Hát bội Vĩnh Long đi Mỹ

Lễ hội Smithsonian năm 2007 với chủ đề “Mê Kông – Dòng sông kết nối các nền văn hóa” do Viện Smithsonian tổ chức tại thủ đô Washington, Mỹ từ ngày 23-6 đến 9-7. VN được mời tham gia tất cả 11 loại hình nghệ thuật. Trong đó, hát bội Vĩnh Long được Bộ VHTT đề cử tham dự lễ hội

Hát bội Vĩnh Long đi Mỹ

Lễ hội Smithsonian năm 2007 với chủ đề “Mê Kông – Dòng sông kết nối các nền văn hóa” do Viện Smithsonian tổ chức tại thủ đô Washington, Mỹ từ ngày 23-6 đến 9-7. VN được mời tham gia tất cả 11 loại hình nghệ thuật. Trong đó, hát bội Vĩnh Long được Bộ VHTT đề cử tham dự lễ hội

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tốt vai Tiết Giao và nghệ nhân Yến Linh (phải) vai Nguyệt Cô

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tốt vai Tiết Giao và nghệ nhân Yến Linh (phải) vai Nguyệt Cô

Ông bầu Răng thuộc dòng tộc hát bội lớn nhất tỉnh Vĩnh Long đã giữ gìn và phát huy loại hình nghệ thuật này gần 70 năm qua. Ông tên Huỳnh Văn Răng, 73 tuổi, hiện sống tại ấp An Hương, xã Mỹ An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Tính đến nay, dòng tộc của ông đã trải qua 5 đời trong nghề hát bội. Người đi đầu là ông nội của ông, kế tiếp là đời cha ông là ông bầu Sâm, sau đó đến đời ông và con, rể, cháu với trên 40 người đến với hát bội.

Theo bầu Răng, vào những năm 50 của thế kỷ trước, loại hình hát bội ở thời kỳ vàng son, ghe hát đi đến đâu, bà con cổ vũ nhiệt tình đến đó, xem hát bội chật kín cả sân đình. Đến gần cuối thế kỷ trước, hát bội mất dần khán giả, đến độ tưởng như loại hình nghệ thuật tuồng này sẽ không còn tồn tại nữa. Nhiều nghệ nhân hát bội phải tự tìm cho mình một nghề để kiếm sống, nhưng phẩm chất nghệ sĩ, lòng say mê hát bội luôn thúc giục họ tìm mọi cách để giữ gìn nghệ thuật tuồng của dân tộc, tìm mọi cách chân truyền cho thế hệ con cháu.

Khi hát bội đã ăn sâu vào huyết quản

Vào thời điểm “ba chìm, bảy nổi” đó, ngoài những ngày hát, cúng đình, thời gian còn lại bầu Răng cũng như những nghệ nhân khác phải đi buôn bán khắp mọi nơi ở ĐBSCL để kiếm sống. Nghề mà những nghệ nhân này thường gắn bó là nghề bán kẹo kéo, vá xoong nồi, đánh bóng lư đồng, buôn bán đồ chơi trẻ em... nhưng kẹo kéo là cái nghề mà bất cứ nghệ nhân hát bội nào cũng biết. Anh Vương, con rể của Bầu Răng, tâm sự: Dù cực khổ nhưng chúng tôi cũng phải cố gắng, vả lại cũng quen rồi. Hầu hết những nghệ nhân hát bội đều được tập luyện từ nhỏ nên từng lời hát, điệu múa đã ăn sâu trong máu huyết của mình. Bà Bầu Đây, hiện đang sống tại xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, mặc dù năm nay gần 85 tuổi nhưng khi có ai mời đi xem hát bội là bà khỏe như thời còn trẻ trung, thời còn làm đào chánh, cho thấy nghệ thuật hát bội đã ăn sâu vào huyết quản của họ.

Ngoài bầu Răng, bầu Đây, còn có các ông bầu đã cống hiến nhiều công sức để quy tụ, giữ gìn loại hình nghệ thuật hát bội ở Vĩnh Long như bầu Đợt, bầu Hạp, bầu Giáp, bầu Lụa, bầu Sồm. Những ông bầu ấy đã góp phần đưa hát bội Vĩnh Long trở lại sân khấu, để đến một ngày của thế kỷ 21 văn minh, họ đưa nghệ thuật dân tộc đến biểu diễn ở Mỹ.

