Hai lần tù, bị liệt nửa người vẫn trở thành ông chủ nuôi chim giàu có

ANTĐ - Hai lần đi tù với tổng mức án hơn 10 năm, trong quá trình thụ án, không may bị tai nạn đứt tủy sống, liệt hoàn toàn hai chân, trong con mắt của tất cả mọi người thì Đỗ Văn Kỳ dường như đã tự chôn vùi tương lai của mình. Đã có nhiều lúc anh suy sụp, nghĩ rằng cái chết sẽ là lối đi nhẹ nhàng nhất cho cuộc đời mình, nhưng rồi chỉ một thời gian ngắn, với quyết tâm hướng thiện và nghị lực phi thường, anh đã vượt mọi cản trở khó khăn để vươn lên. 
Hai lần tù, bị liệt nửa người vẫn trở thành ông chủ nuôi chim giàu có ảnh 1

Tuổi trẻ nông nổi và sự trả giá

Đỗ Văn Kỳ sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Từ nhỏ Kỳ đã là một cậu bé nghịch ngợm, lười biếng học hành. Lên lớp 3, vì học không thể vào đầu nên Kỳ xin bố mẹ cho nghỉ học. “Hồi ấy đi học là một cực hình với tôi, tôi bảo bố mẹ cho con đi làm việc gì, nặng nhọc thế nào cũng được, miễn là không phải đi học. Tìm mọi cách để tôi tiến bộ trong việc học hành không được, bố mẹ đành cho nghỉ học để đi hót phân trâu, phân bò về bón lúa”. Năm 16 tuổi thì Kỳ bước chân vào giang hồ, ăn chơi đàn đúm với những thanh niên hư hỏng, phiêu bạt khắp trong Nam, ngoài Bắc. Nhà nghèo, để có tiền ăn chơi, Kỳ phải đi trộm cắp, cướp giật. Trong một lần như thế, Kỳ bị công an bắt, nhưng đã nhanh chóng trốn vào miền Nam. Tại đây, ngựa quen đường cũ, Kỳ lại tiếp tục phạm tội mà bị bắt cũng vì tội trộm cắp. Lần này thì chàng thanh niên buộc phải nhận mức án 5 năm tù giam. 

Nhưng những năm tháng trong trại giam vẫn chưa đủ thức tỉnh cậu thanh niên hư hỏng, ra tù chưa được nửa năm, Kỳ lại bị bắt tại Sài Gòn vì tội cướp giật. Lần này, anh phải trả giá bằng 7 năm tù giam. Và trong thời gian này, tai nạn đã xảy đến với Kỳ, trong một lần lao động vào rừng cưa cây, anh bị cây đổ, cành cây đè vào người làm gãy cột sống, đứt tủy. Dù được cấp cứu tích cực, nhưng các bác sĩ chỉ giữ được mạng sống cho anh chứ không thể giúp đôi chân liệt của chàng trai 29 tuổi hồi phục được. Kỳ tâm sự, thật sự tai nạn này là một bước ngoặt lớn nhất của cuộc đời anh, nói là bi kịch cũng đúng, nhưng nói nó là sự kiện giúp anh phục thiện cũng đúng. “Lúc mình bị tai nạn nằm điều trị, mẹ và anh trai phải từ Bắc khăn gói vào miền Nam chăm sóc hơn một năm trời, chờ đến lúc con ra tù để đưa về. Nhìn mẹ mình một đời khổ sở, hơn 70 tuổi còn phải vượt hàng nghìn cây số vào chăm con tù, tôi làm sao không ân hận cho được”. 

Hai lần tù, bị liệt nửa người vẫn trở thành ông chủ nuôi chim giàu có ảnh 2

Gian nan hoàn lương

Tính từ thời điểm ra tù năm 2006 đến nay mới tròn 8 năm, nhưng nhìn cơ ngơi của gia đình anh, bất cứ ai chắc chắn cũng phải khâm phục nghị lực và những việc anh đã làm được. Giờ đây, Kỳ sở hữu ngôi nhà 7 tầng khang trang, vừa để ở những cũng vừa là nơi nuôi chim hàng nghìn đôi chim bồ câu. Gia đình anh hiện là một trong những cơ sở nuôi chim bồ câu giống Pháp lớn nhất miền Bắc, anh đang dự định tiếp tục mở thêm trang trại ở Vĩnh Phúc quê vợ trong thời gian tới đồng thời mở thêm nhiều ngành kinh doanh khác.

