Hiệu ứng “tiện tay”

ANTĐ - Các nhà xã hội ở Mỹ tiến hành một cuộc thử nghiệm: họ để 2 chiếc ô tô giống hệt nhau trên cùng một con phố, trong đó một chiếc xe được mở tung nắp ca pô và cửa kính lái, còn chiếc kia thì được giữ nguyên. 

3 ngày sau, chiếc xe để mở nắp ca pô bị người ta phá hoại tới mức không còn nhận ra hình dáng, trong khi chiếc xe kia không hề hấn gì. Khi đó, các nhà điều tra xã hội mới đập vỡ một mảng trên kính chiếc xe này. Chỉ 1 ngày sau, tất cả kính của chiếc xe đều bị đập tan nát, nội thất bên trong bị lấy cắp hết không còn thứ gì.

Tiếp tục một cuộc thử nghiệm thứ 2, người ta mang rác vứt bừa bãi lên một con phố. Chỉ vài ngày sau, con phố đó đã ngập rác rưởi. Người ta đồng thời quét dọn một con phố khác tới mức sạch bong. Nhiều ngày sau đó, không hề có ai vứt rác, thậm chí nếu thấy rác rơi trên phố, còn tự nhặt cho vào thùng hay nhắc nhở khi có ai đó từ xa đến mà lỡ tay vứt rác. 

Hiệu ứng đó được các nhà xã hội học gọi là “hiệu ứng tiện tay”. Kết luận được đưa ra: theo tâm lý của con người, những thứ đã hỏng thì có phá hỏng thêm một chút nữa cũng không sao, còn đối với những thứ vẫn đang nguyên vẹn, đẹp đẽ, thế nào người ta cũng giữ gìn nó một cách rất tự nhiên. Nếu như nó đã thành một thói quen tâm lý của con người, thì chúng ta không thể nào thay đổi mà chỉ có thể áp dụng linh hoạt vào cuộc sống của chính mình: hãy luôn giữ “sạch” tâm hồn, đừng để một chút rác bẩn nào xuất hiện để rồi kéo theo hiệu ứng “tiện tay”.