45 phút với Tiết Giao đoạt ngọc

Trong vài năm trở lại đây, nhiều đình làng tổ chức các lễ hội có phần long trọng hơn, hát bội có dịp trở lại với công chúng. Nghệ thuật truyền thống này đã có đất sống, một số đoàn hát bội đã hoạt động trở lại. Và đó là lý do để Bộ VHTT chọn hát bội Vĩnh Long đem chuông đi đánh xứ người.

Hiện nay, cơ quan quản lý văn hóa của Vĩnh Long đang tất bật để chuẩn bị cho chuyến lưu diễn của 5 nghệ nhân hát bội đoàn tuồng cổ Đồng Thinh tại Mỹ (gồm Nguyễn Văn Tốt, Huỳnh Văn Hên, Huỳnh Thị Yến Linh, Phạm Văn Mười Một và Nguyễn Văn Thinh). Ông Nguyễn Xuân Hoanh, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Tính đến nay, các bước chuẩn bị như tập dượt, làm thủ tục, hộ chiếu... đã hoàn tất. Trong lễ hội Smithsonian, các nghệ nhân hát bội Vĩnh Long sẽ tham gia với trích đoạn Tiết Giao đoạt ngọc, giới hạn thời lượng 45 phút với 5 lớp diễn: Võ Tam Tư xuất binh, Võ Tam Tư bại trận trở về, Nguyệt Cô kịch chiến với Tiết Giao, Võ Tam Tư đi tuần và Nguyệt Cô hóa cáo.

Câu chuyện kể về nàng Nguyệt Cô là cáo tinh tu lâu năm trở thành người. Nhờ có một nhan sắc tuyệt trần nên được Võ Tam Tư say đắm và cưới làm vợ. Nhờ có tài võ nghệ nên trong một trận chiến giữa các nước với nhau, nàng Nguyệt Cô xin chồng đi nghinh chiến. Người giao đấu với Nguyệt Cô là một chàng đẹp trai có tên Tiết Giao. Mới gặp nhau Nguyệt Cô đã bị say đắm bởi một kẻ thù quá khôi ngô tuấn tú.

Tuy nhiên, Tiết Giao có võ nghệ không bằng Nguyệt Cô nên đã tìm cách đoạt viên ngọc người trong bụng của Nguyệt Cô. Tiết Giao bày kế giả bệnh nặng, nếu có viên ngọc người của Nguyệt Cô chàng mới khỏi bệnh. Do Nguyệt Cô quá say mê Tiết Giao nên đành phải nhả ra cho chàng. Khi vừa nhả ra, Nguyệt Cô liền hiện nguyên hình cáo tinh, mất hết công lực. Quân Tiết Giao tấn công, quân Võ Tam Tư bại trận.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tốt (thủ vai Tiết Giao) trăn trở: Được đi Mỹ tham gia lễ hội là niềm vinh dự của cuộc đời làm nghệ thuật. Tuy nhiên, chúng tôi rất lo bởi toàn bộ vở diễn đến 120 phút nhưng phải rút lại có 45 phút. Bằng mọi cách tất cả các nghệ nhân phải diễn hết sức mình. Dù sao, chúng tôi cũng phải cố gắng đem đến cho người xem một vở diễn thật sự có ý nghĩa và giới thiệu loại hình nghệ thuật hát bội cho bạn bè thế giới.

Còn nghệ nhân Huỳnh Thị Yến Linh (thủ vai Nguyệt Cô) tâm sự: Trong vở diễn này, Nguyệt Cô là nhân vật chính, với những tình tiết khó diễn như Nguyệt Cô nhả viên ngọc người ra hay từ người hóa thành cáo... đòi hỏi người nghệ sĩ phải lột tả được cách biểu diễn vừa phải thể hiện đấu tranh tư tưởng rất dữ dội. Chúng tôi mừng ít, lo nhiều, nhưng bằng mọi cách phải diễn tốt để bạn bè thế giới hiểu thêm về loại hình nghệ thuật hát bội độc đáo của dân tộc.

Theo Người lao động