Hậu trường thiết kế bối cảnh cho bộ phim cuối cùng trong sự nghiệp điện ảnh của đạo diễn Đặng Nhật Minh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Là họa sĩ thiết kế mỹ thuật cho bộ phim “Hoa nhài”, Đặng Thanh Dương gặp nhiều áp lực để hoàn thành vai trò của mình ở một tác phẩm điện ảnh mang nhiều ý nghĩa đối với đạo diễn Đặng Nhật Minh. Thật may mắn, sự hợp tác ăn ý giữa anh và vị đạo diễn gạo cội đã giúp tác phẩm hoàn thành các tiêu chí đề ra, ở một bộ phim đặc trưng về Hà Nội những năm 2000.

“Hoa nhài” là bộ phim cuối cùng trong sự nghiệp điện ảnh của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Do vậy, việc trở thành họa sĩ thiết kế mỹ thuật cho bộ phim là niềm vinh hạnh đối với họa sĩ Đặng Thanh Dương. Dù trước đó, anh từng làm họa sĩ cho phim điện ảnh “Thành phố ngủ gật” của đạo diễn Lương Đình Dũng. Nhưng họa sĩ Đặng Thanh Dương cũng thú thực, anh vốn không phải là một họa sĩ được đào tạo bài bản về thiết kế mỹ thuật điện ảnh, một “tay ngang” trong lĩnh vực điện ảnh. Nghề chính của anh là một họa sĩ tự do, vẽ tranh phong cảnh. Nên khi đạo diễn Đặng Nhật Minh đưa ra lời mời, anh đã nhận lời ngay dù biết những khó khăn đang chờ đón mình ở phía trước.

Họa sĩ Đặng Thanh Dương (ngoài cùng bên phải) cùng đạo diễn Đặng Nhật Minh xem lại một cảnh quay

Họa sĩ Đặng Thanh Dương (ngoài cùng bên phải) cùng đạo diễn Đặng Nhật Minh xem lại một cảnh quay

Khó khăn đầu tiên chính là uy thế của đạo diễn tên tuổi Đặng Nhật Minh, được làm việc cùng ông vừa là may mắn nhưng cũng đặt ra những thách thức cần vượt qua. Chưa kể, “Hoa nhài” là bộ phim về Hà Nội mà đích thân đạo diễn viết kịch bản nên sự cầu toàn, chỉn chu ở một tác phẩm khép lại sự nghiệp của ông, sẽ được đề cao. Những yêu cầu, sự khắt khe có thể nhìn thấy trước. Nói như thế không phải họa sĩ không có những thuận lợi. Thời còn là sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, anh có nhiều thời gian lang thang trên phố cổ nên hiểu được bối cảnh và đạo cụ Hà Nội những năm 2000 cần những gì. Bên cạnh đó, anh còn có nhiều bạn bè họa sĩ, có mối quan hệ thân tình với một số nhà sử học nên anh lấy lại dần sự tự tin và bắt tay vào công việc.

Khi đọc kịch bản của bộ phim “Hoa nhài”, họa sĩ thấy ấn tượng với nội dung phim nhẹ nhàng và sâu lắng. Đó là khoảng thời gian cuộc sống của người Hà Nội bắt đầu quen thuộc với kinh tế thị trường, thành thị đổi thay tác động trở lại nông thôn vốn yên ả. Như nhiều bộ phim trước đó của đạo diễn Đặng Nhật Minh, bộ phim vẫn mang phong cách dung dị, không tập trung vào những yếu tố kịch tính mà đi sâu vào mối quan hệ giữa các nhân vật. Điều bất ngờ là, làm việc cùng đạo diễn Đặng Nhật Minh, công việc thuận lợi hơn họa sĩ Thanh Dương tưởng. Là cây đa, cây đề trong nghề nhưng ông rất gần gũi, thân thiện, tận tình chỉ bảo các đồng nghiệp trẻ tuổi. Dù tuổi cao nhưng đạo diễn Đặng Nhật Minh vẫn dành cho công việc sự chỉn chu, kỹ lưỡng. Những cảnh quay ở hiện trường, ông đều đến đúng giờ, làm việc một cách hăng say. Mỗi khuôn hình bấm máy ông đều xem rất kỹ, quay đi quay lại nhiều lần đến khi vừa ý mới thôi.

Bối cảnh của bộ phim "Hoa nhài"

Bối cảnh của bộ phim "Hoa nhài"

Vì bộ phim về Hà Nội những năm 2000 nên phần lớn bối cảnh phim chỉ quanh Hà Nội, khu phố cổ, những con ngõ, ngôi nhà cũ, nhà biệt thự Pháp cổ. Lúc đầu, họa sĩ khá khó khăn để tìm bối cảnh nhà ông thợ cắt tóc trong phim. Đó là một nhà cấp 4 trong con ngõ nhỏ. Những ngôi nhà như thế hiện nay rất khó tìm thấy. Và nếu còn cũng không phù hợp với cảnh quay. Trong lúc đang loay hoay đi tìm bối cảnh, họa sĩ và đạo diễn đã tìm được 1 căn phòng khá rộng trong xưởng phim truyện Việt Nam ở số 4 Thụy Khuê. Nơi này cũng có ngõ và bên ngoài phù hợp với bối cảnh phim. Còn nội thất bên trong cần cải tạo lại cho phù hợp với nội dung của tác phẩm từ bộ bàn ghế, giường, chăn chiếu, rèm cửa sổ, chạn bát…. Điều đó mang đến cho người xem hình ảnh năm xưa, rất Hà Nội.

Ê kíp bộ phim tại buổi lễ ra mắt khán giả

Ê kíp bộ phim tại buổi lễ ra mắt khán giả

Sau buổi chiếu ra mắt, nhiều độc giả đã bày tỏ sự khâm phục trước sức làm việc bền bỉ của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Vị đạo diễn gạo cội đã hơn 80 tuổi, mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng vẫn đam mê với từng khuôn hình, từng góc máy. Cả ê kíp làm phim thở phào khi đáp ứng được phần lớn các yêu cầu của ông bằng sự trân trọng và cảm phục. Bộ phim sau đó được chọn công chiếu tại Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ 6 và được UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen cho “Đạo diễn bộ phim góp phần vào việc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của thành phố Hà Nội”.

Với họa sĩ Đặng Thanh Dương, lần làm việc với đạo diễn Đặng Nhật Minh là một lần anh được học ở ông tình yêu với nghệ thuật. Ngọn lửa với nghề vẫn đang cháy ở vị đạo diễn đã ở cái tuổi gần đất xa trời. Do vậy, với một họa sĩ đang ở độ chín của nghề, anh sẽ tiếp tục cống hiến và tìm tòi các thể hiện mới trên tác phẩm của mình.

“Hoa nhài” khắc họa cuộc sống của người Hà Nội ở thời điểm bắt đầu quen thuộc với kinh tế thị trường, thành thị đổi thay tác động trở lại nông thôn vốn yên ả. Tuy nhiên, thông điệp về sự hàn gắn bởi tấm lòng của con người trong đời sống thị thành những tháng năm ấy lại rất gần với ngày hôm nay, những người vừa bước qua rạn vỡ và biến cố của đại dịch. “Hoa nhài” cho thấy chỉ có lòng nhân ái, sự quan tâm sẻ chia mới có thể là chất keo gắn kết cuộc sống để nó trở nên bền vững, ý nghĩa. Tác phẩm của NSND Đặng Nhật Minh nhẹ nhàng nhưng lại vô cùng ấm áp với những câu chuyện tình người.