem "Gặp nhau cuối năm"…

Diễn viên Tự Long: Ngày Tết tôi hướng về cội nguồn, về tâm linh và giá trị truyền thống

Trong gia đình nhà Táo thì Táo thể thao (Tự Long) có giọng hát mượt mà hơn cả. Sinh ra và lớn lên tại vùng quê đất quan họ xứ Kinh Bắc, mảnh đất đã hun đúc và thổi hồn vào người con của đất này để cho lời ca, tiếng hát của anh trở nên luyến láy trầm ấm và mượt mà giàu sức truyền cảm. Hiện nay anh quản lý 40 diễn viên Nhà hát Chèo quân đội. Chính vì biết lợi thế của anh nên "Gặp nhau cuối năm" thường khai thác triệt để Tự Long ngoài việc diễn còn cả việc hát.

- Ngày Tết có gợi lại trong anh điều gì không?

- Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê Bắc Ninh có nhiều những phong tục cổ truyền đáng quý, ngày tết là phải về sum họp với gia đình.

Ngày xưa tôi nhớ là con trai lớn mới được thịt gà, để cúng đêm giao thừa. 11 giờ, chuẩn bị bước sang năm mới, là không được đi ra ngoài, vì bà tôi bảo đấy là giờ động thổ rồi đừng sang nhà ai chơi nữa cả và chỉ có mở cửa ra để đón xuân thôi. Như quê tôi đến giờ vẫn giữ những phong tục, tập quán lễ hội ngàn đời nay. Tôi nghĩ rằng, giấy rách thì phải giữ lấy lề, làm gì thì làm mình cũng phải nhớ: không có dòng họ, tổ tiên ông bà thì chưa chắc mình đã có ngày hôm nay. Nên tôi hướng về cội nguồn, hướng về tâm linh, về giá trị truyền thống. Tôi là một người rất tôn thờ điều đó. Ngày tết tôi hay đến những danh thắng đền chùa. Có thể do sống nội tâm nên khi đến chùa chiền danh thắng thì cảm thấy lòng mình thanh thản hơn, trở về với thiên nhiên hơn. Tôi không phải là người mê tín dị đoan, nhưng tôi tin vào những điều mà mọi người vẫn tin "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành".

- Sang một năm mới anh mong muốn điều gì?

- Tôi hy vọng năm mới mình tràn đầy sức khỏe và sinh lực  để làm tốt công việc. Thực ra gia đình là nơi luôn luôn làm cho tôi trăn trở nhất bởi vì công việc của tôi dành quá nhiều cho xã hội. Trong lòng mình lúc nào cũng cảm thấy thiếu sót, bị khuyết về mặt gia đình. Về gia đình mỗi một năm lại có cấp độ khác nhau, phát triển khác nhau. Tại sao người ta bảo ngày xưa nghèo hèn thế mà gia  đình hạnh phúc mà bây giờ có tiền thì lại không hạnh phúc?! Đó chính là  sự phát triển không đồng đều về công việc cũng như về gia đình. Nhiều gia đình ở xã hội hiện đại này mắc phải, nó là căn nguyên của nhiều sự tan vỡ.

Với những người yêu và quý trọng tình cảm như tôi thì tôi nghĩ gia đình là nơi để làm nên nhiều thứ, nếu gia đình mà không ổn định, gia đình mà làm cho mình đau đớn thì mình sẽ không thể làm tốt được công việc. Đó là cái điều mà thật sự rất trăn trở. Nên tôi mong muốn gia đình mình sẽ mãi êm thấm, hòa thuận, bền vững mãi bên nhau