Kỳ nhớ lại thời gian đầu ra tù, anh em thì không giúp đỡ được nhiều, hàng xóm thì khinh rẻ. Đã là thằng tù, giờ lại liệt nằm một chỗ thì còn làm được gì nữa, chắc chỉ nằm đó chờ chết thôi. Lúc đó, nằm trong căn phòng với 4 bức tường hằng ngày chờ người mẹ 75 tuổi đầu nấu cơm cho ăn, gần như không ngày nào Kỳ không rơi nước mắt tuyệt vọng. Mẹ thì già yếu, biết sống ngày nào mà hầu hạ mình. 

Nghĩ mãi, Kỳ quyết tâm luyện tập để có thể ngồi xe lăn được, đồng thời nghĩ cách làm kinh tế. Kỳ xin mẹ bán một sào đất được 10 triệu để đầu tư mua gần 100 con chó về nuôi. Anh kể, hồi ấy khổ lắm, chăm 100 con chó người thường đã vất, người liệt còn vất hơn. Ngày nào cũng như ngày nào, anh phải tự tay nấu cám, rồi đẩy xe lăn đi cho chó ăn, rồi lại đẩy xe với thùng phân chó trước mặt đi hót phân. Có lần đang hót phân chó thì trời đổ mưa tầm tã, xe lăn không thể di chuyển được, mẹ thì đi làm đồng chưa về kịp, thế là cứ vậy ngồi dưới mưa với thùng phân lõng bõng nước ở ngoài vườn. Nhưng nhìn đàn chó lớn từng ngày, sắp đến lúc được bán, Kỳ an ủi khổ mấy cũng chịu được. Thế nhưng ông trời dường như muốn thử thách chàng thanh niên, sắp đến ngày xuất chuồng thì đàn chó lăn ra ốm rồi chết gần hết. Gần trăm con chó, Kỳ chỉ bán tống bán tháo được 3 triệu đồng.

Buồn bã khổ sở một thời gian, rồi Kỳ lại quyết làm, anh cầm 3 triệu đó đi mua một đôi lợn nái. Anh kể, hồi ấy mỗi tháng chỉ mong đến ngày lĩnh trợ cấp cho người tàn tật 120 nghìn đồng để đi mua cám cho lợn, không còn tiền mà mua thức ăn. Anh nhờ người ra chợ Long Biên mua cá loại về nấu cho lợn ăn, con nào lành lặn một chút thì nhặt ra rửa sạch để mình ăn. Phân lợn thì anh dùng nuôi trùn quế bán kiếm thêm thu nhập. Rồi qua tìm hiểu, anh nhận thấy nuôi dế bán cho những người nuôi chim cảnh có hiệu quả kinh tế cao, anh lại bán đôi lợn khi đó đang chửa được hơn 10 triệu đồng để lấy vốn nuôi dế. Anh tự mình lái xe ba bánh lên tận vùng Vĩnh Phúc tìm nguồn dế giống và học hỏi cách nuôi. 

Khi đã có chút tiền, anh quyết định vay mượn thêm để xây một ngôi nhà với mục đích kinh doanh nhà nghỉ cho đỡ vất vả. Nhưng đúng lúc ấy thì kinh tế bước vào suy thoái nên việc kinh doanh nhà nghỉ không thuận lợi. Trong quá trình bán dế cho những cơ sở nuôi chim, anh nảy ra ý định nuôi chim bồ câu. Thế là anh lên mạng tìm hiểu thêm, và quyết định sang Bắc Ninh mua chim giống về nuôi. “Lúc đi mua thì tôi cũng trình bày hoàn cảnh với người bán, bảo mình bị tàn tật thế này, mong họ giúp đỡ cho. Người ta nhận lời, rồi bán cho 200 đôi chim giống với giá hơn 40 triệu đồng, nhưng về mấy hôm thì chim lăn ra chết gần hết, gọi điện thì người ta không bắt máy” - anh kể. Còn khoảng 50 đôi, anh cẩn thận gây dựng lại, dành toàn bộ 5 tầng nhà phía trên làm nơi nuôi chim. Đến nay, đàn chim của anh lên đến hơn nghìn đôi, mỗi ngày trung bình anh có thêm khoảng 30 đôi chim giống và liên tục cung cấp chim thịt cho các nhà hàng trên địa bàn Hà Nội. Anh cho biết, mỗi tháng trừ chi phí, anh để dành ra cỡ gần 30 triệu đồng tiền lãi. 

