Ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng:

Hãy nói "không" với sự xấu xí

ANTD.VN - UBND TP Hà Nội vừa chính thức ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng với 4 chương và 14 điều, gồm những hướng dẫn cụ thể về những điều nên làm và không nên làm ở nơi công cộng. Nhân dịp này, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng ông Tô Văn Động (Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội).

- PV:  Thưa ông, xuất phát từ lý do gì, Hà Nội cần phải ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng?

- Ông Tô Văn Động: Xuất phát từ chính thói quen xấu của người Hà Nội trong nhiều năm trở lại đây. Bây giờ, bạn thử ra đường mà xem, người ta có thể xả rác bất cứ chỗ nào tiện tay, trong khi thùng rác chỉ cách đó có vài bước chân. Bất cứ chỗ nào người ta cũng có thể khạc nhổ bừa bãi. Con đường gốm sứ ven sông Hồng đẹp là thế giờ nhiều chỗ thành nơi “trút bầu tâm sự” của dân nhậu.

Nhiều người nhầm lẫn giữa trang phục dạo phố, trang phục đi ngủ, đi biển, trang phục nơi công sở… Vì thế, đến những nơi thờ tự hay di tích tín ngưỡng mà họ ăn mặc chẳng khác gì đi dạo ngoài bãi biển. Nhắc nhở cũng nhiều, thậm chí có cả Nghị định xử phạt một số hành vi thiếu văn minh nơi công cộng như hút thuốc, tiểu tiện không đúng vị trí… nhưng thực tế, cũng chưa thực hiện được bao nhiêu.

- Chúng ta đã có một số nghị định xử phạt một số hành vi kể trên, nhưng mức xử phạt chưa đủ sức răn đe và nói thật là việc thanh tra, kiểm tra cũng có nhiều khó khăn. Liệu Quy tắc ứng xử này có phát huy được vai trò của nó, trong khi nó chỉ dừng ở khuyến cáo?

- Mỗi điều trong Bộ Quy tắc đều là những hướng dẫn cụ thể cho người dân cách ứng xử chuẩn mực như: Tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật; nội quy, quy tắc nơi công cộng; tôn trọng không gian chung của cộng đồng; ứng xử lịch thiệp, thân thiện, nhã nhặn, đúng mực; trang phục lịch sự, phù hợp hoàn cảnh, chuẩn mực xã hội; quan tâm, nhường nhịn, giúp đỡ người khuyết tật, người già, phụ nữ có thai, trẻ em; đấu tranh bảo vệ lẽ phải, người yếu thế, phê phán hành vi sai trái; tôn trọng, bảo vệ cảnh quan môi trường…

Cùng với hệ thống cơ sở pháp lý đã và đang được thực hiện, Quy tắc ứng xử này góp phần đưa ra những quy định “Nên” và “Không nên” để xốc lại ý thức, nét đẹp văn hóa, nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội.

Quan trọng hơn cả sẽ là phương pháp, cách thức của thành phố để tuyên truyền, khuyến cáo tới mọi công dân, nếu cả hệ thống chính trị của chúng ta chung tay, vào cuộc mạnh mẽ, trước hết là cán bộ, công chức nhà nước gương mẫu và nhắc nhở người thân thực hiện, tuổi trẻ Thủ đô phải xung kích đi đầu trong thực hiện các nội dung này thì sẽ tạo bước chuyển biến trong văn hóa ứng xử.

Không thể để những cảnh ăn mặc phản cảm tiếp diễn ở những nơi thờ tự

- Điều 13 của Quy tắc ứng xử là khen thưởng và kỷ luật. Ông có thể giải thích rõ hơn về điều này. Liệu với việc “nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng” có vi phạm quyền tự do cá nhân không?

- Bây giờ người ta vẫn hay nói vui với nhau là “Mình thích thì mình làm thôi”. Bạn thích, bạn ở nhà, có thể ăn mặc thế nào là tùy bạn, bạn thích thì bạn cứ mặc đi. Nhưng khi bạn ra đường, đến trường học, đến cơ quan công quyền, di tích tôn giáo bạn phải tuân thủ theo đúng các quy định nơi bạn đến. Việc khen thưởng và kỷ luật ở đây chủ yếu vẫn mang tính chất xây dựng ý thức cho người dân chứ không phải là xử phạt.

Tôi nói ví dụ như thế này, ở Thái Lan, nếu bạn ăn mặc không đúng quy định bạn sẽ không thể bước nửa bước vào đền, chùa hay Hoàng cung mà tham quan được. Thế mà ở Việt Nam, những kiểu ăn mặc phản cảm ở nơi công cộng nhiều lắm. Chúng ta không phê bình, không đấu tranh với những điều chướng tai, gai mắt đó được à?

Chẳng nhẽ chỉ vì quyền của một người mà làm ảnh hưởng đến bao người khác, ảnh hưởng đến chốn tôn nghiêm. Trong thời gian tới, dự kiến, Sở VH-TT Hà Nội sẽ phối hợp với một số cơ quan báo chí, đưa những hình ảnh đẹp và chưa đẹp của Hà Nội để đẹp thì nhân lên, xấu thì rút kinh nghiệm và hạn chế dần đi.

- Được biết, trong thời gian tới, Sở VH-TT sẽ tiếp tục có những hướng dẫn cụ thể để thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử một cách hiệu quả nhất?

- Đúng vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND TP Hà Nội xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện. Ví dụ như tại bến xe, bến phà sẽ có biển chỉ dẫn người dân xếp hàng, giữ gìn trật tự, vệ sinh chung.

Tại các đình, đền, chùa nên có tấm biển hướng dẫn trang phục đến hành lễ sao cho đúng, việc triển khai này sẽ phát huy tối đa sự sáng tạo của các địa phương, đơn vị để Quy tắc không mang tính cứng nhắc mà dễ đi vào cuộc sống. Sở VH-TT sẽ có văn bản hướng dẫn, yêu cầu các thiết chế văn hóa, các di tích lịch sử... do Sở trực tiếp quản lý gương mẫu thực hiện trước.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!