Hà Tĩnh - Quảng Bình ngập chìm trong lũ

ANTĐ - Ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 11 đã gây lũ lớn, ngập lụt nghiêm trọng  trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Đến chiều tối qua 16-10, hàng chục nghìn hộ dân vẫn bị lũ bao vây, cô lập. 
Hà Tĩnh - Quảng Bình ngập chìm trong lũ ảnh 1
Sáng 16-10, hàng trăm ngôi nhà ở xã Phúc Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình)
 bị nhấn chìm trong nước lũ (Ảnh: Báo Quảng Bình)

18 người chết và mất tích

Thống kê đến hiện tại, bão số 11 đã làm 11 người chết, 7 người mất tích và 71 người bị thương. Cụ thể, tỉnh Quảng Nam có 3 người chết, lũ quét tại Hà Tĩnh cũng đã làm 3 người chết và 3 người mất tích. Quảng Bình có 5 người chết và 2 người mất tích. Hai người mất tích ở tỉnh Thừa Thiên - Huế và Bình Định. Thiệt hại về tài sản sau bão số 11 vô cùng lớn. BCĐ PCLB Trung ương cho hay, riêng nhà bị sập, trôi, tốc mái, hư hỏng đã lên tới gần 14.000 ngôi nhà, trong đó thiệt hại nặng nhất là TP Đà Nẵng.

Trong khi đó, trong 2 ngày 15 và 16-10, trên địa bàn các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình đã có mưa to đến rất to kèm theo lốc xoáy. Mưa to khiến lũ trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Bình lên nhanh. Đến chiều tối qua 16-10, mực nước trên sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt lên mức 12m, trên BĐIII 1,5m; sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm lên mức 14m, trên BĐIII 1m; sông Gianh tại Mai Hóa lên mức 8,2m, trên BĐIII 1,7m. 

Hôm qua 16-10, BCĐ PCLB Trung ương đã có Công điện khẩn gửi UBND các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình yêu cầu lên phương án đối phó với lũ, chủ động di dân khỏi vùng ngập, lụt…

Hàng nghìn hộ dân bị cô lập 

BCH PCLB tỉnh Hà Tĩnh cho hay, lượng mưa đo được tại Hà Tĩnh là 500mm, riêng 3 huyện giáp ranh biên giới Lào là Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang bị ngập lụt, lượng mưa lên tới 600-700mm. Đến cuối giờ chiều qua, 3 huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang đã ngập chìm trong lũ. Toàn bộ 32 xã của huyện Hương Sơn đã bị lũ chia cắt. Nặng nhất là các xã Sơn Phú, Sơn Mai, Sơn Thủy, Sơn Hồng, Sơn Lĩnh và Sơn Kim. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã bố trí trên 300 cán bộ, chiến sĩ cùng hàng chục ca nô lên các huyện miền núi Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang để ứng cứu dân, tiếp tế lương thực và nước uống cho dân. Ban Chỉ huy PCLB các huyện đã điều động nhiều phương tiện ca nô, tàu cứu hộ để ứng cứu đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Theo đại diện Công ty quản lý và sửa chữa 474, trên địa bàn huyện Hương Sơn ngập lụt 4 điểm và sạt lở nhiều đoạn trên quốc lộ 8A, gây ắch tắc giao thông nghiêm trọng. Đoạn qua xã Sơn Diệm, xã Sơn Tây và trung tâm huyện Hương Sơn, nhiều đoạn nước ngập sâu hơn 1,5m. Đặc biệt từ km 71 đến km 85 đã xảy ra sạt lở ta luy dương và ta luy âm làm hàng chục nghìn khối đất đá từ sườn núi đổ xuống chắn ngang đường. Các phương tiện giao thông và người đi bộ không thể qua lại được. Đặc biệt, đoạn từ trung tâm lên cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, các loại phương tiện giao thông không thể qua lại được vì đất đá đổ xuống chắn ngang lòng đường. Sạt lở ở quốc lộ 8A cũng đã khiến hàng trăm khách cùng với xe cộ mắc kẹt tại cửa khẩu Cầu Treo.

Giao thông chia cắt trong nước lũ

Do hoàn lưu của bão số 11 và không khí lạnh tăng cường nên Quảng Bình đã có mưa vừa, mưa to đến rất to trên địa bàn toàn tỉnh. Mưa lớn đã làm hơn 10.000 nhà bị ngập, trong đó huyện Quảng Ninh 4.500 nhà, huyện Tuyên Hóa 3.083 nhà, huyện Minh Hóa 1.886 nhà... Đến chiều tối qua, toàn tỉnh vẫn còn 5.000 hộ dân bị ngập và chia cắt trong nước lũ. Thị trấn Quy Đạt ngập sâu đến 1m. Lốc ở huyện Quảng Trạch làm tốc mái và sập 387 nhà. Huyện Quảng Ninh cũng bị lốc đi qua làm tốc mái 17 nhà. Huyện Minh Hóa bị đứt cầu treo ở xã Hóa Thanh.  Đường Hồ Chí Minh đoạn qua thôn Phú Nhiêu xã Thượng Hóa, Minh Hóa bị ngập sâu tới 3m. quốc lộ 12A qua Đức Hóa ngập 0,6m, đoạn Khe Ve ngập 0,7m, cầu Cha Lo 3 ngập 2m. Đường giao thông liên huyện đến trung tâm các xã Tân Hóa, Minh Hóa, Hóa Sơn và Xuân Hóa huyện Minh Hóa bị cắt đứt.

Đường sắt Bắc - Nam tê liệt tại Quảng Bình

Hoàn lưu bão số 11 gây mưa lớn tại các tỉnh miền Trung khiến cho tuyến đường sắt Bắc - Nam bị ngập nặng và gián đoạn hoạt động chạy tàu. Ông Nguyễn Văn Bính - Phó Tổng Giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội đang chỉ đạo khắc phục sự cố đường sắt tại khu vực miền Trung cho biết: “Có ít nhất 5 vị trí đường sắt bị nước ngập nặng, có đoạn từ 1,5-1,7m. Cụ thể, những đoạn đang bị nước nhấn chìm thuộc Minh Lệ, Lệ Sơn, Kim Lũ, Đồng Lê, Đồng Lê, Ngọc Lâm (Quảng Bình)”. 

Cũng theo ông Nguyễn Văn Bính, hiện ngành đường sắt đã huy động tổng lực cán bộ công nhân viên và phương tiện, thiết bị đến các vị trí bị ảnh hưởng để khắc phục sự cố. Tuy nhiên, do nước ngập sâu nên tình hình khắc phục rất khó khăn. Đến chiều 16-10, nhiều hành khách đi tàu đang bị mắc kẹt tại các nhà chờ.