Đi hỏi vợ ở… góc sân

Nhìn vào gia đình anh Kỳ bây giờ hạnh phúc với người vợ hiền chịu thương chịu khó, đứa con gái xin xắn, ngoan ngoãn, học giỏi, chắc hẳn nhiều người không khỏi thắc mắc. Anh Kỳ cười “đó là kết quả của một lần liều mình hỏi vợ… ngoài góc sân của tôi đấy”. Anh kể, đó là một lần anh lặn lội một mình lên Vĩnh Phúc tìm chỗ mua dế giống. “Đang đi thì tự nhiên có một người khuyết tật khác cứ đuổi theo, đến nơi, người thanh niên nọ hỏi đi đâu, tôi bảo đi mua dế giống thì họ dúi vào tay tôi cái địa chỉ. Ngồi uống nước làm quen, người này hỏi tôi có vợ chưa, tôi bảo chưa thì anh ta hỏi “thế nguyện vọng của bạn thế nào?”. Tôi trả lời là tôi bị liệt thế này thì không thể có con được nên muốn lấy một người có con rồi, về vợ chồng bảo nhau làm ăn thôi”. Thế là mua xong dế thì người này dắt anh vào nhà một người phụ nữ, đó là một phụ nữ đơn thân đang một mình nuôi đứa con gái 3 tuổi. Vì xe lăn không vào được nhà nên hai người phải đứng nói chuyện ở góc sân. “Lúc này cô ấy cũng không biết tôi vào tìm hiểu đâu, cứ đứng góc sân hỏi chuyện nọ chuyện kia, sau biết tôi có ý định tìm hiểu mới tá hỏa ra. Tôi cũng nói thật luôn là đấy, tôi bị liệt không thể có con được, vợ chồng lấy nhau về chỉ để bảo nhau làm ăn thôi. Nếu em đồng ý thì phải quyết định nhanh, vì tuổi tác anh bây giờ không cho phép chờ đợi nữa”.

Sau khi “ngỏ lời” xong thì Kỳ để lại số điện thoại mà không mấy hy vọng nhận được sự hồi âm. Ấy vậy mà 5 ngày sau, chị chủ động gọi điện nói anh đến đón sang chơi xem nhà. Sau lần xem nhà ấy, anh đón chị sang chơi một lần nữa và ít ngày sau thì chị trả lời đồng ý. Cuộc hôn nhân vấp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình nhà gái. Có lần nhà gái đồng ý sang nói chuyện, nhưng sáng nói chuyện xong thì chiều về gia đình bàn bạc thế nào lại gọi điện sang nói thôi, không cưới xin gì nữa. Thế nhưng thương anh, chị Nguyễn Thị Phượng một mình bế con, trốn nhà ra bến đò gọi điện anh ra đón. Hai người sống với nhau chừng nửa năm thì anh chính thức tổ chức lễ cưới linh đình rồi mang lễ sang tạ lỗi gia đình nhà ngoại và sống hạnh phúc đến giờ.

Nhìn đứa con gái, ánh mắt anh Kỳ ánh lên niềm tự hào: “Cháu nó xinh, học giỏi và múa dẻo lắm, vừa được đi thi múa đấy, lại rất yêu thương bố. Về đây từ lúc 3 tuổi, giờ cháu đã học lớp 3 nhưng tôi chưa bao giờ để cháu nghĩ không phải con ruột của mình. Cháu nó cũng bảo con chỉ biết có bố Kỳ thôi”. Nói về người vợ của mình, anh Kỳ tâm sự: “Ở với nhau chừng ấy năm, tôi cũng hiểu tính vợ lắm, cô ấy nhanh nhẹn, chịu thương, chịu khó, lại nhẫn nhịn chồng. Tính tôi nóng, lại nằm liệt thế này, lúc đau nhức trong cơ thể có khi cũng nói này nói nọ, nhưng cô ấy nhịn lắm. Mà từ khi lấy vợ, không biết có phải nhờ lộc vợ hay không mà tôi làm ăn thuận lợi hơn rất nhiều. Chúng tôi đang dự định sắp tới sẽ đi làm thụ tinh nhân tạo để có đứa con chung”.

Từng trải qua khó khăn nên khi kinh tế khá giả, anh Kỳ luôn muốn giúp đỡ những người khó khăn. Bà Nguyễn Thị Sen, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đan Phượng cho biết, anh Kỳ là một người có trái tim thiện nguyện, thường xuyên có những hoạt động từ thiện thiết thực. Mới đây, anh đã tặng cho 32 gia đình khó khăn trên địa bàn huyện, mỗi gia đình 2 đôi chim giống đồng thời hướng dẫn những người có nhu cầu nuôi chim kỹ thuật nuôi, qua đó nhiều hộ đã mở ra hướng làm kinh tế mới. Anh còn hỗ trợ nạn nhân chất độc màu da cam, giúp đỡ nhiều chương trình từ thiện khác.