Hiệu quả từ sự quyết liệt

ANTĐ - Bảo người Hà Nội không quyết liệt chắc chắn sẽ có ý kiến phản đối. Nhưng nếu không nói, cứ nhìn vào những việc làm ở thành phố tuổi 1001 này, thì tôi tin sẽ có nhiều ý kiến đồng thuận.

Tuần này, Hà Nội có 2 sự kiện khiến người ta bàn tán nhiều: Chuyện thứ nhất. Vào phút 89, lúc đó nghe nói đã là hơn 22h của ngày 11-7, những hộ dân cuối cùng trong “khu đất vàng” 22-24 Hàng Bài đã chấp nhận ký thỏa thuận đền bù để di dời tới nơi ở mới. 47 tỷ đồng cho 52m2 đất ở quả là một con số đền bù cao kỷ lục, vượt quá xa so với mức quy định của thành phố cho mức đền bù cao nhất ở trung tâm quận Hoàn Kiếm là 81 triệu đồng/ m2. Vậy mà vẫn không thành.

Sự việc này xảy ra đã quá lâu, âm ỉ trong dư luận, rồi đẩy lên cao trào khiến chủ đầu tư dự án phải trì hoãn tiến độ khởi công nhiều tháng trời. Cuối cùng, dền dứ mãi, đến khi lệnh cưỡng chế được ban ra, hơn 500 cán bộ chiến sĩ công an và các ban ngành khác được lên phương án triển khai, để sáng 12-7 ra quân thì mọi việc đã được giải quyết ổn thỏa.

Sáng 12-7, những người thừa hành nhiệm vụ đã không phải ra tay cưỡng chế, những chiếc xe cứu hỏa, xe cứu thương rất may không phải hoạt động. Những chiếc xe cẩu xe tải cũng im lìm, bởi các hộ dân cuối cùng đã tự động di dời trong yên ắng.

Câu chuyện thứ hai là về Rùa hồ Gươm. Câu chuyện này đã nóng rừng rực trước và sau Tết Nguyên đán. Chỉ tới khi "cụ Rùa" được trục vớt đưa vào bể dưới chân tháp Rùa để chẩn trị chữa bệnh thì mọi người mới tạm thời dịu bớt nỗi lo lắng, bức xúc.

Sau 100 ngày cụ được điều trị, chăm sóc đặc biệt dưới chân tháp Rùa, đúng 17h45 ngày 12-7, những người có trách nhiệm trong "dự án" chữa bệnh cứu Rùa hồ Gươm đã âm thầm thả cụ về với nước hồ đang kỳ xanh ngắt. Có vẻ, lần này giới truyền thông không được “cầu viện”, nên không xuất hiện rình rập những tay máy chuyên và không chuyên đeo bám từng nhúc nhích của “hoạt động lần đầu tiên diễn ra” này. Chỉ khi mọi việc đã xong, "cụ" Rùa đã trở về với lòng hồ quen thuộc suốt nhiều năm qua, thì thông tin mới được đưa ra.

Thông tin được đưa ra khi tiến hành quyết định này là rùa hồ Gươm đã hoàn toàn khỏe mạnh, hoàn toàn bình phục. Tất cả các vết lở loét trên đầu, trên mai đều đã được chữa lành. Sức khỏe của rùa hoàn toàn tốt để trở về sinh sống trong môi trường tự nhiên. Hồ Gươm sau khi được tiến hành nạo vét chỉnh trang lại được “trời cho” mấy trận mưa nên đã xanh trong trở lại.

Vậy là xong.

Nếu không có dư luận khá gay gắt và quyết liệt, có thể việc cứu chữa cho rùa sẽ còn tiến hành chậm hơn nữa. Bởi nếu sòng phẳng và quyết liệt là căn tính, thì việc làm này đã có thể tiến hành sớm hơn, khoa học hơn. Và công việc khám chữa bệnh cho một cá thể quý hiếm và chứa đựng niềm tin của nhiều người như Rùa hồ Gươm, lẽ ra phải là công việc được tiến hành từ hàng chục năm trước. Nhưng muộn, còn hơn không. Câu nói ấy giờ này vẫn đúng, dù đôi khi người ta nói ra có vương chút an ủi.

Bên cạnh đó, môi trường hồ Gươm khi thả rùa trở lại cũng là một vấn đề cấp thiết phải bàn. Vì nước hồ vẫn có màu Lục Thủy như tên gọi của nó trước đây, chỉ có điều, xung quanh hồ vẫn còn rất nhiều rác thải, vỏ kem, hộp sữa, túi nilon do con người vô ý thức vứt ra, cả xác hoa, xác lá từ những cây ven hồ rụng xuống. Chẳng lẽ, rùa sẽ lại phải "ăn ở" như trước đây? Trên nhiều diễn đàn mạng, người ta tỏ ra vô cùng lo lắng về tình trạng này, các ý kiến được bày tỏ: "Thật không hiểu nổi dân mình nữa. Hồ đẹp thì ra ngắm, rồi lại xả rác ở đó rồi về. Vậy là tự ta góp phần làm xấu đi những gì đẹp trong cuộc sống của mình"? Thậm chí, gay gắt hơn: "Với tình trạng xả rác như thế không biết Rùa hồ Gươm trở lại có mang thêm bệnh nữa không nhỉ? Mong các cơ quan chức năng phạt thật nặng những trường hợp xả rác".

Mong thì mong là vậy, nhưng nước ta làm gì đã có luật bỏ tù hay phạt tiền "cắt cổ" cho những người xả rác "chừa" thói kém văn minh ấy như nước bạn?  Xem ra, sự quyết liệt vẫn đang là một bài toán khó với người Hà Nội.